Xung đột Trung Đông không chỉ khiến số lượng khách đặt vé ở nhiều quốc gia sụt giảm, mà còn khiến các chuyến bay mất thời gian hơn do phải bay vòng qua vùng chiến sự.

Những "vùng cấm bay bất đắc dĩ"

Theo Bloomberg, Trung Đông từ lâu đã là ngã tư toàn cầu về du lịch hàng không. Mỗi ngày, có tới hàng trăm máy bay di chuyển qua khu vực này để tới Mỹ, châu Âu và châu Á.

Do đó, khi xung đột bùng lên trong khu vực này và nhiều điểm nóng khác, việc vận hành các đường bay đi qua đây ngày càng khó khăn. Các hãng hàng không phải điều chỉnh nhiều để bảo đảm an toàn.

Trước đó, các cuộc xung đột kéo dài tại Trung Đông đã khiến Yemen, Syria và Sudan trở thành vùng cấm bay đối với hầu hết các hãng hàng không. Nhiều hãng hàng không của Mỹ và Anh cũng thường tránh không phận Iran bằng cách triển khai tuyến bay dài hơn về phía Tây, đi qua Iraq.

11111
Hãng Air France - KLM ghi nhận lượng khách tới Trung Đông giảm (Nguồn: Reuters)

Không liên quan tới Trung Đông, nhưng cuộc xung đột Nga - Ukraine những năm gần đây cũng khiến nhiều đường bay toàn cầu phải kéo dài khi hai nước này đóng cửa không phận rộng lớn với nhiều nhà khai thác xuyên quốc gia. Trong đó, đáng chú ý là việc dừng tuyến đường Great Circle (tuyến đường ngắn nhất) xuyên qua Siberia, một cửa ngõ phổ biến giữa châu Âu và châu Á.

Mới nhất, bạo lực leo thang nghiêm trọng giữa Israel và Hamas càng khiến ngành hàng không thế giới đau đầu khi vận hành các chuyến bay qua Trung Đông.

Tình hình hiện tại khiến hãng hàng không El Al của Israel ngừng bay qua phần lớn bán đảo Ả Rập do lo ngại về an toàn. Các chuyến bay đến Bangkok (Thái Lan) của hãng phải bay vòng và tốn thêm nhiều giờ. Trong khi đó, họ cũng hoãn các chuyến bay đến Ấn Độ và hủy các tuyến bay theo mùa đến Tokyo (Nhật Bản). Hầu hết các hãng hàng không khác đã ngừng bay đến Tel Aviv (Israel) sau khi xung đột bùng phát.

Hãng hàng không Lufthansa của Đức hiện đã dừng tuyến bay Beirut. Trong khi đó, hang Air France - KLM cho biết, họ nhận thấy nhu cầu của hành khách đối các chuyến đi đến khu vực này đang giảm.

Nhu cầu sụt giảm

Leo thang giữa Israel và Hamas đang kéo theo nhiều vấn đề tiềm ẩn đối với những hành khách thường xuyên di chuyển đến khu vực này.

Theo công ty ForwardKeys chuyên về theo dõi dữ liệu du lịch, số lượng đặt vé máy bay trên toàn cầu sau 3 tuần nổ ra cuộc đột kích xuyên biên giới của Hamas vào Israel ngày 7/10, thấp hơn 20% so với mức của năm 2019.

Các chuyến bay đến Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với lượng đặt chỗ giảm 26% cùng kỳ. Số vé đặt đến Saudi Arabia, Jordan, Lebanon và Ai Cập cũng giảm. Lượng đặt chỗ các chuyến bay từ Mỹ đến khu vực này giảm 10%.

11112
Nhu cầu bay sụt giảm sau khi bùng phát chiến sự Israel - Hamas (Nguồn: FT)

Một giám đốc điều hành trong ngành cho biết, số lượng khách du lịch Mỹ thường giảm trong thời kỳ xung đột địa chính trị. Xu hướng này diễn ra liên tục kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh những năm 1990.

Ông Olivier Ponti, Phó chủ tịch phụ trách phân tích du lịch của Công ty ForwardKeys cho biết, chiến sự Israel - Hamas đã đe dọa xu hướng phục hồi mạnh mẽ của du lịch trong suốt cả năm nay.

"Cuộc chiến này không chỉ khiến mọi người không tới Trung Đông nữa mà còn làm xói mòn niềm tin của hành khách về việc đi du lịch tới những nơi khác", ông Ponti nói.

Số liệu đặt vé máy bay trước cuộc xung đột Israel - Hamas cho thấy nhu cầu hàng không toàn cầu trong quý cuối cùng của năm nay sẽ phục hồi 95% so với năm 2019. Tuy nhiên, khi chưa kịp phục hồi thì chiến sự nổ ra. Dựa trên số liệu từ đầu năm 2013 tính đến cuối tháng 10/2023, nhu cầu hàng không đã giảm xuống 88%.

Xung đột gây thiệt hại đáng kể

Có thể thấy lo ngại của hành khách là có cơ sở khi ngày càng có nhiều tín hiệu không chắc chắn về tình hình xung đột tại khu vực Trung Đông.

Các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ và đồng minh đã gia tăng ở Iraq và Syria, trong khi Iran cảnh báo có thể nổ ra các mặt trận xung đột mới khi Israel tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza.

Theo công ty phân tích hàng không Cirium, nếu việc đóng cửa không phận lan rộng ở Trung Đông, khoảng 300 chuyến bay hàng ngày giữa châu Âu và các điểm đến ở Nam Á, Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Khi đó, các hãng hàng không phải tính đến những lựa chọn thay thế khác dù đắt đỏ và còn nhiều rủi ro.

Ví dụ, các hãng có thể mở rộng đường bay về phía Nam qua Ai Cập, mất them vài giờ hoặc về phía Bắc, đi qua các khu vực có xung đột gần đây như Armenia và Azerbaijan, sau đó vòng qua hoặc qua Afghanistan.

Mỗi giờ bay kéo dài, các hãng sẽ tiêu tốn thêm 7.227 euro (khoảng 9.800 USD) trong tổng chi phí của một máy bay thân rộng thông thường, dựa trên ước tính của Cục Hàng không Liên bang Mỹ.

Bà Anne Agnew Correa, Phó chủ tịch cấp cao về dự báo của Công ty Tư vấn hàng không MBA Aviation cho biết: "Nếu các không phận đóng cửa trên diện rộng như vậy sẽ là thách thức lớn đối với các nhà quản lý lợi nhuận và lập kế hoạch hoạt động hàng không".

Trước đó, vì xung đột Nga - Ukraine, các hãng hàng không ở Liên minh châu Âu, Anh, Mỹ và Canada đã phải vật lộn vì các đường bay đi vòng quanh không phận Nga có chi phí tốn kém nhiều hơn.

Tình hình này cũng buộc hang Finnair phải xem xét lại chiến lược đường dài của mình và loại bỏ những chiếc máy bay không còn đủ tầm bay. Hay như Air France - KLM đã đặt mua máy bay phản lực A350 tầm xa hơn, một phần để đối phó với việc đóng cửa không phận của Nga.

Theo ông John Strickland, một nhà tư vấn ngành hàng không: "Các hãng hàng không cần theo dõi chặt chẽ những xu hướng hiện tại. Hiện toàn ngành đang chuyển từ một mùa hè cực kỳ sôi động sang một mùa đông rất khó dự đoán".

An Bình / Báo Giao thông