Từ đầu năm tới nay, ngành Hàng không đang ở trong những ngày thất bát vì đại dịch COVID-19. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với tư cách là chủ sở hữu Vietnam Airlines khi nắm giữ 86% vốn, Nhà nước cần có hành động với các biện pháp hoặc chính sách tháo gỡ đủ mạnh, để hàng không sớm phục hồi.

Khó khăn chưa từng có trong lịch sử

Đại diện Vietnam Airlines - ông Dương Trí Thành - cho biết, từ khi hòa bình lập lại đến nay, chưa bao giờ bầu trời Việt Nam bay ít đến thế. Đang phát triển vững mạnh nhưng đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn toàn bộ, khiến hãng bị lỗ ròng 15.000 tỉ đồng. Nếu áp dụng chậm lại khấu hao, chính sách về thuế xăng dầu, dự kiến bớt được 2.200 tỉ đồng thì sẽ lỗ khoảng 13.000 tỉ đồng.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, các hãng tại Việt Nam mất đi doanh thu khoảng 4 tỉ USD, trong đó đại dịch COVID-19 đã khiến Vietnam Airlines giảm doanh thu 50.000 tỉ đồng, dự kiến lỗ 29.000 tỉ đồng, dòng tiền thâm hụt 16.000 tỉ đồng. Do đó, Vietnam Airlines sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8.2020 nếu không có hỗ trợ của Chính phủ với vai trò chủ sở hữu. Để đối phó với đại dịch COVID-19, Vietnam Airlines đưa ra nhiều giải pháp ứng phó và đã cắt giảm các chi phí hơn 5.000 tỉ đồng. Cùng với đó, Vietnam Airlines đề nghị chủ sở hữu tăng vốn hoặc có giải pháp cho vay, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gói thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỉ đồng.

Khẳng định vai trò Chính phủ vừa là chủ sở hữu của Vietnam Airlines lại vừa là cơ quan quản lý Nhà nước nên cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các hãng hàng không, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng, ngành Hàng không chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất vì đại dịch COVID-19.

Cũng theo ông Cung, với các số liệu đầy đủ, minh bạch chứng minh tài chính bị ảnh hưởng do đại dịch và là trường hợp rất điển hình, Vietnam Airlines là hãng bay bị tác động sâu, nặng nhưng cũng là nhân tố đầu tiên phục hồi nhanh nhất. Vietnam Airlines không phải là đơn vị phải xin Chính phủ hỗ trợ hay “giải cứu"’ mà Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu cần có hành động cũng như trách nhiệm với các biện pháp hoặc chính sách tháo gỡ.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - khẳng định, Chính phủ đã thống nhất không dùng từ “giải cứu". Theo đó, Chính phủ đưa ra 4 nhóm giải pháp lớn tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines gồm các tổ chức tín dụng sẽ cho vay bắc cầu, trong đó cho phép Ngân hàng Nhà nước trích lập dự phòng rủi ro xử lý khoản nợ tái cấp vốn theo quyết định. Chính phủ cấp một bảo lãnh tín dụng để các tổ chức tín dụng cho hãng vay vượt hạn mức. Chính phủ xin Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu. Nội bộ Vietnam Airlines giảm phần trích khấu hao, phân bổ bảo dưỡng và chưa nộp khoản thu cổ phần hóa còn lại về các quỹ.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) Phạm Việt Dũng cho rằng, do chính sách hạn chế giao thông hàng không của chính phủ các nước như một biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, sản lượng khai thác của các hãng hàng không toàn thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng dẫn tới sự sụt giảm về sản lượng điều hành bay đi, đến và điều hành bay quá cảnh của tổng công ty. Vì vậy, kế hoạch tổng sản lượng điều hành bay năm 2020 của VATM dự kiến chỉ đạt 436.000 lần chuyến, bằng 44,8%; giảm hơn 537.000 lần chuyến, trong đó điều hành bay đi, đến bằng 32,5% so với thực hiện năm 2019.

Bên cạnh việc sụt giảm doanh thu do sụt giảm sản lượng, chỉ tiêu doanh thu của VATM tiếp tục ảnh hưởng do các hãng hàng không gặp khó khăn về tài chính dẫn tới khó khăn trong việc thanh toán giá dịch vụ điều hành bay cho VATM. Hiện, đã có một số hãng hàng không đề nghị cho chậm thanh toán và giảm giá điều hành bay. Một số hãng hàng không còn nợ tiền điều hành bay chưa thanh toán được. Điều này gây khó khăn lớn cho hoạt động của VATM.

Hàng không phục hồi sẽ giúp vực dậy nền kinh tế

PGS.TS Trần Đình Thiên nói rằng, ngành Hàng không phục hồi sẽ giúp cho nền kinh tế phục hồi nhanh chóng. Nhà nước không đủ tiền để cứu tất cả doanh nghiệp mà phải cứu những thứ có tính đặc biệt. Cứu ở đây cần hiểu là cứu nền kinh tế chứ không phải là doanh nghiệp Vietnam Airlines. Với tư cách là chủ sở hữu Vietnam Airlines, Nhà nước cần có trách nhiệm, tránh để các hãng khác dị nghị phân biệt Nhà nước “đi đêm, đi ngày".

Ông Thiên cho rằng, mỗi phương án đều đặt ra yêu cầu về mặt tài chính và đây là trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội. Vietnam Airlines phục hồi sớm sẽ giúp vực dậy nền kinh tế.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thị trường hàng không trong nước cơ bản đã khôi phục hoàn toàn, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đã có nhiều khởi sắc, các hãng hàng không đã mở khai thác mới nhiều đường bay nội địa phục vụ hành khách nội địa. Số lượng hành khách đi máy bay tăng cao.

Trong tháng 5.2020, lượng khách qua cảng trên cả nước đạt 2,88 triệu khách, giảm 70% so với cùng kỳ của năm 2019, trong đó, khách quốc tế đạt 78.000 khách giảm 97,6%, khách nội địa đạt 2,8 triệu khách giảm 56,6%. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 1,47 triệu khách giảm 67% (khách nội địa đạt 1,4 triệu khách, khách quốc tế đạt 71.000 khách).

Để đảm bảo phòng, chống dịch, các chuyến bay vẫn được thực hiện theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Y tế và Bộ Giao thông - Vận tải. Hành khách được hướng dẫn kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế trước chuyến bay và đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay. Các hãng hàng không tiếp tục khử trùng, khử khuẩn tàu bay theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam - ông Đinh Việt Thắng - cho hay, các hãng không bay thì không có doanh thu, điều này giống như dòng máu trong cơ thể nếu tắc sẽ làm gián đoạn rất lớn. Thiệt hại rõ ràng đối với các hãng hàng không chính là không có doanh thu trong mùa dịch nhưng vẫn phải trả các chi phí tàu bay, nhân viên, các chi phí quản lý khác... Do đó, để vực dậy ngành Hàng không vào giai đoạn này, sự hỗ trợ của Chính phủ là rất quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các hãng hàng không có vốn để khôi phục lại các dịch vụ. Hỗ trợ nguồn vốn của Chính phủ chỉ là hỗ trợ, khuyến khích các hãng hàng không duy trì hoạt động, điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, cố gắng của chính các đơn vị. Cần có một cú hích cả về tinh thần và vật chất để các hãng hàng không có quyết tâm vượt qua khó khăn này.

Hỗ trợ trong dịch bệnh là quan trọng nhưng hỗ trợ sau dịch bệnh còn quan trọng hơn. Các vấn đề thuế, phí chỉ là giải pháp trước mắt, quan trọng là hỗ trợ dài hạn - chính là thiết lập các đường bay, hoạt động bay và đặc biệt là có nguồn vay để cho các hãng bổ sung nguồn vốn thiếu, vốn mất trong quá trình dịch bệnh để khôi phục lại sản xuất kinh doanh. Và khi các hãng có lãi mới có thể phát triển lại được thị trường.

Đặng Tiến

Thủ tướng đồng ý khôi phục vận chuyển hàng không Việt Nam-Trung Quốc Thủ tướng đồng ý khôi phục vận chuyển hàng không Việt Nam-Trung Quốc
Hàng không Việt Nam duy trì tỷ lệ đúng giờ cao Hàng không Việt Nam duy trì tỷ lệ đúng giờ cao

/ laodong.vn