Tình trạng người dân sang đường không đúng quy định diễn ra phổ biến bất chấp nguy hiểm, trong khi nhiều cầu vượt bộ ở Hà Nội bị người dân "lãng quên" không sử dụng.
- Khởi động dự án cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn
- Cầu đi bộ siêu sang ven sông Hương lại vấp "sự cố"
- Cận cảnh cầu đi bộ lát gỗ lim siêu sang từng gây tranh cãi ở Huế sau khai trương
Nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ, trên toàn TP Hà Nội hiện nay có khoảng 70 cầu bộ hành ở các nút giao cắt và khu vực gần bệnh viện, trường học, nơi có mật độ giao thông đông đúc. Tuy nhiên, bỏ mặc sự tồn tại của cây cầu dành cho người đi bộ, người dân sống tại Thủ đô vẫn vô tư di chuyển dưới lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo ghi nhận của PV VTC News tại nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng người đi bộ "ngang nhiên" sang đường giữa dòng xe cộ tấp nập diễn ra phổ biến.
Trước cổng bệnh viện K (cơ sở Tân Triều), dù cầu bộ hành được xây dựng cách đó không xa nhưng nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thản nhiên đi bộ sang đường.
Chỉ trong khoảng 30 phút có mặt tại đây, PV VTC News chứng kiến hàng trăm trường hợp vi phạm với mật độ dày đặc.
"Nhằm tiết kiệm thời gian, đỡ phải leo cầu đi bộ thì có lúc vắng xe tôi cũng đi bộ sang đường cho nhanh." - chị Nguyễn Thanh Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) phân trần.
Còn anh Lê Khánh (tiểu thương kinh doanh trước cổng bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội) cho biết tình trạng người dân thản nhiên băng qua đường thay vì sử dụng cầu bộ hành khá phổ biến tại đây. "Đa số người dân đều ngại đi lên cầu vì quãng đường xa hơn so với việc đi bộ qua đường. Thay vì đi vòng theo lối cầu vượt bộ, người dân đi từ cổng bệnh viện sang thẳng lòng đường và ngược lại để cho nhanh.", anh Khánh chia sẻ.
Đặc biệt, cầu bộ hành tại đây lại là nơi để tụ tập buôn bán, nói chuyện và thậm chí là nơi nghỉ ngơi của người bệnh.
Tại khu vực trước cổng bệnh viện Thanh Nhàn, tình trạng người dân vô tư qua đường ngay giữa dòng xe cộ cũng không còn xa lạ. Không ít vụ tai nạn xảy ra ngay trước cổng bệnh viện.
Ở một số tuyến phố, các cầu vượt dành cho người đi bộ rất vắng vẻ. Trong ảnh là cầu bộ hành trước cổng bệnh viện Thanh Nhàn nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ, tuy nhiên rất ít người dân sử dụng lối đi này.
Đường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có cầu đi bộ ngay phía trước cách nhưng nhiều bạn trẻ đi bộ sang đường khi không có vạch kẻ cho người đi bộ.
Người dân ngang nhiên đi bộ sang đường mặc cho cho các phương tiện khác đang di chuyển với tốc độ cao.
Trước cổng bệnh viện Bạch Mai, tình trạng cầu bộ hành bị lấn chiếm bởi các gánh hàng rong và hàng quán khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan.
Khi thấy ống kính của PV, những người bán hàng rong lập tức dọn dẹp, trả lại lối đi cho người đi bộ.
Theo Điều 32 Luật Giao thông đường bộ (Luật số: 23/2008/QH12, ngày 13/11/2008) quy định người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
Trường hợp những nơi không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường,...
Về mức xử phạt, căn cứ Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đối với các hành vi vi phạm: Không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000.
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, nếu người đi bộ vi phạm giao thông như: Băng qua đường, đi dưới lòng đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể đối diện với việc bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.