Trước nhu cầu học, thi lấy bằng lái xe ô tô tăng nhanh, tại Hà Nội và một số địa phương đã xuất hiện những cơ sở dạy lái xe ‘chui’. Do người dạy lái và phương tiện tại đây không đảm bảo điều kiện quy định nên có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.
- Công an điều tra vụ 83 giáo viên dạy lái xe sử dụng bằng giả
- Một loạt tài xế xe container dùng bằng lái xe giả “vượt cao tốc”
Dạy lái xe 'chui' thu tiền tỷ
Mới đây, cơ sở Sabavi ở đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã bị một số học viên tố thu tiền dạy lái xe máy, xe ô tô ‘chui’. Theo đại diện của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cơ sở này không có chức năng tuyển sinh, đào tạo, cấp đổi bằng xe ô tô, xe máy, đã từng bị kiểm tra và yêu cầu ngừng hoạt động nhưng cố tình không chấp hành.
Trước đó, từ năm 2019, Hà Nội đã ‘bêu tên’ hàng loạt cơ sở dạy lái xe chui như Điểm tập lái xe Hồng Anh (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai); Địa điểm tập lái xe số 9 (đường Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ); Điểm tập lái xe số 9 (Khu đô thị Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy); Sân tập lái Nhật Tân (đường Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ); Địa điểm tập lái xe Nguyễn Xiển (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai)…
Còn tại Đắk Lắk, cách đây không lâu, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý Văn phòng dạy lái xe ‘chui’ thu hơn 8,4 tỉ đồng. Văn phòng đại diện của Công ty TNHH Tư vấn lái xe an toàn ở Đắk Lắk đã liên kết với nhiều giáo viên, trung tâm dạy lái xe để nhận gần 1.400 bộ hồ sơ...
Tai nạn chết người do xe tập lái
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ xe tập lái gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vụ xe tập lái đang lưu thông trên đường rồi bất ngờ tông thẳng vào nhà dân xảy ra ở thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang là một ví dụ.
Vào thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc xe di chuyển với tốc độ khá nhanh, tạo ra một cú va chạm rất mạnh mới khiến cho bức tường nhà bị nứt vỡ nghiêm trọng.
Điều đáng nói là, dù trên xe có giấy hẹn trả kết quả giấy phép lái xe cho người trúng tuyển của 1 Trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe tại Sóc Sơn, Hà Nội, song cả xe và người đàn ông có mặt trên xe lúc xảy ra tai nạn đều không thuộc diện quản lý của Trung tâm này.
Trước đó, tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, 3 bố con đang chơi cầu lông ở vỉa hè thì bất ngờ bị 1 xe ô tô tập lái do 1 phụ nữ điều khiển tông trúng. Cú tông mạnh khiến 2 cháu nhỏ bị thương.
Còn tại Nam Định, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã khiến cháu bé 3 tuổi thiệt mạng. Nguyên nhân là do trong lúc dạy lái xe, người thầy đã bỏ ra ngoài uống nước để 2 nữ học viên tự điều khiển xe tập lái trên đường.
Chiếc xe do người tập lái xe tông bé 3 tuổi tử vong ở Nam Định |
1 ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn trên, tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình cũng xảy ra vụ va chạm giữa xe ô tô tập lái với xe máy điện khiến 1 học sinh nữ lớp 6 tử vong.
Về chế tài xử lý đối với trung tâm dạy lái xe ‘chui’, thầy dạy lái ‘chui’, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định, cơ quan có thẩm quyền, chỉ cấp giấy phép tập lái cho ô tô của trung tâm dạy lái được cấp phép hoạt động dạy lái ô tô. Xe tập lái phải đáp ứng đủ yêu cầu như có thắng phụ, gắn biển tập lái.
Người dạy lái phải có chứng chỉ dạy lái ô tô được trung tâm cấp thẻ giáo viên. Học viên phải học qua lý thuyết, đảm bảo đủ số giờ tập thực hành trên sa hình thì mới được tập lái ngoài đường. Khi tập lái ngoài đường, xe tập lái phải có biển tập lái trước và sau, học viên và giáo viên phải mang thẻ do trung tâm dạy lái xe cấp.
Ngoài ra, chỉ cấp giấy phép cho xe tập lái trên trục đường chính, lớn, chứ không cấp cho xe tập lái chạy vào khu dân cư đông người. Xe gắn biển tập lái cho học viên thực hành trong khu dân cư là rất nguy hiểm và sai quy định. Trên xe tập lái phải có giấy phép xe tập lái, giáo viên dạy phải có chứng nhận, học viên phải nằm trong danh sách lớp đang đào tạo. Nếu không đủ các điều kiện trên sẽ bị xử phạt hành chính.
Trường hợp xe tập lái gây tai nạn chết người, nếu người trực tiếp điều khiển phương tiện gây ra tai nạn là học viên học lái xe do người dạy lái xe không chủ động quan sát, điều chỉnh, kịp thời hỗ trợ cho học viên của mình thì cá nhân này có thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo Điều 129 BLHS 2015 - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.