Đại học Gia Định, Hùng Vương, Ngoại ngữ - Tin học có hiệu trưởng mới khi khuyết vị trí này từ lâu, hoặc người tiền nhiệm nghỉ sau 1-2 năm gắn bó.

Đại học Gia Định ngày 23/11 công bố tân Hiệu trưởng là PGS Võ Trí Hảo, thay TS Hà Hữu Phúc giữ vị trí này từ tháng 10/2018.

Ông Hảo 43 tuổi, tiến sĩ Luật học Đại học Free University (Đức) với 20 năm kinh nghiệm quản lý trong ngành giáo dục, hòa giải, tư vấn pháp luật và tố tụng. Trước đó, ông Hảo là giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế TP HCM.

Đại học Gia Định thành lập 13 năm trước, tiền thân là Đại học tư thục Công nghệ - Thông tin Gia Định, hiện có 11 khối ngành chia làm 34 chuyên ngành, đào tạo bậc đại học.

1716 2

Ông Võ Trí Hảo, tân hiệu trưởng Đại học Gia Định. Ảnh: NHG.

Hồi đầu tháng, Hội đồng trường Đại học Hùng Vương TP HCM miễn nhiệm chức vụ Hiệu trưởng với PGS Đỗ Văn Xê, 63 tuổi, theo nguyện vọng cá nhân. TS Nguyễn Kim Quang, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM được giao quyền hiệu trường trường này.

Ông Xê từ nhiệm, xin lui về làm cố vấn giáo dục vì lý do sức khoẻ. Trong 2 năm đứng đầu tại đây, ông đã hoàn chỉnh bộ máy, quy trình làm việc cho trường sau thời gian dài bất ổn.

Tại trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, TS Nguyễn Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025 sau 2 năm trường khuyết vị trí này. Ông Tuấn tốt nghiệp tiến sĩ Khoa học máy tính tại Đại học La Trobe, Australia, năm 2012.

Trước đó ông có nhiều năm công tác tại Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP HCM) trong vai trò giảng viên, trưởng khoa rồi phó hiệu trưởng.

1749 3

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM. Ảnh: HUFLIT.

Ngày 22/11, TS Đàm Quang Minh, 41 tuổi, xác nhận thôi làm Hiệu trưởng Đại học Phú Xuân (Thừa Thiên Huế) từ ngày 15/11 nhưng vẫn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị. Sắp tới, ông Minh sẽ chuyển sang lĩnh vực phổ thông, mảng mà ông quan tâm từ lâu.

Ông Minh được bổ nhiệm làm làm Hiệu trưởng Đại học FPT khi mới 35 tuổi. Cuối năm 2016, ông rời Đại học FPT và chuyển sang làm Hiệu trưởng Đại học Thành Tây. Tháng 7/2018, ông trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng Đại học Phú Xuân.

Sự thay đổi nhân sự ban giám hiệu cũng diễn ra liên tục ở nhiều đại học tư thục trước đó. Hồi tháng 3, PGS Nguyễn Ngọc Điện, nguyên hiệu phó Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM ) được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen thay cho GS Mai Hồng Quỳ.

Bà Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Luật TP HCM, giữ vị trí Hiệu trưởng ở Đại học Hoa Sen hơn một năm. Người tiền nhiệm - PGS Trần Đan Thư, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, làm Hiệu trưởng được hơn 5 tháng.

Hiện có xu hướng các doanh nghiệp sở hữu trường đại học mời lãnh đạo các trường công lập tới tuổi hưu về làm hiệu trưởng. Theo một người trong ban giám hiệu đại học tư thục, những hiệu trưởng này thường gặp nhiều áp lực để thích nghi khi môi trường công và tư có nhiều khác biệt.

Ngoài việc điều hành bộ máy hoạt động, các hiệu trưởng thường phải chịu trách nhiệm về chỉ tiêu tuyển sinh trong bối cảnh các trường đang cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút người học. Việc quản lý, điều hành nhân sự, sử dụng tài chính... ở trường tư cũng khác nhiều với trường công. Do đó không phải ai cũng chịu được những áp lực.

Mạnh Tùng

Nên cho mở trường phổ thông tư thục thực hành trong trường sư phạm Nên cho mở trường phổ thông tư thục thực hành trong trường sư phạm
'Kỷ luật là điều sống còn của trường tư thục' 'Kỷ luật là điều sống còn của trường tư thục'

/ vnexpress.net