Trong số giáo sư, phó giáo sư được xét duyệt vừa qua, số người có công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí ISI/Scopus rất thấp.
Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 1.226 giáo sư, phó giáo sư được xét duyệt năm 2017.
Con số này cao kỷ lục trong suốt lịch sử 41 năm nhà nước tổ chức xét phong/công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS).
Điều đáng nói, trong số giáo sư, phó giáo sư được xét duyệt, số người có công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí ISI/Scopus rất thấp.
34% GS và 53% PGS năm 2017 không có bài báo ISI/Scopus
Theo số liệu mà PV có được, trong số 85 giáo sư được xét duyệt lần này thì có 56 giáo sư có bài báo đăng trên tạp chí ISI và Scopus với số lượng 924 bài, trung bình 16,5 bài/giáo sư có bài trên tạp chí ISI/Scopus, chiếm gần 66%.
Như vậy, khoảng 34% giáo sư được xét duyệt năm 2017 không có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí nổi tiếng quốc tế.
Trong số các giáo sư được xét duyệt năm nay của các ngành, ngành Toán có một giáo sư và cũng là giáo sư trẻ nhất năm 2017 là Phạm Hoàng Hiệp với 37 bài được đăng trên tạp chí ISI/Scopus.
Ngành Vật lý có 4 giáo sư được xét duyệt thì có tới 192 bài trên tạp chí ISI/Scopus, trung bình mỗi giáo sư ngành vật lý có 48 bài.
Theo dự thảo, bắt đầu từ năm 2019, một trong những tiêu chuẩn bắt buộc để được phong GS, PGS là phải có công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng trên thế giới như ISI/Scopus. Trong ảnh: Lễ phong GS, PGS năm 2012. (Ảnh: Tiền Phong)
Trong khi đó, 11 ngành/28 ngành có giáo sư được phong lần này nhưng không có bài báo ISI/Scopus nào như tâm lý, ngôn ngữ, giáo dục học, công nghệ thông tin, luật học.
Đối với phó giáo sư, trong số 1.141 người được xét duyệt thì có 532 người có bài báo đăng trên các tạp chí nổi tiếng thế giới, chiếm 46,6%, tức là trên 53% phó giáo sư được xét duyệt năm nay không có bài báo khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus.
Những ngành có ít bài báo khoa học chủ yếu thuộc các ngành xã hội. Trong đó, ngành Luật có 13 người được xét tặng phó giáo sư nhưng cũng không có bài báo nào đăng trên tạp chí ISI/Scopus.
Ngành ngôn ngữ học cũng có 22 người được xét duyệt phó giáo sư và cũng không có bài báo trên ISI/Scopus nào.
Có thể nói, ngành Luật học và ngành Ngôn ngữ học là hai ngành “trắng” bài báo khoa học trên ISI/Scopus.
Ngành Khoa học an ninh, khoa học quân sự năm nay có 93 người được xét duyệt danh hiệu phó giáo sư nhưng chỉ có 1 phó giáo sư có 1 bài báo đăng trên tạp chí nổi tiếng thế giới.
Ngành giáo dục học có 32 phó giáo sư được xét duyệt nhưng chỉ có 3 phó giáo sư có bài báo khoa học với 4 bài.
Ngành Tâm lý học có 17 người được xét duyệt phó giáo sư nhưng chỉ có hai người có 6 bài báo trên ISI/Scopus. Ngành triết học - xã hội - chính trị học có 26 phó giáo sư được xét duyệt nhưng chỉ có 2 người có bài báo trên ISI/Scopus.
Tuy nhiên, trong khi những ngành có rất ít hoặc không có bài báo khoa học nào thì có những cá nhân ở ngành khác lại rất xuất sắc.
Ví dụ như PGS Nguyễn Quảng Trường, ngành Sinh học có 160 bài; PGS Nguyễn Thị Hồng Vân, ngành Vật lý: 153 bài; PGS Trần Đăng Thành, ngành Vật lý: 110 bài.
Tại đâu?
Bên cạnh việc rất nhiều GS, PGS được xét duyệt lần này không có bài báo nào trên tạp chí ISI/Scopus, lại có rất nhiều người có nhiều công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí trên lại không mặn mà với việc làm hồ sơ xét duyệt.
Vừa giảng dạy, vừa làm nghiên cứu khoa học, một tiến sĩ có nhiều bài báo quốc tế cho biết ông chưa bao giờ làm hồ sơ để xét duyệt phó giáo sư. Vì thủ tục phiền hà và nghe thấy những râm ran chuyện nọ chuyện kia nên ông không muốn tham gia vào cuộc đua này.
“Tôi nghĩ, giáo sư, hay phó giáo sư được coi là giới tinh hoa của đất nước. Nhưng cứ để chuyện nọ, chuyện kia đồn đại, tôi thấy không hay và vì vậy, tôi chưa muốn nộp hồ sơ”, vị tiến sĩ này cho biết.
Còn nói về việc xuất bản các bài báo ISI/Scopus, vị tiến sĩ kinh tế này cũng thừa nhận ngành khoa học tự nhiên có thuận lợi hơn ngành khoa học xã hội.
Một phần cũng do quy định hiện hành là khoa học xã hội không cần bài báo quốc tế, chỉ cần bài báo trong nước là đủ điều kiện.
Tuy nhiên, ông cho rằng một số ngành khoa học xã hội có thể công bố quốc tế rất tốt như tâm lý, dân tộc học. Đây là ngành mà trên thế giới có rất nhiều nghiên cứu được đăng trên ISI/Scopus.
Hơn nữa, trong quy định về tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư hiện nay, vị tiến sĩ kinh tế trên cho rằng không có sự rạch ròi.
“Mỗi bài báo quốc tế hội đồng xét duyệt có thể cho 1 điểm nhưng cũng có thể cho 0.5 điểm. Chính vì vậy, có khi 10 bài báo cũng vẫn trượt là bình thường. Do không có quy định cứng, cụ thể như thế nên dễ nảy sinh chuyện nọ chuyện kia”, vị tiến sĩ kinh tế cho hay.
Một PGS trong ngành sinh học cho rằng Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến cho dự thảo quy định tiêu chí xét duyệt giáo sư, phó giáo sư mới với nhiều tiêu chí khắt khe hơn, do vậy có vẻ như năm nay là “chuyến tàu vét” nên số giáo sư, phó giáo sư được phong tăng đột biến.
Trong khi đó, có nhiều người đủ tiêu chuẩn cứng vẫn không đạt như PGS. Nguyễn Ngọc Châu.
PGS. Châu đã làm hồ sơ xét duyệt giáo sư tới 9 lần nhưng vẫn bị “rớt” vì không vượt qua vòng bỏ phiếu.
Theo tìm hiểu của PV trong danh sách các giáo sư, phó giáo sư năm 2017, có nhiều người làm quan chức, không tham gia hoạt động giảng dạy.
Còn theo GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Nhà nước thì năm nay, số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng do thời gian nhận hồ sơ xét duyệt kéo dài thêm 6 tháng.
Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn, chẳng lẽ những người trước đó không đủ điều kiện thì chỉ cần 6 tháng là họ đủ điều kiện để được phong tặng giáo sư, phó giáo sư?
Trong số 85 giáo sư được xét duyệt lần này thì chỉ có 56 giáo sư có bài báo đăng trên tạp chí ISI và Scopus với số lượng 924 bài, trung bình 16,5 bài/giáo sư có bài trên tạp chí ISI/Scopus, chiếm gần 66%. Như vậy khoảng 34% GS được phong năm nay không có bài báo quốc tế.
Đối với phó giáo sư, trong số 1.141 người được xét duyệt thì có 532 người có bài báo đăng trên các tạp chí nổi tiếng thế giới, chiếm 46,6%, tức là trên 53% phó giáo sư được xét duyệt năm nay không có bài báo khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus.
5 giáo sư trẻ nhất Việt Nam là ai? GS Phạm Hoàng Hiệp, Phan Thanh Sơn Nam, Phan Diệu Quang, Trần Đình Thắng, Phùng Hồ Hải là 5 giáo sư (GS) trẻ nhất Việt ... |
Nghịch lý “lạm phát” giáo sư, thiếu vắng sáng chế 1.226, là số người vừa được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ... |
Trình độ ngoại ngữ của các tân giáo sư, phó giáo sư năm nay ra sao? Theo đánh giá của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, năng lực tiếng Anh của các ứng viên giáo sư và phó giáo ... |