Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh chưa làm thủ tục đầu tư dự án, nhưng UBND TP Đà Nẵng đã giao sân vận động cho doanh nghiệp.
Ngày 28/11, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã gửi văn bản báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý sân vận động Chi Lăng, vốn bị Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh đem sổ đỏ cầm cố ngân hàng và trở thành tài sản kê biên để thi hành án.
Theo báo cáo, năm 2010 lãnh đạo Đà Nẵng chủ trương di dời sân vận động ra khỏi trung tâm thành phố, dành khu đất để làm dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ. Sau ba lần phát thông báo kêu gọi đầu tư, chỉ Tập đoàn Thiên Thanh đề nghị tham gia và được Đà Nẵng đồng ý.
Được chấp thuận cho đầu tư, làm thủ tục giao đất, nhưng phía Thiên Thanh sau đó không thực hiện bất kỳ thủ tục nào để đăng ký đầu tư. Doanh nghiệp đề nghị tách diện tích sân vận động từ gần 6 ha thành 14 lô đất. Tháng 1/2011, UBND thành phố đã cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Thiên Thanh.
Sân vận động Chi Lăng đã bị kê biên tài sản trong vụ đại án Phạm Công Danh. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Những năm sau đó, công ty tiếp tục không triển khai dự án mà đem sổ đỏ đi thế chấp vay vốn ngân hàng. Năm 2016, Phạm Công Danh bị bắt trong vụ đại án. Các lô đất tại sân vận động Chi Lăng được TAND TP HCM xử lý bằng việc kê biên và ngân hàng có quyền yêu cầu xử lý tài sản để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn các khoản vay của các công ty theo hợp đồng tín dụng.
Hàng loạt sai phạm của lãnh đạo Đà Nẵng giai đoạn trước
Qua rà soát hồ sơ, Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết công tác quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng tại sân vận động Chi Lăng của lãnh đạo giai đoạn trước (thời ông Trần Văn Minh làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) tồn tại nhiều bất cập. Năm 2010, Tập đoàn Thiên Thanh được TP Đà Nẵng chấp thuận cho đầu tư tại sân Chi Lăng, nhưng doanh nghiệp chưa làm thủ tục đầu tư dự án mà thành phố đã giao đất cho công ty là không đúng.
UBND TP Đà Nẵng khi đó đã không ra quyết định giao đất cho nhà đầu tư mà lại giao cho Công ty Quản lý Khai thác quỹ đất Đà Nẵng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất. Việc giao đất không thông qua quyết định giao đất mà bằng hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất là vi phạm thẩm quyền cũng như trình tự, thủ tục pháp luật đất đai.
Ông Trần Văn Minh - nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã bị khai trừ Đảng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ngoài ra, việc cho phép tách thửa làm 10 sổ đỏ với dự án đầu tư chỉ căn cứ vào quyết định phê duyệt, bản đồ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất, chưa phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng, chưa phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết là không phù hợp với quy định pháp luật.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2012, dự án Khu phức hợp dịch vụ cao tầng sân vận động Chi Lăng được giảm 10% tiền sử dụng đất với số tiền hơn 139 tỷ đồng là trái luật, thuộc trường hợp phải truy thu số tiền này để nộp vào ngân sách. Thành phố đã yêu cầu nhà đầu tư nộp bổ sung số tiền này từ tháng 3/2018, nhưng đến nay chủ đứng tên trên các lô đất chưa thực hiện.
Theo Luật đất đai 2003, dự án này thuộc đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nên thời gian sử dụng đất có thời hạn. Tuy nhiên 10 sổ đỏ mà chính quyền Đà Nẵng tách thửa cho Tập đoàn Thiên Thanh vào năm 2011 lại ghi thời hạn sử dụng lâu dài. Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Đà Nẵng thu hồi các sổ đỏ này để điều chỉnh lại thời hạn sử dụng đất.
"UBND TP Đà Nẵng đã nhận thấy những vi phạm trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, đây là tài sản thi hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nên không thể thu hồi khu đất để khắc phục những sai phạm", ông Huỳnh Đức Thơ cho biết.
Vướng mắc nếu xử lý tài sản kê biên để thi hành án
Chính quyền Đà Nẵng cho biết, khu vực sân vận động Chi Lăng chỉ được phê duyệt sơ đồ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất. Do đó, khi xử lý tài sản kê biên để thi hành án thì tổ chức, cá nhân nếu mua lại những tài sản này, kể cả ngân hàng đang nhận thế chấp sổ đỏ, cũng không thể đưa vào sử dụng vì phải phù hợp với quy hoạch chi tiết. Điều này sẽ khiến cho các tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản, làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án không thực hiện được.
10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp là không đúng quy định pháp luật, không phù hợp về thời gian sử dụng đất, người được cấp sổ đỏ chưa thực hiện việc chuyển nhượng, do đó phải thực hiện điều chỉnh mục đích và thời hạn sử dụng đất cho phù hợp với quy định pháp luật đất đai.
Sân vận động Chi Lăng đang bỏ hoang nhiều năm nay, xuống cấp nhanh chóng vì không được sử dụng thường xuyên. Ảnh: Nguyễn Đông. |
"Những vướng mắc trong việc thi hành án liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng của thành phố như đã nêu ở trên cho thấy quá trình thi hành án sẽ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực của thành phố, ảnh hướng lớn đến tâm tư, tình cảm của người dân", báo của của Chủ tịch Đà Nẵng nêu.
Trong kiến nghị, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết sân vận động Chi Lăng không chỉ là nơi thi đấu thể thao mà còn gắn liền với đời sống văn hoá, có giá trị lịch sử với người dân thành phố. Do đó tập thể lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng mong muốn giữ lại sân vận động này thông qua thi hành án để phục vụ mục đích công cộng.
Để lấy lại sân vận động, thành phố xin Chính phủ cho phép chuyển trả lại 1.251 tỷ đồng là toàn bộ tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp thực nộp vào ngân sách khi được giao khu đất nói trên để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng có đất đang bị thế chấp.
Các đơn vị mà Tập đoàn Thiên Thanh cầm sổ đỏ các lô đất ở sân Chi Lăng đều là ngân hàng 100% vốn của Nhà nước. Do đó ông Thơ đề nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo các ngân hàng cho phép thành phố thỏa thuận thực hiện thay nghĩa vụ thi hành án của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại các lô đất.
Đà Nẵng: Khó lấy lại sân vận động Chi Lăng (Tin tức thời sự) - Giám đốc sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng cho biết, việc giám đốc thẩm 2 bản án để lấy ... |
Đà Nẵng chấp nhận chi hàng nghìn tỷ đồng lấy lại sân vận động Chi Lăng Với quyết tâm lấy lại sân vận động Chi Lăng đã bán cho Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh, chính quyền Đà ... |