Caosu một thời được xem như là “vàng trắng” ở Quảng Bình. Thế nhưng thiên tai nối tiếp thiên tai và mới đây là hậu quả của cơn bão số 10 đã làm tan giấc mơ đổi đời của hàng ngàn công nhân cao su và người dân nơi đây.

Âm thầm như bão
Dân chặn đường ôtô né BOT Biên Hòa: 2 nỗi khốn khổ...
Chị Nguyễn Thị Bông - công nhân Đội Quyết Tiến, Cty TNHH MTV Việt Trung - ngậm ngùi bên những cây caosu bị gió bão đánh gãy. Ảnh: Lê Phi Long

Tan giấc mộng “vàng trắng”

Hai ngày sau khi bão tan, nhưng cả thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn còn nhuốm một màu u ám, buồn bã vì bao nỗ lực, chăm chút, hy vọng từ cây caosu đã bị "siêu bão" số 10 xé nát tất cả.

Theo thống kê sơ bộ, tại huyện Bố Trạch, ngoài rừng trồng còn có hơn 70% cây caosu đang trong quá trình khai thác bị thiệt hại với diện tích gần 7.000ha. Trong đó, thiệt hại tập trung vào các địa phương như thị trấn Nông trường Việt Trung, các xã Phú Định, Tây Trạch...

Cũng chính tại nơi này, cơn bão năm 2013 đã phá hỏng một diện tích lớn cây caosu khiến các doanh nghiệp và người dân nơi đây khốn đốn. Đến nay hậu quả chưa kịp phục hồi thì cơn bão số 10 lại ập đến, xé tan mọi nỗ lực và hy vọng từ cây “vàng trắng”.

Chúng tôi đến khi các công nhân caosu và người dân nơi đây đang hối hả thu dọn “chiến trường” vì tất cả đều không còn nguyên vẹn, như bị bom B52 dội xuống trong chiến tranh. Mọi công lao bảo quản, chăm sóc giờ đã “bay” theo bão.

Chị Nguyễn Thị Bông, công nhân đội Đoàn Kết, đang dùng dao chặt những cành cây gãy đổ. Khi chúng tôi hỏi, chị bỗng òa khóc như trẻ mới lên ba: “Rứa là mất hết rồi, công chăm bẵm sau đợt bão năm 2013 chưa kịp thu hoạch chừ đã tan tác hết rồi chú ơi, bọn tui lấy chi mà sống đây?”.

Đến xã Phú Định, từ xa thấy hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà ngồi thẫn thờ, tay mân mê những giọt mủ caosu nhỏ giọt xuống đất từ những thân cây gãy toác.

Chị Hà nói: “Nhìn mủ cao su chảy mà hơn máu mình chảy, chừ gia đình em kiệt quệ rồi. Hai vợ chồng có đồng mô cũng chẳng dám mua sắm chi cả, lại còn vay thêm ngân hàng để đầu tư vào việc trồng 2ha caosu, mỗi năm đầu tư. Rứa mà chừ ri đây…” - rồi nước mắt chị lăn dài trên khuôn mặt gầy guộc vì mất ngủ từ sau bão đến nay.

Theo ông Lê Văn Khuyến - Bí thư Đảng ủy xã Phú Định, toàn xã có 200ha caosu bị tàn phá. Giống như gia đình chị Hà, hàng ngàn công nhân ở Quảng Bình được giao khoán chăm sóc, trả lương cũng từ sản phẩm làm ra, nhưng giờ số caosu trên đã bị mất trắng, coi như công nhân trắng tay.

Cứ gắng trồng, còn thành công nhờ… trời

Ông Nguyễn Văn Minh - GĐ Cty TNHH MTV Việt Trung - cho biết: “Trước bão, Cty thu về bình quân 3,5 tấn mủ caosu/ngày, cộng với giá đang lên nên công nhân ai cũng mừng vì đã có dấu hiệu phục hồi sau trận bão năm 2013, vậy mà cơn bão số 10 đã xóa tan tất cả”.

Ngoài diện tích caosu của Cty TNHH MTV Việt Trung, Cty TNHH MTV Lệ Ninh (H.Lệ Thủy) cũng chịu chung số phận với hơn 300ha caosu đến kỳ khai thác đã bị gãy đổ hết”.

Ông Trần Công Văn - Phó GĐ kiêm Chủ tịch CĐ Cty TNHH MTV Lệ Ninh - nghẹn ngào: “Khi bão vừa tan, nhìn khung cảnh ngổn ngang ai cũng thất thần, chúng tôi đã khóc cùng công nhân”.

Trước câu hỏi về việc có phòng tránh được không hậu quả xảy ra, lãnh đạo 2 Cty và người dân trồng caosu ở Quảng Bình đều cho biết, đã triển khai chằng chống, chặt bớt lá nhưng vẫn không hiệu quả vì diện tích trồng lớn, bão lại quá mạnh. Với cây caosu trưởng thành, bão đến là… nhờ trời chứ không thể phòng tránh việc gãy đổ được.

Anh Nguyễn Quang Trung - công nhân đội Quyết Tiến - ngậm ngùi nói: “Trước đây ở Quảng Bình cứ 30 năm là gặp một cơn bão lớn. Vậy mà những năm nay bão vào liên tục, mọi hy vọng các lứa caosu mới trồng đều bị ông trời đánh tan tác cả”.

Tại Cty TNHH MTV Việt Trung, đã nhiều tháng nay phải nợ lương công nhân vì việc khắc phục hậu quả cơn bão năm 2013 vẫn chưa xong. Mới mấy ngày trước bão, Cty mới trả hết lương còn nợ mấy tháng nay.

“Chừ bão phá hết, công nhân lại không có lương, lại khổ, lấy chi nuôi con đây…” - một nữ công nhân òa khóc. Ông Nguyễn Lương Bình - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Bình - cho biết, đã quán triệt đến từng đơn vị sản xuất, bằng mọi cách phải bảo đảm việc làm, thu nhập cho CNLĐ.

“Họ đã khổ vì tài sản mất mát do bão, giờ mất việc làm, không thu nhập nữa thì sao mà sống được. Cần lắm những sự giúp đỡ cho công nhân và NLĐ nơi đây” - ông Bình nói.

Ngay sau khi bão số 10 vừa tan, ngày 16.9, LĐLĐ tỉnh Quảng Bình đã đến thăm và trao hỗ trợ 20 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhất đang làm việc tại Cty TNHH MTV Viêt Trung nhằm phần nào giúp NLĐ nơi đây ổn định cuộc sống.

https://laodong.vn/cong-doan/hang-ngan-cong-nhan-caosu-lai-roi-vao-tinh-canh-khon-kho-565127.ldo

/ Lê Phi Long/Báo Lao động