Hầu hết chung cư xây dựng trước năm 1975 đã hết hạn sử dụng và không có hệ thống PCCC.

Tại hội nghị triển khai chỉ thị về các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà chung cư, nhà cao tầng ở TP HCM ngày 30/3, ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM - Horea) cho biết, trong tổng số hơn 1.000 chung cư của thành phố, có 474 chung cư xây trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng.

Tại đây đều không có hệ thống PCCC; nhiều căn hộ bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm... Nguy cơ cháy tiềm ẩn rất cao.

Ngoài ra, nhiều chung cư, nhà ở cao tầng đã được cấp phép xây dựng trong hẻm nên khi xảy ra cháy người dân khó thoát hiểm. Có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu đường vào cho xe chữa cháy khi xảy ra sự cố…

hang tram chung cu tai tp hcm khong co he thong pccc
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tại hội nghị. Ảnh: Trung Sơn.

Theo thượng tá Nguyễn Văn Hưởng (Phó giám đốc phụ trách Cảnh sát PCCC), thành phố có 406 chung cư trên 10 tầng, 508 chung cư dưới 10 tầng, 391 công trình nhà cao tầng (văn phòng, chợ, trung tâm thương mại). Ngoài các chung cư có trước năm 1975, rất nhiều chung cư được xây khi chưa có Luật PCCC nên không được thẩm duyệt, nghiệm thu về vấn đề này theo quy định.

Qua khảo sát, nhiều công trình không đảm bảo các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ xe chữa cháy; giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, hệ thống PCCC không được duy tu; nhiều nơi tự ý xây dựng, cơi nới, lấn chiếm hành lang…

Chỉ ra các tồn tại, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn nói rằng, vụ cháy chung cư Carina (quận 8) đã cho nhiều bài học về công tác quản lý, đầu tư xây dựng chung cư cũng như nâng cao ý thức người dân. "Nhất là thức tỉnh cho các nhà đầu tư trong việc chậm trễ tổ chức hội nghị nhà chung cư, bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị, cũng như trách nhiệm của người dân khi chưa tích cực tham gia hội nghị nhà chung cư", ông Tuấn nói.

Vấn đề thứ hai, theo ông Tuấn, đó là việc triển khai quy chế sử dụng nhà chung cư, do Bộ Xây dựng ban hành, chưa được nghiêm túc. Ở vụ cháy Carina, trong hợp đồng chủ đầu tư ký với đơn vị vận hành luôn có 7 bảo vệ trực 24/24 và một bảo vệ trực ở vị trí màn hình camera…

"Tuy nhiên, khi xảy ra cháy không thấy bóng dáng một người nào. Theo cơ quan điều tra, chỉ cần phát hiện sớm thì một bình chữa cháy nhỏ cũng có thể dập tắt lửa ngay từ đầu", ông Tuấn nói và cho rằng hậu quả hỏa hoạn sẽ do chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ông Tuấn cũng cho biết, Sở sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung một số tiêu chí trong việc xây dựng và quản lý chung cư. Chẳng hạn như chung cư cao tầng phải có thang thoát hiểm bên ngoài, khi bàn giao căn hộ chủ đầu tư phải kèm theo cẩm nang thoát hiểm, hoặc đơn vị vận hành phải huấn luyện thoát hiểm thường xuyên cho cư dân…

hang tram chung cu tai tp hcm khong co he thong pccc
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn. Ảnh: Trung Sơn.

Kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM một lần nữa lưu ý hỏa hoạn tại Carina khiến 13 người chết là quá thảm khốc và đau lòng. Ông đề nghị thủ trưởng các sở ngành và địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ thị của thành phố về triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cho chung cư, nhà cao tầng.

Ông Phong đánh giá việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong PCCC còn nhiều bất cập, kiểm tra xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa quyết liệt. "Xu hướng phát triển của thế giới là ngày càng có nhiều nhà chung cư, nếu không có giải pháp kịp thời thì phải trả giá. Tôi nhắc lại một lần nữa, cần phải thực hiện hết sức nghiêm túc chỉ thị của UBND thành phố", ông Phong nói.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Văn phòng UBND thành phố tham mưu, đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm người đứng đầu, nếu để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. "Tính mạng và tài sản của người dân là quan trọng nhất", ông Phong nhấn mạnh.

Công bố danh sách các chung cư không an toàn

Trong chỉ thị vừa ban hành, TP HCM quy rõ trách nhiệm chủ đầu tư các công trình, người đứng đầu sở ngành, quận huyện, các cơ quan đơn vị vận dụng cơ chế đặc thù của thành phố để chế tài mạnh các vi phạm về PCCC.

Thủ trưởng các sở ngành, chủ tịch UBND các quận huyện, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với cảnh sát PCCC rà soát, đánh giá điều kiện an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng.

Các cơ quan phải công bố danh sách chung cư, nhà cao tầng chưa thành lập ban quản lý, ban quản trị và không thực hiện đủ các nội dung yêu cầu về an toàn PCCC cũng như vi phạm trong đầu tư xây dựng...

Cảnh sát PCCC sẽ công bố danh sách các chung cư an toàn, chung cư chưa an toàn theo cấp loại A, B, C, D cho cư dân biết để phối hợp giám sát. Trong trường hợp cần thiết sẽ thông tin định kỳ tình trạng chung cư trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đơn vị này cần cập nhật, bổ sung những tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng và PCCC cho phù hợp với điều kiện thực tiễn như: bố trí tầng lánh nạn đối với chung cư trên 10 tầng, bãi đỗ trực thăng đối với công trình từ 20 tầng trở lên...

Sở Tư pháp tham mưu xây dựng quy trình, thủ tục để xử lý, cưỡng chế các trường hợp cố tình vi phạm về PCCC kéo dài; biện pháp khắc phục hậu quả đối với các chung cư chưa được nghiệm thu, hoàn công về PCCC và xây dựng mà đã có người ở.

Trung Sơn

hang tram chung cu tai tp hcm khong co he thong pccc TP.HCM lắp thêm trụ nước chữa cháy sau thảm họa Carina

Để tránh những thảm họa tương tự xảy ra như vụ cháy chung cư Carina, TP.HCM tổ chức kiểm tra, sửa chữa, đồng thời lắp ...

hang tram chung cu tai tp hcm khong co he thong pccc 13 chung cư ở Sài Gòn có thể sập bất cứ lúc nào

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thành phố còn 13 chung cư trong tình trạng hư hỏng nặng, có khả năng đổ sập bất cứ ...

/ VnExpress