Hơn 10 năm, hàng trăm hộ dân với cả nghìn con người ở tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải sống cảnh tạm bợ trong những căn nhà lụp xụp mà không được sửa chữa vì nằm trong quy hoạch Dự án Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Hà Nội trên địa bàn.
- Xóa dự án ''treo'', ổn định cuộc sống người dân
- Mạnh tay xử lý những dự án “treo”
- Dân khu Nam Sài Gòn 20 năm khổ vì dự án treo
Sống khổ trong những căn nhà nát
Gặp chúng tôi, bà con của Tổ dân phố Nhuệ Giang than thở họ đều là những công nhân về hưu, được phân đất, phân nhà ở khu tập thể nhưng hiện họ chẳng khác nào sống trong khu ổ chuột. Nhiều ngôi nhà dột nát, cũ kỹ đến mức chủ nhân đã phải bỏ hoang và tìm đi nơi khác để sinh sống. Những ngôi nhà khá khẩm hơn thì được cho những người tứ xứ các nơi về làm ăn thuê lại.
Bà Lê Thị Hồng (một người thuê nhà tại Tổ dân phố Nhuệ Giang) chia sẻ: “Ở đây những người có tiền đều bỏ đi cả, họ cho chúng tôi thuê lại nhà. Các nhà ở đây đều trong tình trạng xuống cấp lắm, như căn nhà tôi thuê đây này, mưa xuống nước lênh láng khắp nhà. Khi đó phải sửa lại phần mái hết 70 triệu đồng. Cũng may là chủ nhà có trừ vào tiền thuê nhà cho chúng tôi”.
Những người còn bám trụ ở đây đều là những hộ gia đình khó khăn, không có tiền để đi nơi khác. Ông Lê Văn Thắng lắc đầu với chúng tôi: “Chị thấy đấy, ở đây nhiều ngôi nhà lụp xụp, bỏ hoang lắm, vì không sửa chữa được họ bỏ đi nơi khác thuê nhà, mua đất để sinh sống. Chúng tôi vì hoàn cảnh khó khăn, không có tiền để đi nên đành bám trụ lại”.
Cách nhà ông Thắng không xa là căn nhà của vợ chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt và ông Nguyễn Khắc Tuyết. Hai người trước kia là công nhân của Công ty cổ phần cơ khí xây dựng số 5. Cuộc sống gia đình bà hiện thuộc diện khó khăn, bởi hai vợ chồng chỉ trông chờ vào đồng lương hưu, mà lương hưu công nhân thì thấp lắm, chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Bà Nguyệt cho biết ông bà có 2 người con; người con lớn sau khi lập gia đình đã phải vay mượn tiền mua một căn nhà nhỏ nơi khác để ở riêng; cậu út hiện đang đi xuất khẩu lao động, bà đang lo con trai khi hết hạn hợp đồng lao động về nước chưa biết ở đâu vì điều kiện sống khu này nó tệ quá. Muốn sửa sang cũng khó.
Bà Nguyễn Thị Hùy, 72 tuổi, nói với giọng bất lực: “Gia đình tôi ở đây từ những năm 70 nhưng đến giờ nhà cửa vẫn thế, nó chỉ có cũ hơn và nát hơn thôi. Nhiều khi con cái về chơi muốn ngủ lại cũng không có chỗ mà ngủ vì nhà chỉ có 1 tầng với diện tích khoảng 50 mét vuông. Nếu chẳng may hôm nào mưa gió thì từ dưới bếp hất lên không có chỗ mà đứng, căng nilon thì bị gió tốc bay hết. Thực sự là những ngày mưa gió thế thì có khi nhịn đói vì chỗ nấu cơm mưa hắt chả khác nào ngoài trời, bếp lại vẫn dùng bếp ga nên bất lực”.
Bà Hùy cho biết, những người thuộc thế hệ bà cũng ra đi gần hết rồi nhưng chưa được một ngày sống sung sướng. Bản thân bà luôn hy vọng trước khi “nhắm mắt xuôi tay” sẽ được một ngày sống trong ngôi nhà đàng hoàng, khang trang. Còn hiện tại thì dột chỗ nào, hỏng chỗ nào thì vá víu chỗ đó chứ đâu có được nâng nền, được cơi nới.
Ông Nguyễn Đức Tín, Tổ trưởng Tổ dân phố Nhuệ Giang cho biết: “Tổ dân phố có khoảng 370 hộ tương đương 1.500 dân sinh sống trên diện tích quy hoạch cụm Trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm từ năm 2004. Tuy nhiên dự án treo suốt từ đó đến nay. Dự án treo đồng nghĩa với việc đời sống sinh hoạt của các gia đình năm trong quy hoạch dự án gặp vô vàn khó khăn. Tại đây chúng tôi sống trong cảnh “nhiều không” như: không được xây dựng, cơi nới nhà cửa; không được tách thửa; không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất; không được thế chấp ngân hàng; muốn đầu tư làm ăn lâu dài cũng không xong vì không biết cụ thể thời gian giải tỏa… Và cứ thế, những người dân vùng quy hoạch luôn phải sống trong thấp thỏm, lo âu”.
Bao giờ dân thoát cảnh sống trong vùng quy hoạch treo?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2004, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký quyết định phê duyệt quy hoạch Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (tỷ lệ 1/2.000) tại xã Tây Mỗ thuộc huyện Từ Liêm cũ, nay là phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, trong đó có phần đất dành để xây dựng cụm trường trung học chuyên nghiệp dạy nghề quy mô lớn, hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe, công trình công cộng…
Năm 2006, Thành phố tiếp tục ban hành quyết định quy hoạch chi tiết dự án này. Theo đó, gần 69,2 ha đất ruộng và đất ở của nhân dân sẽ nằm trong dự án. Dự án này được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố để thực hiện. Tuy nhiên, khu đất Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ nằm trong ranh giới 02 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (QHPKĐT) là QQHPKĐT S3 tỷ lệ 1/5000 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4874 ngày 15/8/2013 và QHPKĐT GS tỷ lệ 1/5000 đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 3976 ngày 13/8/2015, trong đó phần đất cụm trường là đất dự án trong vành đai xanh.
Trên cơ sở định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các QHPKĐT được duyệt (S3, GS), Quy hoạch chi tiết Cụm trường Tây Mỗ tỷ lệ 1/500 được duyệt trước đây cần điều chỉnh tổng thể để phù hợp với định hướng khu vực vành đai xanh sông Nhuệ (tầng cao thấp, mật độ xây dựng thấp, tăng tỷ lệ cây xanh).
Tháng 10-2019, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm rà soát việc giới thiệu địa điểm, chấp thuận đầu tư, cơ sở pháp lý được đầu tư các dự án; Rà soát, đối chiếu Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu S3, GS được duyệt và các quy hoạch chuyên ngành liên quan để xác định chức năng quy hoạch cần điều chỉnh; quy định pháp luật về đầu tư, đất đai... làm cơ sở đề xuất về việc điều chỉnh quy hoạch, đầu tư Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ (bao gồm khu vực các hộ dân Tổ dân phố Nhuệ Giang nêu trên). Trên cơ sở kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố sẽ xem xét chỉ đạo đối với Quyết định thu hồi đất số 6240 của UBND thành phố.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Cường, Phó chủ tịch UBND phường Tây Mỗ cho biết, Dự án Cụm trường Trung học chuyên nghiệp dạy nghề Thành phố Hà Nội đã nhiều năm không thực hiện nên ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của nhân dân và gây khó khăn cho phường trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương. UBND phường đã có đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm, Phòng Quản lý đô thị quận kiến nghị với các cơ quan không tiếp tục giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, điều chỉnh phần lớn diện tích trong dự án chuyển sang mục đích công cộng như xây dựng trung tâm văn hóa, nhà văn hóa và giữ nguyên hiện trạng các khu dân cư chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng các hộ dân đã ăn ở nhiều năm.
“Đối với các hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chúng tôi đã làm thủ tục xác nhận đất đai lần đầu. Về đường giao thông, chúng tôi cũng đã đầu tư một số đường trục chính cho các hộ dân. Về nước sạch, chúng tôi cũng đã đề nghị công ty nước sạch cấp nước sạch đầy đủ cho người dân trong diện quy hoạch. Về xây dựng, đúng ra là không được cấp phép xây dựng vì điều kiện quá xuống cấp, có những ngôi nhà đã sử dụng tới 30, 40 năm thì chúng tôi vẫn đồng ý cho sửa chữa. Tuy nhiên, theo quy định thì cũng chỉ dám sửa chữa như hiện trạng chứ không thể xây cao hơn hay cơi nới được”, ông Cường nhấn mạnh.
https://antg.cand.com.vn/Phong-su/hang-tram-ho-dan-song-mon-canh-du-an-treo-i665118/