Đại diện Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt đã xảy ra gây hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt ở các địa phương thuộc khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Tổng lượng mưa từ đầu năm đến nay phổ biến từ 50 - 140 mm (riêng Ninh Thuận, Bình Thuận mưa nhỏ không đáng kể), thiếu hụt từ 10 - 40% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm, hụt 20 - 60% so với năm ngoái và từ 50 - 70% so với năm 2022.
Khô hạn này đã khiến dung tích trữ hiện tại trong các hồ chứa thủy lợi hiện chỉ đạt 43 - 70% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm 2%, thấp hơn các năm 2022 và 2023 từ 3 - 10%.
Đáng chú ý, đối với khu vực Bắc Trung bộ, hiện có 481/2.411 hồ dưới 50% dung tích thiết kế bao gồm 82 hồ dưới mực nước chết. Khu vực Nam Trung bộ có 103/534 hồ chứa có dung tích dưới 50% dung tích thiết kế, trong đó 29 hồ nhỏ dưới mực nước chết.
Nắng nóng đang khiến khoảng 365 ha cây thanh long thuộc tỉnh Bình Thuận bị thiếu nước, thiệt hại nặng.
Hàng trăm hồ ở khu vực Trung bộ đã xuống mực nước chết |
Trong khi đó, theo thông tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 5-7, nắng nóng tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Khu vực Trung bộ đang thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Bắc Trung bộ đạt khoảng hơn 30%, Nam Trung bộ đạt 95%. Một số vùng thuộc khu vực Nam Trung bộ bắt đầu gieo cấy vụ Hè Thu.
Với ảnh hưởng của nắng nóng, Cục Thủy lợi dự báo nguồn nước trữ trong công trình thủy lợi có thể bị hạ thấp rất nhanh và gia tăng nhu cầu dùng nước dẫn đến nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước vụ Hè Thu.
Theo đó, diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng ở khu vực Bắc Trung bộ khoảng 8.700 - 14.200 ha, ở Nam Trung bộ từ 16.500 - 21.000 ha.
Trước tình hình trên, Cục Thủy lợi yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo nguồn nước, nhận định tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh để làm cơ sở tổ chức vận hành công trình thủy lợi hiệu quả.
Các địa phương cần chủ động xây dựng các kịch bản nguồn nước, phương án ứng phó, cấp nước cho người dân và sản xuất, đặc biệt chỉ tổ chức sản xuất ở các diện tích công trình thủy lợi bảo đảm cung cấp cho cả vụ sản xuất. Các diện tích không đủ nước, xem xét lùi vụ sản xuất hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
“Các địa phương ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân có nguy cơ thiếu nước do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước”, Cục Thủy lợi yêu cầu.