Các nhà hoạch định chính sách đưa ra mục tiêu thương mại trong nước sẽ đạt gần một triệu tỷ đồng, góp khoảng 15% GDP vào năm 2030.
Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành. Theo đó, tăng trưởng thương mại trong nước sẽ chiếm hơn 9,6% GDP vào năm 2020 và tăng lên 13,5% sau đó 5 năm và cán đích 15% GDP, tương đương gần một triệu tỷ đồng vào năm 2030. Cùng đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ duy trì tốc độ tăng trên 9% mỗi năm trong 10-15 năm tới.
Góp ý tại hội nghị lấy ý kiến về chiến lược này chiều 18/12, ông Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét thị trường trong nước đang lớn lên nhưng nguồn cung thị trường lại có vấn đề khi nghiêng về các nhà kinh doanh và tác động tới sản xuất. "Tại sao phải giải cứu nhiều vậy, tại sao nguồn hàng nước ngoài tuồn vào thị trường nhiều như vậy?", ông Thiên đặt vấn đề.
Nhắc tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông nói, sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, thương mại của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam mở cửa thị trường; tự do hoá và ứng dụng công nghệ. Ứng phó của Việt Nam, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam nói, chiến lược phát triển thương mại phải chú trọng tới 3 yếu tố cung - cầu và chủ thể thị trường.
Ngoài đặt mục tiêu tăng trưởng cao, thì phát triển thương mại cũng phải "gia tăng đẳng cấp", nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng. Đơn cử trong thu hút khách du lịch, ngoài tăng về lượng thì cũng cần tìm cách giúp họ tiêu nhiều tiền hơn khi tới Việt Nam bằng các dịch vụ giá trị gia tăng đa dạng.
"Tới đây ngoài khẩu hiệu \'Người Việt dùng hàng Việt\' thì hàng Việt phải xứng đáng với người Việt, chinh phục người Việt. Chính sách với nguồn cung hàng Việt phải nâng cấp lên, không thể ì ạch mãi", ông Thiên nhấn mạnh.
| |
Người dân mua hàng tại một siêu thị thuộc hệ thống Coopmart. |
Cũng góp ý vào chiến lược, ông Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách công (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nhắc tới sự thay đổi khái niệm trong thương mại khi xuất hiện những tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới nhưng lại không có cửa hàng bán lẻ nào, hay doanh nghiệp vận tải tầm cỡ phát triển nhưng không sở hữu chiếc xe nào, thay vào đó là ứng dụng công nghệ trong mở rộng mạng lưới kinh doanh.
"Mọi khái niệm về thương mại đã đảo lộn cùng sự ra đời của thương mại điện tử và công nghệ thanh toán", ông Hùng nói và cho rằng chiến lược phát triển thị trường trong nước tới đây phải nhìn nhận rõ xu hướng này,
Chia sẻ điểm này, ông Trần Đình Thiên cho rằng, sự trỗi dậy của thương mại điện tử, bên cạnh thương mại truyền thống trong tương lai, sẽ góp phần làm đổi thay toàn diện cấu trúc thương mại quốc gia tương lai. "Hệ thống thương mại nội địa với sự góp sức của doanh nghiệp Việt cần mạnh lên, nghĩa là trên kệ hàng siêu thị nhiều hàng Việt hơn, cạnh tranh được với hàng ngoại", ông nói.
Trong khi đó, ở góc độ người trong cuộc, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái lại cho rằng, bối cảnh thời đại thay đổi nhanh chóng thì việc hoạch định chiến lược dài hơi 20-25 năm "rất khó khả thi", thay vào đó cần "thực đơn cụ thể 5 năm một".
Bối cảnh quốc tế hiện nay thực chất là sự sắp xếp, phân chia lại trật tự kinh tế thông qua cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sự kiện Anh rời EU... chứ không đơn thuần là hội nhập và bảo hộ. "Do đó, mục tiêu theo từng giai đoạn đưa ra tại dự thảo chiến lược làn này còn chậm so với bối cảnh cách mạng 4.0", ông Đoàn nhận xét.
Nhắc tới việc đưa hàng Việt Nam vào siêu thị, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, không phải nhà phân phối không chấp nhận hàng Việt mà do "hàng Việt Nam không tốt thì làm sao bán được".
"Cần làm rõ đưa hàng nước ngoài vào siêu thị, cũng có thể có, nhưng cái đó không phải cái lớn. Quan trọng là nhà sản xuất Việt Nam có dám đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hay không", ông Đoàn nhấn mạnh.
Vì thế, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái góp ý, Nhà nước nên đóng vai trò chủ đạo trong phát triển hạ tầng thương mại thông qua các chính sách về vốn, đất đai, thuế... Song song đó, xây dựng quy hoạch tổng thể mạng lưới thương mại theo vùng, miền, ngành hàng để tránh phát triển manh mún vừa qua. Trường hợp cần thiết có thể nghiên cứu ban hành Luật phân phối bán lẻ.
Nỗi lo cho hàng Việt khi dòng vốn từ Trung Quốc đổ sang Việt Nam Xu hướng dịch chuyển vốn khỏi Trung Quốc ngày càng rõ nhưng các chuyên gia nhìn thấy không ít thách thức cho Việt Nam. |
Nhà hàng Việt ở Mỹ chi 2.000 USD tặng quà cho người vô gia cư Vo Hoai Trung muốn cảm ơn cộng đồng vì đã ủng hộ nhà hàng của anh bằng cách tặng thực phẩm và đồ dùng mùa ... |
Anh Minh