Trong tâm bão COVID-19, ngành bán lẻ vừa nỗ lực phục vụ người tiêu dùng vừa xoay xở tìm ra những đột phá mới nhằm vươn lên giữa đại dich.

Dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nơi bị phong tỏa, khiến sức mua của người tiêu dùng giảm sút, gây ra nhiều thách thức với ngành bán lẻ trong nước. Trong bối cảnh đó, để duy trì và phát triển, doanh nghiệp bán lẻ cần nhanh chóng tái cơ cấu, chuyển đổi hình thức kinh doanh, tìm ra những đột phá mới nhằm chiếm lĩnh thị trường.

Gồng mình vượt “bão”

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến hết 2020, cả nước có 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước.

Hàng Việt mùa COVID-19: Gồng mình vượt bão, đổi mới để vươn lên giữa đại dịch - 1
Doanh nghiệp bán lẻ hiện nay hầu hết đều gặp khó khăn, doanh số sụt giảm chung từ 15-20%.

Nhiều thương hiệu tạo được niềm tin với người tiêu dùng như Vinmart, Saigon Co.op, Hapro… Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90% trong hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước làm chủ và trên 70% trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài ở Việt Nam.

Vụ Thị trường trong nước dự báo đến năm 2025, giá trị gia tăng của ngành thương mại trong nước sẽ đóng góp khoảng 13,5% GDP và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9 - 9,5% mỗi năm trong giai đoạn 2020-25.

Tuy vậy, đại dịch COVID-19 bùng phát và lây lan nhanh chóng làm giảm sức mua, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bán lẻ, khiến mục tiêu này chưa chắc thành hiện thực. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bán lẻ, có gần 42% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, 50% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), cho biết thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn. Doanh số sụt giảm từ 15 – 20%, trong đó ngành hàng điện máy giảm khoảng 30 - 40%, nhóm thương mại dịch vụ, hệ thống cửa hàng ăn uống, giải khát giảm 70 - 80% doanh thu so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài những khó khăn về thị trường, theo bà Hậu, việc mỗi tỉnh áp dụng quy định về về cách ly xã hội khác nhau, cũng gây nhiều khó khăn cho hệ thống siêu thị trong việc vận chuyển hàng hóa về các điểm bán. Ngoài ra, chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ cũng khiến các trung tâm thương mại, hay siêu thị gặp áp lực lớn về tài chính.

“Doanh nghiệp bán lẻ đang nỗ lực hết mình mở cửa phục vụ người tiêu dùng ngay cả trong những vùng đang thực hiện giãn cách xã hội, nhằm luôn đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chống găm hàng, chống tăng giá. Đa số siêu thị phải gồng mình chống chọi dịch bệnh, không có siêu thị nào nói có lãi cả”, bà Hậu nói.

Đột phá online

Nhận định thị trường còn nhiều khó khăn nhưng theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report, xét về mặt dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp trong ngành này đánh giá lạc quan về triển vọng phát triển với một số xu hướng chủ đạo.

Hàng Việt mùa COVID-19: Gồng mình vượt bão, đổi mới để vươn lên giữa đại dịch - 2
Nngười tiêu dùng Việt Nam tăng cường sử dụng thanh toán số để thích ứng với đại dịch COVID-19.

Trước hết là xu hướng đẩy mạnh bán hàng đa kênh, tích hợp chặt chẽ từ trực tuyến đến trực tiếp. Theo kết quả khảo sát Vietnam Report, trong bối cảnh dịch COVID-19, mọi người phải hạn chế đi lại, tụ tập để phòng chống dịch bệnh, người tiêu dùng đã chuyển đổi kênh mua sắm đối với nhóm các sản phẩm nhu cầu thiết yếu và không thiết yếu.

Với các nhu yếu phẩm, nếu trước khi có đại dịch, người dân sẽ lựa chọn đi chợ theo các thứ tự ưu tiên lần lượt là chợ truyền thống, trung tâm thương mại và siêu thị rồi mới tới các cửa hàng tiện lợi; thì nay họ sẽ chọn trước tiên là các cửa hàng online, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và siêu thị.

Trong khi đó, nhóm mặt hàng không thiết yếu lại được ghi nhận sự tăng trưởng đột biến qua các kênh bán hàng online thông qua một số nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Chotot... hay thậm chí là đặt hàng trên điện thoại, qua hotline.

Nắm bắt được hành vi tiêu dùng này, các nhà bán lẻ tại Việt Nam đang tập trung khai thác sâu các kênh trực tuyến, các tiện ích bán hàng đồng thời tận dụng các kênh giao hàng và thúc đẩy việc tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ đã cố gắng và chủ động tiếp cận nhu cầu của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán dựa trên ứng dụng nhằm tăng trải nghiệm mua sắm cho khách hàng và phù hợp với xu thế thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo bà Vũ Thị Hậu, hệ thống siêu thị hiện đang bán hàng theo nhiều hình thức khác nhau như bán hàng qua điện thoại hay online. Các nhà bán lẻ cũng tăng cường đầu tư vào con người và công nghệ. Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi cả về thói quen mua sắm của người dân đến cách bán hàng của hệ thống siêu thị.

“Các siêu thị đẩy mạnh bán hàng online nhiều hơn, và bản thân khách hàng cũng chủ động mua sắm online nhiều hơn. Trước đây việc mua sắm online chỉ tập trung vào ngành đồ khô và phi thực phẩm, điện máy, hàng gia dụng nhưng giờ các siêu thị đã đáp ứng được nhu cầu mua hàng đa dạng của khách hàng”, bà Hậu nói.

Vươn lên giữa đại dịch

Theo VnDirect dịch COVID-19 góp phần thúc đẩy nền kinh tế trực tuyến phát triển mạnh mẽ, và điều này có lợi rất lớn cho ngành bán lẻ Việt Nam. Theo Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế trực tuyến Việt Nam đang bùng nổ với doanh thu tăng trưởng 38% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 - 2019 để đạt đạt giá trị 12 tỷ USD, chiếm hơn 5% GDP của cả nước, chủ yếu được thúc đẩy bởi phân khúc thương mại điện tử đang phát triển mạnh.

Báo cáo thống kê của WeAreSocial cho thấy tại thời điểm tháng 1/2020, Việt Nam có hơn 68 triệu người sử dụng dịch vụ Internet, tương đương hơn 2/3 dân số và hơn 146 triệu kết nối mạng dữ liệu di động. Như vậy, kênh trực tuyến sẽ trở nên quan trọng hơn trong giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế bán lẻ.

Năm 2020, ngoài các nhà bán lẻ như Saigon Co.op, Vinmart & Vinmart+ nhanh chóng nắm bắt xu hướng online hóa qua việc thúc đẩy mô hình app bán hàng trên điện thoại thì nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng lấn sân qua hình thức này.

Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam tới đây vẫn sẽ tiếp tục bật tăng giống như các lần trước đó khi làn sóng COVID-19 được đẩy lùi. Động lực chủ yếu nằm ở lực cầu vững chắc, tâm lý thói quen tiêu dùng, và sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Những động lực cốt lõi này vẫn được duy trì trong giai đoạn vừa qua bất chấp tác động của đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, tâm lý hoang mang, lo lắng đang dần bị xóa bỏ, thay vào đó là thói quen tiêu dùng an toàn. Ngoài ra việc Việt Nam chính thức tiêm vaccine kể từ tháng 3 năm nay cũng tạo tâm lý cởi mở hơn cho nhiều hoạt động.

VnDirect tin rằng, sự ngăn chặn thành công đại dịch của Việt Nam sẽ là yếu tố giúp duy trì tăng trưởng doanh thu bán lẻ vào năm 2021, trước khi tăng mạnh khi vaccine COVID-19 được phổ biến rộng rãi.

“Chúng tôi tin rằng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ, bất động sản của Việt Nam sẽ nhanh chóng trở lại mức trước COVID-19 khi đại dịch được kiểm soát và đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ sau đó, trong bối cảnh Việt Nam có diện tích trung tâm thương mại trên đầu người và giá thuê bất động sản bán lẻ thấp nhất trong khu vực Asean”, VnDirect đánh giá.

14h ngày 6/7/2021, Báo điện tử VTC News phối hợp với Kênh truyền hình VTC1 – Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức tọa đàm “Dịch COVID-19 kéo dài - Hướng đi nào cho hàng Việt".

Với sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và chuyên gia thị trường, tọa đàm hướng đến những giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp hàng Việt trụ vững trên thị trường giữa cơn bão COVID-19 kéo dài .

Tọa đàm nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều đơn vị tài trợ, trong đó nổi bật là Nhà tài trợ Kim cương: Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

/ vtc.vn