Sống trong căn nhà rộng chưa đầy 90 cm, dài khoảng 2,5 mét cùng con trai nhưng ông Chu Văn Cao chưa bao giờ hết lạc quan vào cuộc đời.

Ông Chu Văn Cao (SN 1947 - phố Thuốc Bắc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) sống trong căn nhà có chiều dài khoảng 2,5 mét, chiều rộng khoảng 90 cm và chiều cao chưa đầy 1,5 mét, nằm trong con ngõ sâu hun hút, phía sau dãy nhà mặt đường sầm uất ở khu phố cổ.

Căn nhà không điện, nước và cũng chẳng có nhà vệ sinh. Toàn bộ tường gạch đã tróc lở, ngả màu hoen ố.

Hơn 20 năm nay, ông sống cùng cậu con trai duy nhất. Theo lời ông chia sẻ, đây vốn là gác xép gắn với căn phòng 16m2 ở tầng 1 từng thuộc sở hữu của ông. Nhiều năm về trước, do làm ăn thất bát nên ông phải bán căn hộ phía dưới trả nợ, chỉ giữ lại phần gác xép này để ở.

Niềm vui của ông Cao là đọc sách, báo. Những quyển sách này được mọi người quý mến ủng hộ. 

Mỗi khi muốn ngủ, bố con ông Cao phải nằm nghiêng người mới đủ chỗ. Đồ đạc trong nhà ông không có gì giá trị, chủ yếu là sách, báo và quần áo cũ. Ông hài hước ví: ‘Nhà tôi không có cửa, tài sản gì. Trộm vào cũng phải khóc thét’.

Ngày trước, căn nhà không có cửa, mùa đông gió rít qua các kẽ hở, lạnh buốt. Mùa hè, nóng hầm hập, cha con ông phải ra hồ hóng gió cả ngày, đêm mới dám về.

Tuy nhiên, gần đây, cậu con trai ông đi làm thuê ở cửa hàng nhôm kính, đã gom tiền, làm lại cánh cửa cho kín đáo, dán lại bờ tường cho sạch sẽ. \'Con trai gia cố thêm cánh cửa, nhìn căn hộ của tôi ‘khang trang’ hẳn’, ông Cao vui vẻ nói.

Cánh cửa mới bằng nhôm kính, mới được con trai ông Cao lắp đặt.

Những ngày cận Tết nguyên đán, phố xá ngoài kia tấp nập, đông vui. Người dân nô nức đi mua sắm. Thay vì gặm nhấm nỗi buồn khi cuộc sống quá khó khăn, ông Cao tự tìm niềm vui cho mình, ra quán cà phê quen thuộc, giúp đỡ bà chủ rửa cốc chén, lau dọn đồ đạc, trò chuyện với mọi người về Tết xưa và những kỷ niệm thời trẻ, ngày ông tham gia công tác trong ngành vận tải. 

Người đàn ông sinh năm 1947 cho biết thêm, hàng năm chính quyền đều quan tâm, mời ông lên phường nhận quà Tết. Một số bà con phố xóm tốt bụng, người cho cân giò, người cho hộp mứt…

Mỗi người một ít, góp thành nhiều, ông lại mang ra treo trước ngõ, chia sẻ lại với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

\'Quà Tết nhiều, nhà tôi không có chỗ bảo quản. Nếu hỏng sẽ rất phí phạm. Vì thế năm nào nhận quà xong, tôi cũng mang ra ngoài ngõ, treo lên gốc cây. Một số người nghèo, lang thang cơ nhỡ đi qua, họ lấy mang về. Tôi được mọi người giúp đỡ nhiều, giờ giúp lại những người khác, cũng là điều nên làm\', ông Cao kể. 

Quê gốc ông Cao vốn ở Văn Giang (Hưng Yên). Chốn quê cha đất tổ, nơi ông sinh ra, vẫn còn bà con họ hàng và khu nhà thờ họ. Mỗi dịp Tết đến, vào sáng 30 Tết, ông thu xếp, cùng đứa cháu mua hoa quả về thắp hương, làm mâm cơm thành kính dâng lên tổ tiên.

‘Với tôi, Tết chủ yếu là tinh thần. Đêm Giao thừa, tôi chuẩn bị một chiếc bánh chưng, một chai rượu nhỏ và cân giò. Nhà chật, không có chỗ cúng bái. Khoảnh khắc Giao thừa, con trai đi chơi cùng bạn, còn tôi ở nhà, đọc sách, cắt bánh chưng, làm chén rượu nhỏ, gọi là độc ẩm một mình. Cảm giác rất thư thái, nhẹ nhõm.

Sau Giao thừa, tôi mặc quần áo tươm tất, tản bộ, hòa vào dòng người lên chùa. Có năm, tôi ra phố ngắm người đi đường, nghe họ chúc tụng nhau năm mới, nở nụ cười, tôi cũng thấy vui lây.

Người ta hỏi tôi có chạnh lòng không, khi Tết đến thui thủi một mình. Tôi khẳng định tôi không chạnh lòng. Cuộc sống ai cũng có nỗi khổ nhưng quan trọng mình biết cân bằng, đừng bi lụy. Dù nghèo khó, tôi không cho phép bản thân mình trở nên hèn kém, tự ti’, ông Cao tâm sự.

Với ông, mỗi một ngày vui sống, khỏe mạnh là điều quý giá nhất. Mặc dù được địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện làm cho chiếc thẻ bảo hiểm người nghèo. Thế nhưng, ông thừa nhận, chưa bao giờ dùng đến chiếc thẻ đó.

‘Tôi duy trì sức khỏe bằng việc ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên. Sáng nào tôi cũng dậy từ 6 giờ sáng, ra Bờ Hồ đi bộ, tập luyện. Có lẽ vì thế, tôi chẳng bao giờ phải cậy nhờ đến viên thuốc nào’, ông bộc bạch.

Trò chuyện với phóng viên, bà Chi - chủ quán cà phê ông Cao làm việc chhia sẻ: \'Ông Cao là người hiền lành, được mọi người quý mến, giúp đỡ. Hàng ngày, ông ra đây phụ giúp tôi rửa cốc chén.

Cuộc sống nghèo khó nhưng ông rất khái tính. Không phải ai biếu tiền ông cũng nhận. Hôm nào đông khách, dư dả một chút, tôi biếu ông mấy đồng ăn cơm trưa hoặc mời ông bát phở, phải nói mãi ông mới đồng ý cầm. Tôi muốn biếu nhiều hơn ông chưa chắc đã nhận.

Quán tôi bán đến 28 Tết, mở lại vào mùng 2 Tết. Hai ngày đầu năm và cuối năm, ông đều có mặt sớm, giúp đỡ tôi việc lặt vặt ở quán, chúc Tết khách đến uống cà phê\'.

Vỹ Khúc - Minh Anh

Xôn xao phố cổ Hà Nội, "cụ" mai trơ trụi được ra giá bằng cả căn nhà

Tết canh tý 2020: Tại chợ hoa Tết Hàng Lược năm nay có cây hoàng mai nổi bật được định giá lên đến 4 tỷ ...

Thành phố khổng lồ trong lòng núi đá của người cổ đại

Nằm giữa lòng núi đá sặc sỡ, thành cổ Petra ở Jordan được cho là một trong những tài sản văn hoá quý giá của ...

Phố cổ Hà Nội rộn ràng với nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam

Tiếp nối hành trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, ...

/ vietnamnet.vn