Những tưởng tôm sống trong môi trường nước mặn, cây lúa ở môi trường nước ngọt không thể chung sống hòa hợp với nhau được, nhưng lạ lùng là hai hệ sinh thái, hai vật nuôi cây trồng này vẫn cùng sống chung với nhau. Sự kết hợp này làm cho người nông dân khấm khá lên trông thấy. Chính mô hình lúa - tôm đã thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều tỉnh, thành ĐBSCL.
Khi lương thực và thực phẩm... nắm tay nhau
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú, một trong những tập đoàn xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam nhận định: “Con tôm tại ĐBSCL chắc chắn sẽ phát triển mạnh bởi các điều kiện thiên nhiên ưu đãi. Đó là hàng chục ngàn hecta tôm rừng, hàng trăm ngàn hecta tôm sinh thái nếu quy trình nuôi chặt chẽ sẽ nâng năng suất lên cao hơn 20% so với hiện nay”.
Đối với thị trường xuất khẩu, ông Quang cho rằng, Việt Nam đã là nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới nhiều năm nay. Vấn đề là tuân thủ những quy định của thị trường các nước. Nghĩa là nuôi đúng quy trình, chọn thức ăn đúng quy trình, thu hoạch đúng quy trình và đóng gói mẫu mã và chào bán đúng quy trình… thì giá trị mang lại của con tôm sẽ tăng cao.
ĐBSCL đứng trước nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhưng đây là cơ hội để con tôm phát triển. Con tôm như được tiếp sức khi Chính phủ quy hoạch lại vùng ĐBSCL theo hướng giảm dần đất lúa, chuyển đổi sang các cây trồng khác trước điều kiện BĐKH. Đối với vùng thường xuyên ngập mặn và có nguy cơ ngập mặn, sẽ chuyển sang mô hình nuôi tôm kết hợp trồng lúa như mô hình lúa - tôm tại Bạc Liêu, Cà Mau.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định: “Bạc Liêu ưu tiên phát triển mô hình lúa - tôm tại vùng chuyển đổi sản xuất thuộc huyện Hồng Dân, Phước Long và một phần của thị xã Giá Rai. Đây là mô hình đã được đúc kết kinh nghiệm nhiều năm. Chúng tôi xác định chọn lúa chất lượng, tôm cũng chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả trong cùng đơn vị sản xuất”.
Đồng quan điểm này, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng: “Cà Mau khuyến khích sản xuất lúa tôm phải chọn những sản phẩm phù hợp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ xuất khẩu cho cả hai loại hình này”.
Lúa thơm, tôm sạch không còn xa vời
Việc giống lúa thơm ST đưa vào sản xuất trên đất nuôi tôm cho hiệu quả cao, đặc biệt là gạo ST25 được trồng trên đất nuôi tôm trở thành gạo ngon nhất thế giới đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người.
Ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của dòng lúa thơm ST nhận định: “Lúa thơm ST, trong đó có ST25 trồng được trên tất cả diện tích lúa tôm tại ĐBSCL. Điều này cho thấy đất nuôi tôm ven biển vẫn trồng lúa được bằng mô hình lúa - tôm. Khi trồng cây lúa ST25 đòi hỏi kỹ thuật nghiêm ngặt về quy trình sạch bệnh thì kéo theo con tôm cũng đã sạch bệnh. Vấn đề là cần xây dựng thương hiệu sạch cho con tôm nữa là giá trị của hai mặt hàng này cùng… ngon nhất thế giới!”.
Thực tế sản xuất và hiệu quả đã chứng minh mô hình lúa - tôm hơn hẳn chuyên lúa, chuyên tôm. Chính vì vậy mà hiện tại ĐBSCL có đến trên 120.000ha diện tích sản xuất lúa - tôm ở hầu khắp các tỉnh ven biển miền Tây.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “May mà mô hình lúa - tôm rất thành công nên tỉnh vừa hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương lực vừa xây dựng được thủ phủ con tôm của cả nước”.
Cây lúa, con tôm ở mảnh đất đồng bằng này vẫn còn tiếp diễn. Nhìn lại 20 năm phát triển của một mô hình để thấy rằng chưa có mô hình nào khiến người dân đồng thuận nhiều đến vậy.
Hành trình 20 năm mô hình lúa thơm, tôm sạch Những tưởng tôm sống trong môi trường nước mặn, cây lúa ở môi trường nước ngọt không thể chung sống hòa hợp với nhau được, ... |
Việt Nam đang dôi dư 3 triệu tấn gạo, có nên xuất khẩu? Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, gạo dự trữ của Việt Nam đang dôi dư, nên xuất khẩu cho những nước cần trong bối cảnh COVID-19 ... |