Không trở về nước trên các chuyến bay từ Ukraine, nhiều người Việt lựa chọn đi ô tô tới các nước châu Âu và chờ chiến sự lắng xuống.
Cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine đã bước qua ngày thứ 10. Đã có một cuộc di cư khổng lồ với hơn 600.000 người tới các biên giới giữa Ukraine và châu Âu, bao gồm cả cộng đồng người Việt. Đa số họ lựa chọn trở về quê hương, nhưng không ít trong số họ tới lánh nạn ở một số nước châu Âu chờ đợi tình hình lắng xuống. Trong đó có anh Võ Đức Hạnh.
Hành trình 5 ngày đêm rời khỏi Ukraine
Nhận thấy chiến sự tại thủ đô Kiev đang leo thang và có khả năng vượt ngoài tầm kiểm soát, anh anh Võ Đức Hạnh (SN 1974, quê Hà Tĩnh), một người Việt làm ăn tại Ukraine, chỉ kịp lấy ít quần áo, bỏ lại tất cả tài sản để rời đất nước tới biên giới phía Tây.
Anh Hạnh rời quê hương năm 1996, sang Ukraine kiếm sống bằng đủ nghề như in ảnh, in bao bì, bao kẹo… ở thủ đô Kiev.
Khi công việc dần ổn định và có thu nhập khá, anh Hạnh quyết định gắn bó với mảnh đất trong quãng đường đời còn lại. Trải qua hơn 25 năm sống và làm việc tại Ukraine, cứ nghĩ cuộc sống sẽ yên ổn nhưng chiến sự bất ngờ ập đến khiến anh Hạnh và gia đình đắn đo giữa việc đi và ở lại.
Anh Hạnh chỉ kịp vơ vộ ít bộ quần áo để ‘tháo chạy’ khỏi chiến sự. (Ảnh NVCC) |
Khi chiến sự nổ ra, anh vẫn tin rằng rồi mọi việc sẽ ổn thôi. Nhớ lại ngày quyết định thực hiện hành trình dài bằng ô tô để tới vùng biên giới tìm đường tị nạn, anh vẫn còn không tin được tiếng súng đã nổ ở Kiev.
Sáng ngày 24/2, anh Hạnh vẫn đi làm bình thường như mọi ngày. Qua các trạm xăng, anh hơi bất ngờ vì trên đường lại có rất nhiều phương tiện xếp hàng cả cây số. Do ít quan tâm đến chính trị nên anh Hạnh chưa ý thức được mối nguy hiểm đến gần.
“Thấy có điều khác lạ tôi hỏi những người dân địa phương mới biết chuẩn bị có chiến tranh nổ ra. Từ lâu, căng thẳng leo thang ở vùng miền Đông, Donbass diễn ra thường xuyên còn các thành phố khác và Kiev vẫn thanh bình nên không chỉ tôi mà người bản xứ cũng không nghĩ đến chuyện súng nổ ở thủ đô”, anh Hạnh kể với PV VTC News.
Biết rằng nguy hiểm đang cận kề nhưng không nỡ rời bỏ sự cố gắng trong 25 năm qua của mình, anh Hạnh liều ở lại thêm 3 ngày để trông coi nhà máy và không có ý định di tản.
Đến sáng 28/2, khi quân Nga tiến vào thủ đô Kiev, anh Hạnh vội về nhà, kịp vơ vội ít bộ quần áo rồi cùng vợ chồng người bạn quê huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đi xe ô tô di tản tới biên giới và rời vùng chiến sự.
“Lúc đó chúng tôi chỉ biết cố rời thật nhanh để đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân, số tài sản và tiền trong ngân hàng tích cóp lâu nay đều không thể mang theo được. Không chỉ tôi mà hầu như người Việt Nam ở đây đều rời vào tình cảnh như thế này”, anh Hạnh nhớ lại.
Có lẽ cả đời anh Hạnh không thể nào quên từng phút từng giây trong hành trình rời thủ đô Kiev bởi các tuyến đường cao tốc, đường huyết mạch đều bị quân đội Ukraine đánh sập cầu, phá hỏng nhiều đoạn để ngăn quân Nga tràn vào.
Tắc đường kéo dài hàng chục km tại Ukraine. (Ảnh NVCC) |
Quãng đường hơn 700km từ thủ đô Kiev đến cửa khẩu Ba Lan, nhóm anh Hạnh phải đi mất 20 giờ đồng hồ do có quá nhiều đoàn xe tị nạn, giao thông ách tắc. Bánh mì và nước lọc là những thực phẩm chính của đoàn anh Hạnh trong suốt những ngày di tản.
Suốt quãng đường di chuyển, để bổ sung nhiên liệu cho xe, anh Hạnh phải dừng lại xếp hàng mua xăng, tuy nhiên mỗi cửa hàng chỉ bán 20 lít/xe. Sau khi mua xong, nhóm anh Hạnh tiếp tục quay lại xếp hàng lần thứ 2 để mua thêm.
lao-dong-viet-1.jpg |
Dọc đường có rất nhiều chốt quân đội của Ukraine kiểm tra nghiêm ngặt, xem chúng tôi có mang theo vũ khí và từ đâu đến. Khi xuất trình được chứng cứ rời thủ đô Kiev thì họ cho đi vì thủ đô đang xảy ra chiến tranh, người ta cho di tản
Anh Võ Đức Hạnh
Đến tờ mờ sáng ngày 1/3, anh Hạnh và vợ chồng người bạn tới được khu vực cửa khẩu Ba Lan. Tại đây, các phương tiện giao thông xếp hàng 13-14km, anh Hạnh lại phải chờ thêm một ngày nữa mới tới lượt qua cửa khẩu.
Khi bánh xe bắt đầu lăn những vòng đầu tiên trên lãnh thổ đất nước Ba Lan, anh Hạnh mới tin là mình vẫn còn được sống. Những ngày tiếp theo, anh Hạnh di chuyển sang nước Đức để đoàn tụ với người thân.
“Lánh nạn” chứ không rời bỏ Ukraine
Cũng như anh Hạnh, anh Lê Duy Mạnh ở thành phố Odessa, cũng quyết định rời Ukraine để lánh nạn. Trước đó, khi chiến sự bắt đầu nổ ra, anh và con trai không có ý định đi khỏi thành phố. Sau hơn 1 tuần bám trụ để nghe ngóng tin tức, anh đã thay đổi ý định và lựa chọn việc di tản nhằm đảm bảo an toàn cho gia đình lẫn bản thân khi chiến sự ở miền Đông Ukraine đã bước sang tuần thứ 2.
Khi đưa ra quyết định này anh Mạnh đã phải rất đắn đo bởi cơ ngơi anh xây dựng suốt nhiều năm qua đều ở Ukraine. Việc di tản cũng mang lại nhiều rủi ro kể cả khi Odessa chưa phải là vùng chiến sự.
Theo chia sẻ của anh Mạnh trên trang facebook cá nhân, anh và con trai di tản khỏi Odessa đến cửa khẩu Mayaky-Udobne, sau đó đi tiếp sang Moldova. Từ đây anh và gia đinh sẽ đi xe đường dài đến các nước EU khác.
Anh Mạnh cho biết nhiều khả năng và gia đình sẽ đến Đức, chờ đợi tình hình chiến sự hạ nhiệt sau đó qua trở lại Ukraine chứ không có ý định về Việt Nam.
Những hình ảnh người dân chen chúc nhau để được lên tàu di tản. (Ảnh NVCC) |
Được biết, nhiều người Việt ở Ukraine cũng giống như anh Mạnh và anh Hạnh đã lựa chọn sơ tán tạm thời khỏi vùng chiến sự bởi ở lại có quá nhiều rủi ro. Hầu hết mọi người đều muốn quay trở lại nơi họ đã gắn bó trong nhiều năm ngay khi cuộc chiến này kết thúc bởi những gì đã xây dựng ở Ukraine là thành quả của cả cuộc đời các anh.
“Đối với tất cả những người từng sống ở Ukraine ai cũng mong muốn chiến tranh nhanh chóng chấm dứt. Tôi sống hơn 25 năm ở thủ đô Kiev rồi, bây giờ không phải đi là đi được, thủ đô thanh bình rất đẹp. Bây giờ nhìn qua tivi thấy hoang tàn tôi thật sự rất đau lòng”, anh Hạnh tâm sự.
Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã mở chế độ ưu tiên đặc biệt cho người tị nạn từ Ukraine đã giúp cho việc di tản từ vùng chiến sự đến các quốc gia châu Âu khác trở nên dễ dàng hơn.
Gia đình anh Hạnh mong muốn chiến tranh kết thúc để quay về Ukraine. (Ảnh NVCC) |
Trước đó, ngày 3/3, các bộ trưởng EU đã nhất trí khởi động một cơ chế bảo vệ tạm thời cho phép người tị nạn đến từ Ukraine và gia đình họ sẽ được cấp phép cư trú cũng như quyền đi làm và học tập trong năm đầu tiên, được gia hạn 6 tháng một lần với tổng thời gian 2 năm.
Hiện tại, công dân Ukraine có hộ chiếu sinh trắc học chỉ được phép vào khu vực Schengen miễn thị thực của EU và được phép ở lại trong 3 tháng (nhưng không được phép đi làm).
TRỌNG TÙNG - TRÀ KHÁNH
Nga cảnh báo các nước không tiếp nhận máy bay Ukraine |
Ukraine sẵn sàng thảo luận về "mô hình phi NATO" |
Nhà đàm phán Nga nhận xét tích cực về các đối tác Ukraine |