Cuối thu là bắt đầu vào mùa hạt dẻ. Các chợ cóc ở Hà Nội đâu đâu cũng thấy bày bán hạt dẻ Trùng Khánh, Cao Bằng. Nhưng sự thực, ở Cao Bằng, hạt dẻ đã không đủ bán.
Mùa lúa chín ở Cao Bằng thường muộn hơn những vùng khác vì khí hậu lạnh hơn. Từ xa đã có thể thấy hương lúa nếp thoảng ngọt. Điều kỳ diệu trong bức tranh mùa vàng ở đây là trên cùng một mảnh ruộng, nhưng có thửa đã gặt, thửa đang xanh và thửa mới chỉ được gieo trồng cấy mạ.
Sự “lộn xộn” trong thói quen trồng cấy của người Tày, người Nùng đem đến cho những người Kinh cảm giác ngạc nhiên và cực kỳ thú vị, giống như một ngày có cả bốn mùa, một vụ lúa có đủ công đoạn từ làm đất, gieo trồng, lớn lên, chín hạt đến gặt hái và thơm mùi gạo mới.
Chạy xe chầm chậm trên con đường như sợi chỉ vắt qua các thung lũng, chúng tôi tận mắt nhìn thấy từng lớp lúa chín vàng như “sóng núi”. Tôi có ấn tượng đặc biệt với những căn nhà nhỏ (nói đúng hơn thì là những căn chòi canh lúa) bên ruộng bậc thang vì cái vẻ bình yên của chúng. Giữa một thảm vàng xanh, những nếp nhà tạm bằng gỗ mộc đã không còn vẻ xám xịt ảm đạm, nó như một nốt nhấn, gõ vào lòng tôi, tim tôi cái điệu khúc ngân nga về tình yêu, tự do và thôi thúc đi nữa, đi tiếp!
Lên Cao Bằng mùa này, nhất định phải đi tìm hạt dẻ Trùng Khánh. Không um tùm lúc lỉu như tôi tưởng tượng. Hơn nữa, bà con Tày, Nùng trồng theo lối quảng canh nên sản lượng hạt dẻ không đáng kể. Ngay tại thị xã Cao Bằng, ai may mắn lắm mới mua được đúng hạt dẻ Trùng Khánh, còn đâu, đều là hạt dẻ Trung Quốc nhập sang.
Đã hẹn trước, chúng tôi vào nhà một gia đình người Tày có một khoảng rừng trồng dẻ. Trước đó, tôi nghĩ, hạt dẻ phải hái hoặc rung lắc thế nào đó. Sự thực là, quả dẻ khá giống quả chôm chôm, khi chín thì tự nứt ra, mỗi quả có ba bốn hạt rơi xuống gốc cây, và người dân “thu hoạch” nghĩa là đem theo giỏ và nhặt.
Loại hạt dẻ Trùng Khánh này hơi khác với hạt dẻ tôi mua được dưới xuôi. Vỏ nó cứng, dày và nhiều lông tơ hơn. Chúng tôi nhặt được một rổ, được hướng dẫn dùng dao khía rồi đem nướng, chỉ một lúc đã thấy hương thơm bay ra. Dùng tay tách nhẹ vỏ hạt, lộ ra một thứ nhân màu vàng sáng trong mịn. Cho vào miệng ngậm một lúc, nhân đó mềm ra như bột bánh khảo, vừa ngọt vừa bùi.
Nghe chủ nhà nói, hạt dẻ Trùng Khánh chính gốc nhặt về phải chế biến ngay, để lâu, hạt sẽ bị thâm thối, bốc mùi. Hạt dẻ tươi có thể đem hầm chân giò, nấu xương, nghe nói đều ngon, nhưng như chủ vườn của tôi giải thích: bởi hạt dẻ không có nhiều nên đa số mọi người chỉ dùng để luộc, nướng hoặc rang mà cũng không đủ bán!
Có một Hà Nội thật dễ thương… |
Lần đầu tiên, vở ballet “Kẹp hạt dẻ” được tái hiện trong không gian đầy hoa |
Hạt dẻ cười 'nhỏ nhỏ nhưng có võ' |