Việc UNESCO vinh danh di sản Thực hành Then đã góp phần mở rộng sự hiện diện của Viêt Nam trên bản đồ di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

hat then tro thanh di san van hoa phi vat the dai dien cua nhan loai

Đoàn đại biểu Việt Nam tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Bogota (Colombia). (Nguồn: TTXVN)

Vào lúc 15 giờ 23 phút ngày 12/12 (3 giờ 23 phút ngày 13/12 giờ Việt Nam), theo khuyến nghị của cơ quan tư vấn, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 đã thông qua nghị quyết số 14.COM.b.42 ghi danh hồ sơ Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (gọi tắt là Thực hành Then) vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng với 41 hồ sơ của các quốc gia khác (ghi danh 36 hồ sơ vào Danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và 05 hồ sơ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp).

Việc UNESCO vinh danh di sản Thực hành Then đã góp phần mở rộng sự hiện diện của Viêt Nam trên bản đồ di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Đây là thành quả của một quá trình chuẩn bị công phu trong và ngoài nước bao gồm việc xây dựng hồ sơ của cộng đồng, chính quyền các địa phương có di sản với sự chỉ đạo tích cực, hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sự hỗ trợ hiệu quả của Ủy ban Quốc gia và Ban Thư ký UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện hồ sơ.

Đây cũng là thành quả của hoạt động trao đổi và cung cấp thông tin tới các nước thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 để các nước này hiểu rõ hơn về giá trị và ủng hộ hồ sơ Thực hành Then đóng một vai trò quan trọng dẫn đến kết quả hồ sơ này được ghi danh.

Thực hành Then là di sản văn hóa phi vật thể thứ 13 của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Trước đó, Nhã nhạc, Âm nhạc cung đình Việt Nam (năm 2008), Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên (2008), Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc (2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012), Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015, di sản đa quốc gia gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines, Campuchia), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam, Hát Xoan Phú Thọ đã được ghi danh trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Ca Trù được ghi danh trong Danh sách các di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (2009).

hat then tro thanh di san van hoa phi vat the dai dien cua nhan loai

Đại biểu chúc mừng các thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam tại phiên họp. (Nguồn: TTXVN)

Các di sản này đã góp phần làm giàu bản sắc các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, nâng cao vị trí, ảnh hưởng văn hóa của Việt Nam trên quốc tế và đóng góp vào phát triển bền vững của các địa phương có di sản.

Với việc vinh danh của UNESCO, di sản Thực hành Then sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị rộng rãi hơn trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, nâng cao lòng tự hào của chính quyền và người dân địa phương đối với giá trị văn hoá truyền thống của mình, góp phần khẳng định sự đa dạng, giá trị và bản sắc của văn hóa Việt Nam và làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa chung của nhân loại.

Từ 9-14/12, tại thủ đô Bogota, Cộng hóa Colombia, Kỳ họp thường niên lần thứ 14 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã diễn ra với các nội dung chính: kiểm điểm những hoạt động thực hiện Công ước 2003, đưa ra những khuyến nghị quan trọng về các biện pháp gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể và quyết định ghi danh các hồ sơ di sản của các quốc gia thành viên trong Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc Danh sách di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đoàn Việt Nam gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham dự Kỳ họp.

Then là thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ (Mường Đất, Mường Trời với ba tầng trời).

Các lễ Then diễn tả hành trình thầy Then (Ông Then, Bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời, nơi các thần linh ngự trị để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: cầu an, giải hạn, chữa bệnh, cầu mùa, vào nhà mới, xuống đồng, cấp sắc, chúc phúc, chúc mừng năm mới…

Bắt đầu nghi lễ, các thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình. Tùy theo mục đích của việc cầu cúng mà thầy Then sẽ bày mâm cúng và cầu khấn trước bàn thờ Then những vị thần bản địa khác nhau, cao nhất là Ngọc Hoàng. Thầy Then thương sử dụng: lệnh bài, ấn tín, kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông, quạt… và các lễ vật (thịt lợn, thịt gà, xôi, rượu, gạo, hoa quả, vàng mã…) để thực hiện lễ Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại bàn thờ Then ở nhà của Thầy Then.

Khi làm lễ, Thầy Then mặc lễ phục, vừa hát tiếng dân tộc của mình vừa gảy tính tẩu (đàn 2 hoặc 3 dây), xóc chìm xóc nhạc, phất quạt, có buổi lễ còn có tốp nữ múa phụ hoạ. Thầy Then truyền dạy cho con cháu, học trò trực tiếp khi thực hành nghi lễ Then (Một số thầy Then thực hiện khoảng 200 nghi lễ Then một năm)./.

hat then tro thanh di san van hoa phi vat the dai dien cua nhan loai NSND Triệu Thủy Tiên: Giữ gìn làn điệu hát then trên quê hương xứ Lạng

"Tôi mong sao lớp trẻ sẽ ngày càng hiểu và yêu các làn điệu then của dân tộc mình".

/ www.vietnamplus.vn