Hãy dành ngoại lệ cho quận Hoàn Kiếm để không sáp nhập, bởi vượt qua vai trò một đơn vị hành chính, Hoàn Kiếm là địa chỉ văn hóa, là trái tim của Thủ đô nghìn năm.

Quận Hoàn Kiếm thuộc diện sẽ bị sáp nhập trong vòng 2 năm tới là thông tin được người dân, không chỉ ở Thủ đô, quan tâm đặc biệt từ hai hôm nay. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã sáng 31/7, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của Thủ đô thuộc diện phải sáp nhập giai đoạn 2023-2025.

Theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35 km², dân số tối thiểu 150.000. Các đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích dưới 20% tiêu chuẩn thì quy mô dân số phải đạt 200%, nếu không sẽ phải sáp nhập trong 2 năm tới. Với diện tích 5,29 km², dân số gần 156.000, quận Hoàn Kiếm thuộc diện này.

Viễn cảnh không còn quận Hoàn Kiếm chắc chắn tác động mạnh vào tình cảm của rất nhiều người dân. Với người Việt Nam ở mọi vùng miền, mọi lứa tuổi, cái tên Hoàn Kiếm được nhớ tới đầu tiên khi nhắc đến Hà Nội. Những người ở tỉnh xa có thể không nhớ tên các quận huyện khác, nhưng sẽ nhớ đến Hoàn Kiếm, bởi địa danh này đã đi vào thơ ca nhạc họa, gắn với những câu chuyện liên quan đến nền văn hiến, đến lịch sử giữ nước và niềm khao khát hòa bình, đi vào tâm thức dân gian bao thế hệ.

Vượt lên trên vai trò của một đơn vị hành chính, Hoàn Kiếm trong lòng người Việt chính là trái tim, linh hồn của Thủ đô.

Vượt lên trên vai trò của một đơn vị hành chính, Hoàn Kiếm trong lòng người Việt chính là trái tim, linh hồn của Thủ đô.

Nằm ở vị trí quan trọng, “linh thiêng” bậc nhất Thủ đô, địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng là nơi có gần 200 di tích lịch sử văn hóa, địa danh nổi tiếng như quần thể di tích Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân, tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, Nhà hát Lớn Hà Nội… Khu vực 36 phố phường là nơi lưu giữ “hồn vía” của đời sống kinh kỳ qua nhiều thế kỷ, là nơi đọng lại tinh túy của nếp ăn, nếp ở, phong tục, tinh hoa ẩm thực... đất Tràng An. Có thể nói không nơi nào mà giá trị văn hóa đặc thù của Hà Nội – cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần – lại đậm đặc như Hoàn Kiếm.

Vượt lên trên vai trò của một đơn vị hành chính, Hoàn Kiếm trong lòng người Việt chính là trái tim, linh hồn của Thủ đô. Vì vậy, với nhiều người, việc nó bị nhập vào quận khác và “biến mất” gây cảm giác mất mát, tiếc nuối, không cam lòng…

 

Tôi cho rằng không nhất thiết và không nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm, bởi việc sáp nhập đơn vị hành chính không nên chỉ dựa trên diện tích và dân số, mà hãy tính đến nhiều yếu tố khác như lịch sử, văn hóa, phong tục, vị trí địa lý...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nói trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 sáng 31/7: "Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã phải trên cơ sở khoa học và thực tiễn, căn cứ các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các tiêu chí, điều kiện theo quy định của pháp luật, đồng thời phải chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư".

Là quận trung tâm, dân số của Hoàn Kiếm không thấp, chỉ diện tích là kém xa so với tiêu chuẩn. Tuy nhiên, diện tích gần 5,3 km² của quận này còn lớn hơn nhiều so với diện tích của một số quốc gia. Nên nhớ, công quốc Monaco chỉ rộng 2,05 km², còn diện tích quốc gia Vaticano chỉ vỏn vẹn 0,44 km².

Xét những điều trên, quận Hoàn Kiếm xứng đáng trở thành một ngoại lệ.

Nếu cho rằng diện tích một quận không thể quá nhỏ, thay vì sáp nhập Hoàn Kiếm vào quận khác, tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu cắt vài phường của các quận lân cận và sáp nhập vào Hoàn Kiếm.

Cái tên Hoàn Kiếm là sự trầm tích rất nhiều giá trị lớn của Thủ đô qua nhiều thế kỷ, sẽ là phí phạm nếu chúng ta khiến nó mai một đi dù là một chút bằng những tiêu chuẩn hành chính đơn thuần.

https://vtc.vn/hay-danh-ngoai-le-cho-quan-hoan-kiem-ar809919.html

HỒNG TRẦN / VTC News