Lại thêm một cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ gối ở Nghệ An. Cứ ngỡ trường hợp bắt cô giáo quỳ gối ở Long An là cá biệt, đâu ngờ hành vi đáng xấu hổ này đã nằm trong não trạng của không ít phụ huynh.
Những năm qua, chúng ta đã nghe nói nhiều về sự bạc bẽo của nghề giáo. Bạc bẽo từ đồng lương nhận được, bạc bẽo từ môi trường giảng dạy và cả cách nhìn nhận của xã hội cũng như cách ứng xử của phụ huynh đối với nhà giáo. Thế nhưng, đẩy người thầy phải quỳ gối thì nó đã đến tận cùng của sự xúc phạm. Việc này xóa sạch sự trân trọng chức nghiệp vốn có từ trong văn hóa truyền thống, phủ nhận tinh thần tôn sư trọng đạo và trong thực tế, hậu quả khi những đứa trẻ biết về cách hành xử này thật khó lường.
Lợi ích và nhu cầu cơ bản nhất của học sinh là sự phát triển toàn diện nhân cách. Quan điểm giáo dục mới là lấy học sinh làm trung tâm, nhằm sớm chuẩn bị cho học sinh thích ứng với đời sống xã hội, hòa nhập và phát triển cộng đồng... Không thể hiểu một cách ngây ngô rằng học sinh là bất khả xâm phạm và phụ huynh luôn xem con mình là "hoàng tử", "công chúa". Khi chúng nhận thức sai lầm về vị trí của mình trong nhà trường sẽ mau chóng khước từ mọi sự giáo dục để sống theo cách dễ dàng nhất, kể cả vì lý do lười biếng. Đến khi chúng thấy giáo viên phải quỳ, công tác giáo dục đã hoàn toàn thất bại.
Giáo viên phải ngày càng chuẩn mực là chuyện hiển nhiên không phải bàn. Phụ huynh và cơ quan quản lý giáo dục luôn yêu cầu giáo viên muốn trụ được với nghề phải nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, tăng cường sự giao tiếp với học sinh... Thế nhưng, chúng ta đã làm gì để họ có thể thuận lợi hoàn thiện nghề nghiệp của mình? Giờ lên lớp kín mít, mỗi ngày chạy xe hàng chục cây số đến trường, ứng xử với mấy chục học trò trong sự soi mói từ nhiều phía. Còn phụ huynh đã dần có nhiều thói quen sòng phẳng xem việc đưa con đến trường như một cuộc mua bán: trả tiền để giáo viên giảng dạy con mình. Khi đứa trẻ bị động chạm, không ít người trả đũa thầy cô giáo bằng cách thẳng tay xúc phạm.
Ở góc độ rộng hơn, giáo viên gần như phải tự bơi với đồng lương rẻ mạt. Trường lớp ngày một khang trang nhưng cuộc sống của phần lớn giáo viên hầu như không cải thiện trong nhiều năm qua nếu họ không có công việc làm thêm bên ngoài. Hô hào nâng chất lượng giáo dục, cải tiến chương trình giảng dạy, phát triển trí tuệ của học sinh... nhưng người đóng vai trò trung tâm, giảng dạy trực tiếp nhất là giáo viên lại không được chăm lo đúng mực thì chỉ là những nỗ lực vô ích.
Trong câu chuyện đang thời sự, hàng ngàn giáo viên tại các tỉnh, thành bị mất việc sau các đợt giảm biên chế ồ ạt. Nhiều địa phương đang cố gắng hoàn thành chỉ tiêu giảm biên chế thông qua đội ngũ giáo viên hiện hữu, trong khi không hề có phương án bố trí, sắp xếp việc làm khác cho họ. Họ sẽ về đâu, lo toan cho gia đình như thế nào không nằm trong sự lo nghĩ của lãnh đạo một số địa phương.
Nâng vai trò của học sinh nhưng cũng đừng hạ thấp giá trị của người thầy. Hãy thôi bạc bẽo với nghề giáo, đừng đòi hỏi họ quá nhiều trong khi chưa bao giờ chìa bàn tay nâng đỡ!
Để cô giáo “tự nguyện” quỳ gối, văn hóa phụ huynh còn thấp hơn cả cái quỳ đó! Vụ cô giáo Nh. ở Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) phải quỳ gối xin lỗi trước mặt bà Trưởng ban đại diện cha ... |
Thật bất công, giáo viên tại sao không có thưởng tết? Tết Nguyên đán đang đến gần, câu chuyện về thưởng tết lại trở thành đề tài "nóng". Riêng với nghề giáo, nhiều người chẳng háo ... |
Người thầy phía sau song sắt Tại trại giam Quyết Tiến (Tuyên Quang) các năm qua luôn có những lớp học dành cho các phạm nhân đang cải tạo. |
Nghề dạy học: Nghề cao quý nhất? Có xã hội nào hưng thịnh, phát triển hài hoà mà không gắng sức dựng xây và cậy nhờ nền giáo dục? Không có gì ... |
Phạm Hồ