Chỉ ngay sau khi Giám đốc sở 30 tuổi bị xóa tên đảng viên, báo chí tiếp tục phát hiện một trường hợp gần như “sao y bản chính”.
Ông Huỳnh Thanh Phong - GĐ Sở Công Thương Hậu Giang.
Tờ Pháp Luật TP đã giật lên tít 4 chữ “quan lộ tốc hành” đối với trường hợp ông Huỳnh Thanh Phong - GĐ Sở Công Thương Hậu Giang. Theo đó, tháng 7.2015, tức là chỉ sau hơn 4 năm vào làm tại một phòng thuộc BQL KCN Hậu Giang, ông Phong (sinh 1982) đã được bổ nhiệm giữ chức GĐ Sở Công Thương. Khi ấy ông Phong chưa tròn 33 tuổi và chỉ hơn ba năm tuổi Đảng.
Có quá nhiều điểm trùng hợp giữa hai vị giám đốc sở.
Họ cùng chỉ tuổi 30. Họ thăng tiến thần tốc. Khi bổ nhiệm chưa từng là chuyên viên chính. Họ đều được địa phương kết luận là “đúng quy trình”. Và quan trọng nhất họ đều có bố từng là Bí thư Tỉnh ủy. (Ông Huỳnh Thanh Phong là con trai cựu Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc).
Trở lại vụ ông Lê Phước Hoài Bảo bị kỷ luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng nhìn nhận: “Bộ Nội vụ phải kiểm điểm lại xem đúng quy trình ở chỗ nào. Nếu kiểm điểm một cách nghiêm khắc thì không phải là đúng quy trình mà sai bản chất.
Có thể, “quy trình đúng” trong các vụ việc mà Ủy ban Kiểm tra T.Ư vừa kết luận, vẫn sẽ được xác định là đúng về thứ tự, về hình thức, nhưng ẩn chứa bên trong là những ý đồ cá nhân khi người đứng đầu chặn trước đón sau, đưa ra tập thể chỉ để hợp thức cho cái quy trình ấy. Nói như nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư đó là những trường hợp “dân chủ giả tạo”.
Ngày hôm qua, cuộc họp báo của Bộ Nội vụ đã được tổ chức nhằm giải đáp câu hỏi của dư luận về việc bổ nhiệm “đúng quy trình” - kết luận của chính Bộ Nội vụ đối với trường hợp ông Lê Phước Hoài Bảo. Nhưng ngay cả câu hỏi đơn giản nhất “tại sao đúng quy trình nhưng vẫn phải xử lý đến mức xóa tên đảng viên”... cũng không được đề cập.
Dân biết cả, thưa Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, ngay cả khi họ bị buộc phải chấp nhận các quy trình đúng. Trường hợp thăng tiến bất thường, và đúng quy trình, rõ ràng không chỉ xảy ra ở Quảng Nam, ở Thanh Hóa. Chính Bộ Nội vụ cũng xác định tới 58 trường hợp ở 11 tỉnh, thành là “bổ nhiệm người nhà”. Và, cái mà Bộ Nội vụ cần nhìn thấy, cần làm sau vụ việc “đúng quy trình” ở Quảng Nam là xem lại cả cái quy trình, cả người thực hiện lẫn người kiểm tra quy trình ấy, để quy trình không bị lạm dụng như một cách hợp thức sai phạm, như một cách để đối phó với dư luận nhân dân.
Quảng Nam từng giải trình gì về việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo? Trong báo cáo giải trình gửi Bộ Nội vụ cách đây hơn 2 năm, UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định việc bổ nhiệm ông Lê ... |
Bộ Nội vụ sẽ làm rõ trách nhiệm vụ bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cho biết sẽ làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan của bộ này ... |