Ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela, từng giúp thay đổi vận mệnh của đất nước, giờ đây bị tàn phá do quản lý kém và nhiều năm hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, đã phải vật lộn để duy trì sản lượng tối thiểu để xuất khẩu sang các quốc gia khác, cũng như tiêu dùng trong nước.

Nỗi ám ảnh mang tên dầu mỏ

Mỗi buổi sáng, ông José Aguilera kiểm tra lá cây chuối và cà phê trong trang trại của mình ở miền đông Venezuela để tính toán xem mình có thể thu hoạch được bao nhiêu. Nhưng câu trả lời không khó đoán: Aguilera gần như chẳng thu được có gì.

Các ngọn lửa khí đốt phát nổ từ các giếng dầu gần đó phun ra một chất cặn nhờn, dễ cháy tỏa đi khắp nơi. Lá cây bị cháy khô và héo rũ. Aguilera nói: “Không loại cây nào có thể chống lại dầu mỏ. Khi nó rơi xuống, mọi thứ đều khô héo”.

Hệ lụy môi trường từ ngành dầu mỏ của Venezuela -0
Mất điện, những người dân địa phương chơi bài dưới bầu trời được thắp sáng bởi ngọn lửa từ mỏ dầu gần Punta de Mata, miền đông Venezuela. Ảnh: New York Times

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela, từng giúp thay đổi vận mệnh của đất nước, giờ đây bị tàn phá do quản lý kém và nhiều năm hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, đã phải vật lộn để duy trì sản lượng tối thiểu để xuất khẩu sang các quốc gia khác, cũng như tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, để làm được như vậy, những cơ sở sản xuất dầu đã phải hy sinh  công tác bảo trì cơ bản và đang sử dụng các thiết bị ngày càng kém chất lượng, dẫn đến hậu quả môi trường ngày càng tăng.

Ông Aguilera sống ở El Tejero, một thị trấn cách thủ đô Caracas khoảng 450 km về phía đông, trong một vùng giàu dầu mỏ nổi tiếng, cho biết nơi ông ở bây giờ là một thị trấn không bao giờ nhìn thấy bóng đêm.

Ở miền đông Venezuela, các nhà máy lọc dầu gỉ sét đốt cháy khí đồng hành, một phần trong hoạt động khai thác, suốt ngày đêm. Ngọn lửa từ các giếng dầu thắp sáng cả một vùng xung quanh mọi lúc trong ngày, cùng với tiếng nổ rền vang, và rung động chúng tạo ra khiến bức tường của những ngôi nhà ọp ẹp ở gần đó nứt toác.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), dù Venezuela sản xuất ít dầu hơn nhiều so với trước đây, nhưng nước này vẫn đứng thứ ba trên thế giới về lượng khí thải metan trên mỗi thùng dầu được sản xuất.

Hệ lụy môi trường từ ngành dầu mỏ của Venezuela -0
Nhà máy lọc dầu Cardon của Venezuela đang đốt cháy hydrocarbon trong nỗ lực sản xuất nhiên liệu. Ảnh: Bloomberg

Các ngọn lửa khí đốt trên khắp các vùng ở Venezuela cũng chỉ ra một thước đo rõ ràng về sự suy yếu của ngành công nghiệp dầu mỏ của đất nước: Quá nhiều khí thải được xả thẳng vào khí quyển vì không có đủ thiết bị để chuyển đổi nó thành nhiên liệu.

Nhiều cư dân ở miền đông Venezuela phàn nàn về các bệnh đường hô hấp như hen suyễn, mà các nhà khoa học cho rằng có thể trở nên trầm trọng hơn do khí thải từ các mỏ dầu. Mưa mang đến lớp màng dầu ăn mòn xe cộ, làm đen quần áo và làm vấy bẩn tập vở học sinh mang đến trường.

Chưa hết, nghịch lý thay, tình trạng thiếu nhiên liệu lan rộng ở quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới đồng nghĩa với việc hầu như không ai trong khu vực này có gas để nấu ăn tại nhà.

Sướng nhờ dầu và khổ cũng vì dầu

Dầu hút lên không bán được. Trong khi các nhà máy lọc dầu cũng không có đủ chi phí để vận hành. Cái vòng luẩn quẩn khiến rất nhiều vùng đất từng là thiên đường nhờ dầu mỏ ở Venezuela, bây giờ đang lay lắt khổ, cũng vì dầu mỏ.

Hệ lụy môi trường từ ngành dầu mỏ của Venezuela -0
Ba cậu bé Diego, Manuel và Miguel đang đánh cá ở hồ Maracaibo, hồ nước lớn nhất Nam Mỹ nằm trên vùng duyên hải phía bắc Venezuela. Ảnh: New York Times

Cabimas, một thành phố cách thủ đô Caracas khoảng 600 km về phía tây, nằm trên bờ hồ Maracaibo, từng là một trung tâm sản xuất dầu hàng đầu của Venezuela. Ở đó, công ty dầu mỏ nhà nước, PDVSA, đã xây dựng bệnh viện và trường học, dựng trại hè và cung cấp đồ chơi Giáng sinh cho cư dân.

Giờ đây, dầu thấm ra từ các đường ống xuống cấp nằm dưới lòng hồ, bao phủ hầu hết những vùng bờ hồ và biến nước tại Maracaibo trở thành màu xanh neon có thể nhìn thấy từ không gian. Các đường ống bị vỡ nổi trên mặt nước, các mũi khoan dầu gỉ sét và chìm xuống nước. Những con chim phủ đầy dầu vùng vẫy để bay lên. Đấy là khung cảnh quen thuộc và dễ thấy ở hồ nước lớn nhất Nam Mỹ lúc này.

Các tổ chức theo dõi vấn đề môi trường tại địa phương cho biết, việc bảo trì kém đối với máy móc và nhiên liệu sản xuất ở các nhà máy lọc dầu gần hồ Maracaibo - hồ nước lớn nhất Nam Mỹ với diện tích 1.300 km2 nằm trên vùng duyên hải phía bắc Venezuela, đã dẫn đến sự gia tăng các vụ tràn dầu, làm ô nhiễm Cabimas và các cộng đồng khác dọc bờ biển.

Hệ lụy môi trường từ ngành dầu mỏ của Venezuela -0
Dầu tràn ra đất canh tác ở ngoại ô Cabimas, một thành phố nằm gần hồ Maracaibo. Ảnh: New York Times

Một báo cáo mới được xuất bởi bởi tổ chức có tên Đài quan sát Sinh thái chính trị (OEP) của Venezuela cho biết nước này đã chứng kiến sự gia tăng các vụ tràn dầu và rò rỉ khí đốt vào năm 2022 mà không có dấu hiệu nào cho thấy vấn đề sẽ được giải quyết triệt để.

Số liệu của OEP cho biết có ít nhất 86 vụ tràn dầu và rò rỉ khí đốt ở Venezuela vào năm ngoái, tăng đáng kể so với 77 vụ tràn vào năm 2021. Sự cố tràn thường là kết quả của các đường ống và thùng chứa hiếm khi được kiểm tra định kỳ chứ chưa nói đến việc sửa chữa.

Các cộng đồng cư dân sống gần những nhà máy lọc dầu là những người hiểu rõ nhất ảnh hưởng của những sự cố như thế. Chuyện của anh em nhà Méndez - Miguel 16 tuổi, Diego 14 tuổi và Manuel 13 tuổi, những người sống tại Cabimas, thành phố trên bờ hồ Maracaibo là một ví dụ.

Đều đặn, vào lúc 5 giờ sáng hàng ngày, 3 anh em Miguel, Diego và Manuel gỡ lưới đánh cá, rũ sạch chúng rồi chèo vào vùng nước ô nhiễm của hồ Maracaibo, với hy vọng bắt đủ cá tôm để nuôi sống bản thân cùng bố mẹ và em gái của họ.

Cất xong mẻ lưới, họ dùng xăng để rửa sạch dầu trên da. Lượng cá thu được ngày càng ít, nhưng cha của các cậu bé, ông Nelson Méndez, 58 tuổi, cũng từng là một ngư dân, cho biết, ông không chỉ lo lắng về sản lượng cá mà còn rất sợ việc bị bệnh khi ăn tôm cá đã nhiễm độc trên hồ.

Nhưng ông Mendez cuối cùng vẫn phải gạt bỏ nỗi sợ sang một bên, khi cái đói lên tiếng. 10 năm trước, ông được PDVSA thuê để giúp làm sạch sự cố tràn dầu trên hồ. Nhưng công việc này đã làm hỏng thị lực của ông. Giờ đây, ông Mendez không thể làm gì giúp các con mình, ngoài việc đợi chúng mang tôm cá về từ hồ Maracaibo và cầu nguyện cho chúng không mắc phải bệnh tật gì.

Những hy vọng đang được nhen lên

Sự sụp đổ của ngành công nghiệp dầu mỏ khiến Cabimas, từng là một trong những cộng đồng giàu có nhất ở Venezuela, rơi vào cảnh nghèo đói với tỷ lệ thất nghiệp ngày một cao.

Hệ lụy môi trường từ ngành dầu mỏ của Venezuela -0
Dầu loang phủ kín một góc hồ Maracaibo. Ảnh: EFE

William Gutierrez, người từng làm việc tại công ty dầu khí nhà nước PDVSA chi nhánh Cabimas trong 20 năm, đã tận mắt chứng kiến ngành công nghiệp này của Venezuela đi từ đỉnh cao thịnh vượng đến cảnh nghèo nàn như thế nào.

Sản lượng dầu ở Venezuela đã giảm mạnh hơn 75% trong 10 năm qua, từ hơn 3 triệu thùng mỗi ngày xuống chỉ còn khoảng 700.000 thùng. Cabimas, nơi từng có hàng trăm giếng dầu hoạt động, giờ chỉ còn một số ít đang vận hành. Hầu hết các giàn khoan dầu đã ngừng hoạt động, để lại những dầm thép xám hoen gỉ và bị bỏ hoang.

Gutierrez cho biết, các nhân viên PDVSA rất buồn vì những thay đổi trong công ty mà họ đã cống hiến cả đời. “Đó từng là một công ty tuyệt vời với mọi phúc lợi. Nhưng hiện nay, phần lớn nhân viên chỉ làm việc bán thời gian, sau đó họ về nhà nhận công việc khác làm thêm để trang trải cuộc sống”, Gutierrez phát biểu khi được đài CGTN của Trung Quốc phỏng vấn về tình hình công việc.

Những khó khăn của công nghiệp dầu mỏ Venezuela còn chồng chất hơn khi một cuộc điều tra tham nhũng tại ngành này đã dẫn đến hàng chục vụ bắt giữ và Bộ trưởng dầu mỏ Venezuela, ông Tareck El Aissami, phải từ chức hồi tháng 3 năm nay.

Đến tháng 6 vừa qua, công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA của Venezuela và Maroil Trading - một công ty có trụ sở tại Geneva lại vướng vào một tranh chấp về các khoản thanh toán hợp đồng, dẫn đến việc đình chỉ hầu hết hoạt động xuất khẩu than cốc từ quốc gia Nam Mỹ này.

Nhưng bất chấp nghịch cảnh, ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela vẫn nỗ lực tìm kiếm giải pháp “thoát nghèo” và đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Theo báo Wall Street Journal, tín hiệu lạc quan nhất nằm ở việc chính quyền Tổng thống Joe Biden năm ngoái đã cho phép Chevron, công ty Mỹ cuối cùng sản xuất dầu ở Venezuela, khởi động lại hoạt động khai thác một cách hạn chế, bắt đầu từ tháng 6 năm nay.

Trong khi đó, Reuters đưa tin, PDVSA hôm 20/7 đã ký hai hợp đồng mới để xuất khẩu 1,6 triệu tấn than cốc. Một hợp đồng được ký với công ty Latif Petrol của Thổ Nhĩ Kỳ, với 1 triệu tấn hàng sẽ giao trong nửa cuối năm nay. Hợp đồng còn lại ký với Reussi Trading, một công ty có trụ sở tại St. Vincent và Grenadines, và lịch giao hàng dự kiến kéo dài đến cuối tháng 9.

Chính phủ Venezuela mới đây cũng đàm phán giai đoạn đầu với Liên minh châu Âu (EU) về một dự án trị giá 1,5 tỷ USD nhằm thu gom lượng khí thải metan và xuất khẩu sang EU dưới dạng khí đốt tự nhiên với sự tham gia của hai tập đoàn Eni SpA (Italia) và Repsol SA (Tây Ban Nha).

Theo hãng tin Bloomberg, dự án sẽ được cung cấp một phần tài chính từ quỹ “Sáng kiến Cổng toàn cầu” của EU và có thể tạo ra bước tiến lớn trong việc giảm bớt khí thải từ các giếng dầu nhàn rỗi và cải thiện cơ sở hạ tầng xuống cấp của ngành dầu mỏ Venezuela.

Những dự án như vậy, tất nhiên còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố địa chính trị mới có thể chính thức được triển khai. Nhưng dù sao, những động thái đàm phán hiện nay cũng cho thấy hy vọng cải thiện cuộc sống đã bắt đầu được nhen lên cho những cộng đồng cư dân đang vật lộn vì ô nhiễm dầu tại Venezuela.

https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/he-luy-moi-truong-tu-nganh-dau-mo-cua-venezuela-i702358/

Nguyễn Khánh / antg.cand.com.vn