3.750 con heo được tiêm thuốc an thần kia hẳn là có phước lắm khi được các chủ hàng “đặc ân” cho giấc ngủ êm đềm trước khi chết?! Nhưng liệu chúng ta khi ăn phải thực phẩm bẩn có thể "chết êm ái" vì ngộ độc hóa chất tồn dư?

heo cung duoc chet em ai chung ta thi sao Hàng nghìn con heo nghi bị tiêm thuốc ở lò mổ lớn nhất TP HCM
heo cung duoc chet em ai chung ta thi sao Xuất hiện điểm heo bị bệnh lở mồm long móng ở Cà Mau

Mấy ngày nay, báo chí ồn ào vụ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần ở lò mổ mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM). Chi cục Thú y TP.HCM, đoàn liên ngành đang xử lý vụ việc và yêu cầu 17 cán bộ thú y phải giải trình để làm rõ chân tướng sự việc.

Cá nhân tôi thấy rằng, cán bộ thú y thật có tâm khi “để cửa” cho những chú heo được… “chết êm ái”. 3.750 con heo được tiêm thuốc an thần kia hẳn là có phước lắm khi các chủ hàng “đặc ân” cho giấc ngủ êm đềm trước khi chết?!

Chợt nghĩ, người tiêu dùng như tôi và cộng đồng cũng nên mừng vì có một ngày chúng ta không còn phải canh cánh nỗi lo thực phẩm bẩn, rau ngâm hóa chất, thịt ướp chất bảo quản nữa. Không những thế, sự ám ảnh về bệnh tật (bệnh hô hấp, tiêu hóa, ung thư…) cũng sẽ được loại bỏ khi chúng ta được thưởng thức món ngon mang thương hiệu “heo êm ái”. Tôi tin, những thứ lo ngại hay đau đớn từ nguồn thực phẩm bẩn gây ra cũng trở nên phù du khi người tiêu dùng đã có sẵn liều thuốc… an thần.

heo cung duoc chet em ai chung ta thi sao

3.750 con heo bị phát hiện tiêm thuốc an thần tại lò mổ (Ảnh Thanh Niên).

Dẫu rằng nể phục tầm nhìn xa của chủ hàng nhưng tôi cũng băn khoăn lắm, tại sao một lò mổ quy mô lớn như vậy lại có thể phớt lờ luật. Sự thật chỉ được phơi bày khi lực lượng trinh sát mật phục cả tháng trời mới bắt quả tang 2 nhân viên đang tiêm thuốc an thần cho heo.

Không chỉ tiêm thuốc trực tiếp, lò mổ còn áp dụng công nghệ tiêm tự động theo kiểu truyền dịch cho hàng nghìn con heo. Không thể tin nổi, đoàn kiểm tra đã lấy 4 mẫu thuốc và khoảng 140 mẫu nước tiểu đại diện cho lô heo để xét nghiệm chất acepromazine (chất an thần). Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu thuốc an thần tại hiện trường có hàm lượng chất acepromazine từ 0,47-0,51mg/ml, rất đậm đặc và sự có mặt của acepromazine trên nước tiểu của heo.

Các kết quả xét nghiệm đã được công bố với 13 chủ hàng, họ đã thừa nhận hành vi vi phạm và cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính. Có 11 chủ hàng bị phạt 32,5 triệu đồng (mức bình quân) do thành khẩn khai báo và 2 trường hợp bị phạt kịch khung là 35 triệu đồng do không thừa nhận hành vi từ đầu. Tổng cộng mức phạt dành cho 13 chủ hàng là 427,5 triệu đồng.

Hình thức xử lý sai phạm đã được đưa ra nhưng bản thân người viết cũng không thể mường tượng ra cảnh cán bộ thú y “bắt tay” với chủ hàng (nếu có) hoặc cố tình bỏ qua sai phạm cho lò mổ, chủ hàng.

Sự việc xảy ra, hàng loạt cán bộ thú y phải giải trình (theo như báo chí đưa tin thì có 17 cán bộ thú y phải giải trình), chắc hẳn dư luận không khỏi nghi ngờ khi chừng ấy cán bộ có trách nhiệm tại lò mổ Xuyên Á đều “đồng tâm”, “mũ ni che tai”?

Nhưng thử hỏi, nếu một ngày số heo đã “chết êm ái” kia quay vòng đến tay những người tiêu dùng “thông thái” là người thân của các vị cán bộ thú y cũng như chủ lò mổ, chủ hàng kia… thì mọi chuyện sẽ ra sao? Cán bộ thú y, chủ hàng có lo lắng cho sức khỏe của người thân họ hay ung dung đứng nhìn vì đã có thuốc an thần chống… “sốc”?

Thế mới hay, vì lợi nhuận, vì một lý do nào đó mà nhiều người đã bất chấp đến sự an toàn của đồng loại. Trước đây, các đối tượng tiêm thuốc trên đường vận chuyển, khi đến lò giết mổ thú y sẽ phát hiện qua dấu hiệu của con heo. Nay các đối tượng chuyển qua tiêm thuốc an thần tại khu lưu giữ trong lúc cán bộ tập trung ở cổng để kiểm tra heo nhập về cơ sở. Không những thế, họ còn cho người cảnh giới để báo động khi có lực lượng chức năng “đi tuần”.

Tồn dư thuốc an thần tích trữ trong cơ thể người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến thận, thần kinh- đó là nhận định của các chuyên gia y tế. Nhưng, với số tiền phạt hành chính trên, liệu các chủ hàng, chủ lò mổ cũng như cán bộ thú y lơ là không làm hết trách nhiệm có thể mang lại cho người tiêu dùng một tấm “chứng chỉ niềm tin”?

Kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác. Thiết nghĩ, nếu vẫn còn những người sẵn sàng bất chấp tất cả để trục lợi thì ắt hẳn dự báo của một ĐBQH “đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế” sẽ thành sự thật và con người cũng chẳng thể “chết êm ái”.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

http://www.nguoiduatin.vn/heo-cung-duoc-chet-em-ai-chung-ta-thi-sao-a340818.html

/ Hương Lan/nguoiduatin.vn