Bất chấp nhiều nỗ lực cứu vãn, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tiếp tục lún sâu trong tình trạng ảm đạm, thậm chí đối mặt nguy cơ suy thoái kỹ thuật lần thứ hai trong năm 2023. Khả năng này ngày càng dễ trở thành hiện thực trong bối cảnh thế giới phát sinh nhiều bất ổn...
Dữ liệu tăng trưởng kinh tế của eurozone do Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố cho thấy, kinh tế của 20 nước trong khối một lần nữa chìm giữa khó khăn, khi trở lại suy giảm 0,1% trong quý III-2023. Trước đó, kinh tế eurozone đã suy thoái kỹ thuật lần đầu tiên ở quý đầu năm 2023 khi phải chật vật ứng phó tình trạng lãi suất cao, giá năng lượng tăng và sự suy thoái toàn cầu.
Sự thụt lùi của kinh tế eurozone diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khởi sắc với mức tăng 0,1% trong cùng kỳ. Điều này đồng nghĩa, các quốc gia không sử dụng đồng euro đang gánh một phần lớn trọng trách nâng đỡ nền kinh tế toàn khu vực, với điển hình là Latvia (tăng trưởng 0,6%). Trong khi đó, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, tăng trưởng kinh tế Đức đã giảm 0,1% trong quý III-2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Về phần mình, nền kinh tế Áo giảm 0,6%, Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu - chỉ tăng 0,1%, trong khi nền kinh tế Italia chững lại ở mức 0% và được cho là gần rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, dữ liệu của Eurostat cũng cho thấy một điểm sáng. Đó là lạm phát của eurozone giảm từ mức 4,3% của tháng 9-2023 xuống còn 2,9% trong tháng 10-2023, thấp hơn so với dự báo trước đó là trên 3%. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 7-2021 (2,2%), và giảm so với mức đỉnh điểm 10,6% của tháng 10 năm ngoái - thời điểm giá năng lượng tăng kỷ lục do tác động của xung đột Nga - Ukraine. Theo Eurostat, giá năng lượng trong tháng 10 vừa qua tiếp tục giảm mạnh, xuống còn 11,1% so với tháng trước. Đà tăng giá thực phẩm và đồ uống cũng chậm lại, tăng 7,5% trong tháng 10 so với mức tăng 8,8% trong tháng 9.
Lạm phát giảm nhưng kinh tế không tăng trưởng cho thấy, thực trạng nền kinh tế eurozone vốn phụ thuộc vào công nghiệp sản xuất vẫn đang bế tắc đầu ra trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm. Tại Đức, sản xuất chế tạo chậm lại, thể hiện qua mức độ điện năng sử dụng trong thời điểm này thấp hơn khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài Đức, Hà Lan và Ireland cũng là những nước chịu tác động rõ nét từ việc xuất khẩu bị bóp nghẹt. Trong đó, nền kinh tế Ireland quý vừa qua có mức giảm cao nhất (1,8%). Trước đó, năm 2022 đã chứng kiến châu Âu xuất khẩu được tới 2.800 tỷ euro giá trị hàng hóa, trong đó có hơn 1/3 là xe hơi và máy móc thiết bị với giá trị xuất khẩu chiếm tới 22% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngay trong nội bộ EU lúc này, lạm phát hạ nhiệt nhưng người tiêu dùng vẫn thận trọng khi chi tiêu, do lo ngại những diễn biến bất thường có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Với kết quả quý III-2023 không mấy sáng sủa, động lực kinh tế khu vực còn yếu và tiền lương chưa bắt kịp lạm phát, nền kinh tế eurozone được dự báo đứng trước nguy cơ suy thoái lần thứ hai trong năm nay. Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde bày tỏ quan ngại cuộc xung đột giữa Israel và Hamas có thể khiến nguy cơ giá năng lượng bất ổn, tiếp tục bị "đổ dầu vào lửa". Ngay cả khi kinh tế khu vực tránh được suy thoái, giới chuyên gia cho rằng, thời kỳ phục hồi vẫn là thứ gì đó xa vời. Hiện tại, ECB đang duy trì dự đoán nền kinh tế eurozone sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay, lạc quan hơn nhiều so với con số 0,4% của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Trong nỗ lực bảo đảm sức sống cho nền kinh tế, ECB ưu tiên mục tiêu giảm lạm phát, với biện pháp chính là duy trì lãi suất cơ bản ở mức đủ cao để kéo lạm phát xuống và đủ thấp cho hoạt động kinh tế của khu vực không thụt lùi. Trong kỳ điều chỉnh gần nhất, ngân hàng này đã chọn giữ nguyên lãi suất, phá vỡ chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp.
Nhìn chung, nền kinh tế eurozone sẽ còn phải đối mặt với áp lực lớn trong phần còn lại của năm 2023. Trong bối cảnh thế giới ngày càng phát sinh nhiều bất ổn có thể trực tiếp đe dọa tới kinh tế châu Âu, hơn bao giờ hết, các cơ quan xây dựng chính sách và nhà điều hành tại Lục địa già phải thận trọng theo dõi “nhất cử, nhất động” tại các "điểm nóng" và có những biện pháp ứng phó thích hợp.