Nể nang, ít thẩm tra tính chính xác thông tin kê khai của ứng viên giáo sư, phó giáo sư, nhiều đại học cho biết đang nghiêm khắc kiểm điểm. 

"Thầy muối mặt lắm. Mấy hôm nay đi đâu cũng xấu hổ", hiệu trưởng một trường đại học có tiếng tại Hà Nội than sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai danh sách 31 đơn vị xác nhận không chuẩn xác hồ sơ cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Trường đã xác nhận giờ giảng dạy cho 3 giảng viên thỉnh giảng để đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và đều bị thanh tra Bộ Giáo dục kết luận "không chính xác".

"Có hợp đồng ghi số giờ giảng dạy lớn hơn thực tế; một giảng viên thỉnh giảng ký hợp đồng với trường, nhưng có khoảng thời gian nhờ người khác dạy...", hiệu trưởng liệt kê một số sai phạm trong xác nhận hồ sơ của trường.

Theo Thông tư 16 năm 2009, khi xác nhận giờ giảng cho ứng viên thỉnh giảng cần hợp đồng, nhận xét của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học, hoặc thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, đại học này không giữ hợp đồng thỉnh giảng của các ứng viên, phòng tài vụ cũng không lưu giấy tờ thanh toán, thanh lý hợp đồng. Cấp ký xác nhận hồ sơ ứng viên là khoa chứ không phải Ban giám hiệu.

hieu truong dai hoc tran tinh viec xac nhan sai ho so ung vien giao su

31 đơn vị xác nhận không chính xác hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017.

"Thực lòng mà nói không chỉ trường tôi, các trường khác nhiều năm nay xác nhận hồ sơ cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư đều trên tinh thần đồng chí đồng nghiệp. Toàn là anh em, bạn bè đã gắn bó, hợp tác giảng dạy lâu năm với trường mà họ xin chữ ký, chẳng lẽ mình không cho", hiệu trưởng nói.

Khẳng định việc xuê xoa xác nhận không chính xác giờ giảng dạy cho giảng viên thỉnh giảng là sai và "không thể bào chữa", Hiệu trưởng trường đại học cho biết, sẽ nghiêm khắc kiểm điểm bản thân và cán bộ trực tiếp ký xác nhận cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017. "Những năm sau, dù là người nhà chúng tôi cũng không dễ dàng xác nhận hồ sơ", ông nói.

Trường xác nhận giờ giảng nhưng giờ đó có được tính là chuẩn sẽ do hội đồng giáo sư cấp cơ sở quyết định

Viện Đại học Mở Hà Nội có tên trong danh sách 31 đơn vị xác nhận hồ sơ không chính xác cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư. Viện trưởng Nguyễn Tiến Tùng thừa nhận sai sót do cấp khoa ký xác nhận, ông không được thông báo.

Hai ứng viên chức danh phó giáo sư ngành Sinh trường này xác nhận hồ sơ, được ông Tùng khẳng định có giảng dạy. Họ vừa dạy thỉnh giảng ở trường, vừa hướng dẫn kiến tập tốt nghiệp cho sinh viên tại phòng thực hành của đơn vị họ công tác. Thời gian đứng lớp giảng dạy của hai người, Viện Đại học Mở Hà Nội lưu đầy đủ chứng từ, gồm hợp đồng thỉnh giảng, thanh toán...

Theo Viện trưởng Tùng, khi được ứng viên nhờ xác nhận giờ hỗ trợ sinh viên ở phòng thí nghiệm, cấp dưới của ông đã ký theo đúng thông tin cơ sở này lưu trữ. Việc sử dụng xác nhận đó vào việc gì là quyền của ứng viên. Thời gian họ hỗ trợ ở phòng thí nghiệm có được chấp nhận là giờ giảng dạy chuẩn và quy đổi thành điểm là quyền của hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở. Hai ứng viên không nộp hồ sơ đăng ký công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư tại Hội đồng Viện Đại học Mở Hà Nội, nên hội đồng của trường không thể thẩm định và đánh giá hồ sơ kê khai đúng hay sai.

"Quan điểm khi xác định giờ giảng quy đổi thành điểm để xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, là giờ đó phải có thanh toán. Tuy nhiên, giờ thực hành ở phòng thí nghiệm là kiến tạo cho sinh viên tốt nghiệp chứ không phải hướng dẫn đồ án tốt nghiệp. Nội dung này không có trong quy định được thanh toán. Đây là vướng mắc mà đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục nhìn nhận ở góc độ hành chính, thấy rằng không hợp lý", ông Tùng giải thích.

Việc hỗ trợ sinh viên ở phòng thí nghiệm của hai ứng viên chức danh phó giáo sư được Viện trưởng Đại học Mở Hà Nội ví von như mặt hàng khuyến mại, không có trong hóa đơn thanh toán mua hàng. Việc hàng khuyến mại đó có được xem là một hàng hóa, như các mặt hàng có ghi trong hóa đơn hay không, là tùy cách nhìn nhận của mỗi người. "Ở đây chúng tôi tình ngay nhưng lý khó giải thích thỏa đáng được", ông Tùng nói.

Viện trưởng Tùng nhận trách nhiệm và tự kiểm điểm bằng cách không tăng lương, trừ khen thưởng trong năm nay. Với cán bộ ký xác nhận hồ sơ không chuẩn xác cho ứng viên, hội đồng nhà trường sẽ có hình thức xử lý phù hợp.

Kiến nghị ghi rõ mức độ sai phạm của cơ sở giáo dục

Đại học Văn Hiến (TP HCM) năm 2017 xác nhận giờ giảng dạy cho một giảng viên thỉnh giảng ở trường hơn 10 năm trước. Đại diện trường cho biết chỉ xác nhận việc ứng viên từng giảng dạy ở khoa Kỹ thuật công nghệ với thời gian cụ thể. Thông tin này vẫn được trường lưu trữ qua file mềm bảng điểm, chứng nhận hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên. Riêng sổ đầu bài chỉ có bản cứng, được lưu trong kho cùng rất nhiều dữ liệu khác, sau 10 năm với 4 lần chuyển địa điểm, trường Văn Hiến chưa tìm được.

Dù đã ký xác nhận vào biên bản làm việc với thanh tra Bộ Giáo dục là "thiếu minh chứng" giờ giảng dạy khi xác nhận cho ứng viên, đại diện Đại học Văn Hiến cho rằng, thiếu sót này là do khách quan. Việc ứng viên đưa thời gian thỉnh giảng 10 năm trước ở trường vào hồ sơ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, trong khi quy định tính thâm niên cho ứng viên là 6 năm, lỗi này thuộc cá nhân người nộp hồ sơ.

Việc bị đưa vào danh sách 31 cơ sở xác nhận không chính xác hồ sơ cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017, không nêu rõ mức độ sai phạm, khiến trường bị ảnh hưởng và phải truyền thông nội bộ để cán bộ, giảng viên bớt hoang mang.

Ngày 2/2, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Số người đạt tiêu chuẩn gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015 khiến dư luận nghi ngại chất lượng của ứng viên trong "chuyến tàu vét" trước khi có quy định tiêu chuẩn mới.

Ngày 8/2, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục - Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước - xem xét, rà soát kỹ lưỡng đảm bảo chất lượng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Kết quả 41 người chưa đủ điều kiện để công nhận và một số trường hợp xin rút.

Chiều 5/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra văn bản yêu cầu chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của các đại học, học viện trong việc mời giảng viên thỉnh giảng, quản lý, đánh giá chất lượng hoạt động thỉnh giảng. Bộ khẳng định sai sót chủ yếu nằm ở ba khâu.

Thứ nhất, ứng viên kê khai hồ sơ thiếu chuẩn xác, thiếu minh chứng cụ thể. Thứ hai, cơ sở giáo dục đại học xác nhận thông tin do ứng viên kê khai chưa chặt chẽ. Thứ ba, các hội đồng chức danh giáo sư cơ sở, hội đồng chức danh giáo sư ngành/liên ngành thẩm định hồ sơ ứng viên chưa kỹ càng.

31 đơn vị xác nhận hồ sơ không chính xác đã bị bêu tên. Các đơn vị được yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót, kết quả báo cáo về Bộ trước ngày 30/4.

hieu truong dai hoc tran tinh viec xac nhan sai ho so ung vien giao su \'Lào muốn Việt Nam tư vấn xây dựng quy trình xét và phong GS, PGS\'

Lào đang muốn kết nối với các hội đồng giáo sư của Việt Nam với mong muốn nhận được tư vấn trong việc xây dựng ...

hieu truong dai hoc tran tinh viec xac nhan sai ho so ung vien giao su Xác nhận sai giờ giảng cho ứng viên giáo sư, 31 đơn vị bị xử lý

Trong 31 đơn vị xác nhận sai giờ giảng cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017, có nhiều trường đào tạo y khoa.

hieu truong dai hoc tran tinh viec xac nhan sai ho so ung vien giao su Rà soát xét giáo sư năm 2017: \'Sai sót gây bức xúc dư luận xã hội\'

Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho rằng việc phải rà soát lại xét phong giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là ...

/ https://vnexpress.net