Các nhà thiên văn lần đầu chụp thành công ảnh màu của thiên thể tới từ hệ sao khác đang bay tới gần Mặt Trời.
Sao chổi C/2019 Q4 (Borisov) trong ảnh chụp từ kính viễn vọng Gemini North. Ảnh: Science Alert. |
Sao chổi C/2019 Q4 (Borisov), thiên thể thứ hai du hành liên sao tới hệ Mặt Trời, lọt vào ống kính máy quang phổ đa vật thể Gemini của kính viễn vọng Gemini North tối ngày 9-10/9. Đây là thiên thể đầu tiên loại này được chụp thành công bằng ảnh màu. Bức ảnh thể hiện vệt đuôi rõ ràng của C/2019 Q4 (Borisov), giúp xác nhận đây là một ngôi sao chổi.
Andrew Stephens, nhà nghiên cứu tại Đài thiên văn Gemini (gồm hai kính viễn vọng Gemini Nortj và Gemini South đặt tương ứng ở Hawaii và Chile), chịu trách nhiệm điều phối việc chụp ảnh. Bức ảnh màu được tạo ra bằng cách kết hợp các quan sát ở hai dải màu của Gemini. Đây là một phần dự án của nhà thiên văn học Piotr Guzik và Michal Drahus ở Đại học Jagiellonian tại Krakow, Ba Lan, nhằm chụp ảnh những mục tiêu thiên văn học đem đến cơ hội nghiên cứu.
Hiện nay, C/2019 Q4 đang gần tới vị trí biểu kiến của Mặt Trời nên rất khó quan sát. Trong vài tháng tới, đường bay hình hyperbol của nó sẽ mang tới điều kiện quan sát thuận lợi hơn. Chính đường bay này khiến các nhà thiên văn học kết luận chắc chắn C/2019 Q4 có nguồn gốc từ ngoài hệ Mặt Trời và những quan sát trong tương lai có thể hé lộ nhiều hơn về thành phần cấu tạo của nó.
Do tiểu hành tinh và sao chổi là vật liệu còn sót lại từ quá trình hình thành hệ Mặt Trời, việc hiểu rõ cấu tạo sao chổi C/2019 Q4 sẽ cho phép các nhà thiên văn học khám phá xuất xứ của nó. Giới nghiên cứu cũng có nhiều thời gian tìm hiểu hơn do phát hiện sớm thiên thể này. Khi 'Oumuamua, vật thể du hành liên sao đầu tiên được tìm thấy, nó đã đi qua điểm gần Mặt Trời nhất và bay quá Trái Đất trên đường ra khỏi hệ sao của chúng ta.
An Khang (Theo Science Alert)