Có thể nói, công trình Trại giam Công an TP Hà Nội được xây dựng với tốc độ kỷ lục, bởi lẽ, Trại Hỏa Lò cũ phá đi sớm ngày nào thì công trình Hanoi Tower được động thổ sớm ngày ấy, mà với dân kinh doanh, thời gian là tiền bạc.

III - Hành trình chọn đất xây trại mới

Phải xây dựng một trại giam mới hiện đại hơn, đảm bảo được điều kiện sinh hoạt cho phạm nhân và nơi ăn chốn ở của CBCS, đó là điều được nhất trí cao từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ như Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt...

Nhưng việc sử dụng khu Hỏa Lò cũ để liên doanh với nước ngoài xây dựng siêu thị, khách sạn... thì vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều cán bộ lão thành cách mạng, đặc biệt là từ các cán bộ đã từng bị thực dân Pháp bắt giam tại đây qua những thời kỳ của cách mạng.

Các vị lão thành cách mạng cho rằng, nhà tù Hỏa Lò phải được giữ nguyên bởi vì đó là chứng tích cho tội ác của thực dân Pháp, là nơi chứng kiến tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của các nhà yêu nước, các chiến sĩ cách mạng. Giữ lại nhà tù Hỏa Lò để làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau là việc làm rất nên. Và cũng có một ý kiến rất hay rằng nên xây dựng hoặc cải tạo Hỏa Lò thành một trường... đại học, mà mỗi buồng giam là một lớp học.

Tuy nhiên, Hà Nội khi đó mới bước vào thời kỳ mở cửa, rất cần có những liên doanh lớn để phát triển kinh tế, cho nên, mục tiêu “cơm áo, gạo tiền” đã được đưa lên hàng đầu. Nhưng cũng không thể san bằng Hỏa Lò đi mà xây khách sạn được, cho nên Chính phủ quyết định là giữ lại một phần Hỏa Lò làm khu di tích cách mạng còn lại thì để xây dựng tòa “Tháp Hà Nội” và đó là công trình nhà cao tầng quy mô nhất thủ đô vào thời điểm đó.

Thành ủy Hà Nội đã tổ chức gặp gỡ để “làm công tác tư tưởng” cho các đồng chí cựu tù chính trị Hỏa Lò, nhưng “không ăn thua”. Cuối cùng, chính đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, cũng là một cựu tù chính trị ở Hỏa Lò đứng ra giải thích, lúc đó, các cụ mới “thông”.

Cũng trong thời gian vào cuối năm 1989, việc chọn đất xây dựng trại giam mới được gấp rút tiến hành.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội giao cho ông Trương Tùng, Phó Chủ tịch UBND cùng Ban Giám đốc Công an Hà Nội mà trực tiếp là Đại tá Vũ Đình Hoành đi chọn đất xây dựng trại giam, tất nhiên, còn có chỉ huy Phòng Hậu cần, Phòng Cảnh sát điều tra, Cảnh sát Hình sự và không thể thiếu được Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc, Giám thị Trại giam Hỏa Lò.

Cấp trên yêu cầu nơi được chọn làm trại giam phải xa Hà Nội, phải rộng rãi, có đủ đất tăng gia, sản xuất, có điều kiện môi trường tốt và càng... xa dân càng hay. Từ suy nghĩ đó, nơi đầu tiên mà UBND thành phố giới thiệu lựa chọn là một khu đất rộng mênh mông thuộc huyện Sóc Sơn, gần giáp dãy núi Tam Đảo. Từ Hà Nội mà đến được nơi này, ôtô chạy hết gần... 2 giờ đồng hồ.

Nhìn khu đất cằn cỗi lại heo hút và không có... nước, hai người đầu tiên chán đến... tận cổ là Đại tá Hoành và Thượng tá Hoắc. Ông Trương Tùng ngẩn người trước những câu hỏi mà phía công an đặt ra: Nếu đặt trại giam ở đây thì việc dẫn giải phạm nhân đi xét xử, đi chuyển trại, việc đưa phạm nhân từ các quận, huyện của Hà Nội về đây sẽ như thế nào? Xăng dầu ở đâu ra để đi? Thời gian cho các việc khác ra sao?

Chả lẽ mỗi lần xử án lại dựng phạm nhân dậy từ... 5h sáng để “hành quân” về Hà Nội cho kịp buổi? Rồi cán bộ điều tra, kiểm sát viên, cán bộ tòa án... mỗi lần muốn gặp phạm nhân phải đi hàng chục cây số như thế, tiền đâu ra mà mua xăng? Chả lẽ bên cạnh việc xây dựng trại giam lại phải xây thêm một khu khách sạn “miễn phí” dành cho cán bộ các cơ quan tố tụng? Thấy rõ những điều quá bất hợp lý, ông Trương Tùng lại dẫn anh em đi chọn nơi khác.

Lần này, điểm được chọn là khu Nông trường Đông Anh 1.

Nhưng mới nhìn qua, các anh em công an cũng thấy không ổn. Nơi đây tuy có gần hơn Sóc Sơn nhưng cũng là hơn ba chục cây số. Đường sá đi vào khu này rất bất tiện và là cánh đồng chiêm trũng, cho nên nếu vào mùa mưa thì việc đi lại sẽ rất khó khăn. Địa điểm thứ hai này cũng bị gạt ra.

Cuối cùng, đoàn đến khu nuôi lợn của Sở Thương nghiệp thành phố bị bỏ hoang suốt từ năm 1986, nằm ở cuối xã Xuân Phương, cách bãi rác Cầu Ngà có hơn cây số. Khu đất này rộng hơn 10 hécta và có đầy đủ các điều kiện cho một trại giam mới. Nơi đây không quá xa thành phố, lại cũng không quá gần dân; có đủ đất xây nhà giam, lại cũng có đất để tăng gia sản xuất. Và một điều kiện "lý tưởng" nữa là nơi đây còn có... đất để làm... trường bắn.

Việc làm thủ tục cấp đất xây dựng trại, rồi duyệt thiết kế và trình Chính phủ phê duyệt, cấp vốn được tiến hành nhanh chóng. Chỉ một năm sau khi chọn đất, vào một ngày trung tuần tháng 10/1992, việc xây dựng được tiến hành. Sở Xây dựng Hà Nội được giao nhiệm vụ tổ chức thi công. Sở đã huy động 12 công ty xây dựng của Nhà nước và tư nhân tham gia xây dựng công trình. Tổng số vốn đầu tư được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt là 53 tỉ đồng.

Nhà giam Hà Nội được giao mặt bằng đúng 10 hécta, trong đó diện tích xây dựng là 16.000m2 (lấy tròn số). Nhà giam được cấu trúc như sau: Tầng 1 là dành cho các buồng giam riêng, tầng 2 là buồng giam chung. Có 88 buồng giam chung với diện tích mỗi buồng là ngót 80m2, 136 buồng giam riêng có diện tích 12m2; có 13 buồng dành cho phạm tự giác... Ngoài ra còn có khu bệnh xá, nhà hỏi cung (65 buồng); hội trường, nhà làm việc của CBCS, nhà tiếp gia đình phạm nhân, khu nhà ăn, ở của CBCS...

Nói tóm lại là nếu so với trại Hỏa Lò cũ thì đúng là cách nhau một trời một vực. Khu trại mới hoàn thành sẽ chấm dứt cảnh chật chội, khổ sở của phạm nhân trong các buồng giam, chấm dứt cảnh CBCS ở khổ... như phạm; chấm dứt tình trạng suy giảm sức khỏe do ô nhiễm môi trường trong trại.

Nhưng lại có một thực tế khách quan khác, đó là trại ở “hơi" gần bãi rác Cầu Ngà. Ban đêm, xe chở rác chạy nườm nượp vào đổ rác và mùi của bãi rác theo gió tống vào trại đến ngột ngạt.

Về khu đổ rác này, trước đây, trong phóng sự “Nghề coi tù” in trên ANTG năm 1998, tôi cũng đã mô tả khá kỹ. Xin mạn phép bạn đọc trích lại một đoạn:

“Đêm. Mưa phùn bay mờ trời đất. Ánh trăng suông tỏa nhợt nhạt trên khu trường bắn.

Nếu không có tiếng ì ầm của xe chở rác thì ta dễ nghĩ nơi này là ở vùng rừng núi nào đó. Chúng tôi ngồi trong căn nhà nhỏ nằm cách nơi tử tù phải đứng dựa cột chỉ vài chục bước chân với chai rượu “cuốc lủi” nồng hơi cồn và đĩa lạc rang.

- Uống đi anh. Thú thật, bọn tôi ở đây thỉnh thoảng cũng phải làm vài chén rượu cho vui và cũng phải dùng rượu để chống lại sự ô nhiễm ở đây - Đại úy Hòa, một người có gương mặt khắc khổ nói.

Và như để chứng minh cho lời anh, một cơn gió thốc tới, hắt vào mũi tôi cái mùi... cái mùi... không thể tả được. Đó là mùi xú uế bốc lên từ hàng trăm ngàn tấn rác đang chất như núi phía bên kia trường bắn. Đống rác đó đang bốc hơi ngùn ngụt như sương mù và bị rách ra bởi những luồng đèn pha của dòng xe chở rác đang nối đuôi nhau vào bãi.

Tợp một hơi rượu để chặn lại cái mùi khủng khiếp kia, tôi nhăn nhó hỏi anh:

- Ngày nào cũng thế này à?

- Hôm nào có gió đông nam thì đỡ. Khổ nhất là khi có gió tây hay trời im gió. Nhưng khi ấy, dù có phi hành mỡ cho cháy cạnh đổ vào bát cơm cũng không át được mùi rác. Về nhà tắm kỹ rồi mà vợ còn khiếp không dám nằm gần. Anh tính, ngày nào cũng coi như được “ướp hương” thì còn gì là người nữa.

Ngừng một lát, anh thở dài:

- Vậy mà hàng ngày vẫn có một trăm năm chục con người đang lặn ngụp trong đống rác đó để bới từng cái vỏ lon bia, từng mảnh nilon. Ờ mà lạ thật, trẻ con phải sinh ra và lớn lên ở bãi rác cứ phải lăn vào để sống mà tồn tại mà đứa nào cũng béo trùng trục...

...Tôi hỏi anh Tuấn:

- Sao các anh không nuôi con gà, con chó cho vui?

Mọi người cười ồ lên. Hóa ra, khu trường bắn bị ô nhiễm đến mức chỉ có ruồi, lợn và... người sống nổi. Ruồi ở đây được anh em gọi là “ong nội”. Chúng phát triển nhiều đến mức không còn cách gì “kế hoạch hóa được”. Chuyện rằng, có anh đến đây ngồi uống bia với bạn. Một con ruồi sa vào cốc bia, anh ta mừng rú lên: “Có lộc rồi” và ngửa cổ uống cạn. Cốc bia sau được rót ra, anh ta chưa kịp uống thì cả một đàn ruồi dăm con lao vào... thế là anh ta ói luôn ra bia và cả con ruồi... lộc kia.

Ruồi ở đây lỳ lợm đến mức đuổi không thèm bay. Mùa hè, nhiều hôm anh em phải ăn cơm trong màn. Thỉnh thoảng, bên Công ty Môi trường phun thuốc khử trùng, ruồi chết như rắc đậu đen trên mặt đất. Gà ăn ruồi nhiều cũng phình diều lên mà... toi. Anh em cố nuôi chó cho đỡ quạnh nhà, nhưng con nào giỏi thì sống được ba tháng rồi cứ chảy nước mắt, chệnh choạng đi như gã say rượu và lao xuống hồ, lặn vài ngày mới thấy nổi phềnh lên.

Chó gà không nuôi được thì nuôi chim - nghĩ vậy, anh em mua khướu về nuôi. Nhưng cũng chỉ sau vài ngày hít... hương bãi rác, khướu ta cũng mỏi cổ, câm bặt rồi không ăn uống và rũ xuống...”.

(Hiện nay, bãi rác đã bị đóng cửa, cho nên nạn ô nhiễm môi trường ở trại giam đã cơ bản chấm dứt).

Bao quanh trại là một bức tường bêtông cao ngót 5m và bên ngoài còn có một hào nước rộng 5m chạy quanh... Bên ngoài nữa là khu vườn rau, khu chăn nuôi và khu hồ thả cá. Do đất đai rộng rãi nên trong trại mới xây dựng còn có cả một khu vườn hoa khá đẹp. Vì nơi đây chưa có nguồn nước của thành phố cho nên phải sử dụng nước giếng khoan ở độ sâu 56m. Nước được bơm lên tháp ở độ cao 21m rồi được lọc qua để sử dụng. Viện Vệ sinh dịch tễ đã lấy nước ở đây đi xét nghiệm và khẳng định là đủ tiêu chuẩn để sinh hoạt.

Cũng phải nói thêm là sau này, vào năm 2001, khi xảy ra vụ hai gã tử tù là Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam dùng lưỡi dao lam cưa chấn song, dùng bánh răng bật lửa mài khóa chân trốn thoát thì có dư luận cho rằng sắt thép làm nhà giam, theo thiết kế là dùng sắt CT3 Thái Nguyên, đã bị tráo bằng sắt tái chế. Công an Hà Nội đã phải trưng cầu giám định và kết quả cho thấy không đúng như lời đồn đại.

Trong quá trình xây dựng trại giam mới, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, lãnh đạo Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ đã nhiều lần đến kiểm tra. Có thể nói, công trình được xây dựng với tốc độ kỷ lục, bởi lẽ, Trại Hỏa Lò cũ phá đi sớm ngày nào thì công trình Hanoi Tower được động thổ sớm ngày ấy.

Khởi công giữa tháng 10/1992, nhưng đến cuối tháng 2/1994 thì cơ bản đã xong và có thể “đón” phạm nhân từ Hỏa Lò cũ về nơi ở mới. Tuy nhiên, trước ngày chuyển phạm nhân khoảng 20 ngày, Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc cùng Ban Giám thị đi kiểm tra kỹ lưỡng toàn bộ công trình và phát hiện ra còn khoảng 20 phần việc cần phải giải quyết gấp như: Buồng giam tử tù chưa có bể nước, 600 chiếc khóa cửa chưa dùng được vì lỗ khóa nhỏ hơn móc khóa; buồng giam nữ khu vệ sinh còn trống trải, cần được xây cao; bàn để cơm canh khu bệnh xá, khu bếp chưa có; hệ thống cửa khu bệnh xá chưa đảm bảo an toàn vì bản lề chôn một chiều; chưa có biện pháp chống rét; trạm bơm điều hòa nước chưa có; kho lương thực không có hệ thống chống ẩm v.v... Nhưng quyết tâm của cấp trên là phải chuyển toàn bộ tù nhân về trại mới càng sớm càng tốt.

Ngày 28/2/1992, Đại tá Vũ Đình Hoành có công văn gửi Trung tướng Phạm Tâm Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ báo cáo về việc xin đưa công trình trại giam mới vào sử dụng.

Công văn nêu rõ: Từ ngày 1/3 đến 12/3, bên B (Sở Xây dựng Hà Nội) bàn giao cho bên A (Công an thành phố) các hạng mục công trình. Từ 13/3 đến 30/4/1994, với thời gian thích hợp, Giám đốc Công an thành phố quyết định chuyển phạm nhân ở Trại giam Hỏa Lò đến trại giam mới.

Như vậy là ngày di chuyển được “du di” khá rộng, nhưng không ai biết được là trước đó khá lâu, đã có một người “định” sẵn ngày chuyển trại cho Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc.

Một số hình ảnh trại giam Công an Thành phố Hà Nội:

ho so mot cuoc chuyen tu ky 3
ho so mot cuoc chuyen tu ky 3
ho so mot cuoc chuyen tu ky 3
ho so mot cuoc chuyen tu ky 3
ho so mot cuoc chuyen tu ky 3

(Còn nữa)

ho so mot cuoc chuyen tu ky 3 Hồ sơ một cuộc chuyển tù (Kỳ 2)

Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và TP Hà Nội thấy rất rõ là không thể để Hoả Lò, một khu trại giam lớn, giữa Thủ ...

ho so mot cuoc chuyen tu ky 3 Hồ sơ một cuộc chuyển tù (Kỳ 1)

Trong lịch sử Công an nhân dân Việt Nam, chắc chắn rằng chưa có một cuộc chuyển phạm nhân nào có quy mô lớn như ...

ho so mot cuoc chuyen tu ky 3 Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Khai quật tử thi thành công nhờ kế hoạch điệu hổ ly sơn (Kỳ 4)

Chỉ có duy nhất một biện pháp đó chính là khai thuật tử thi, xét nghiệm thì mới có thể có đáp án cho những ...

Nguyễn Như Phong / An ninh Thế giới