Với diện tích lên tới 500ha, độ đa dạng sinh học cao, xung quanh hồ có tới 64 di tích trong đó 21 đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều địa danh nổi tiếng như: chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đình Yên Phụ, chùa Kim Liên, chùa Tảo Sách, chùa Thiên Niên, chùa Vạn Niên, đền Thủy Trung Tiên…; hồ Tây và các làng cổ ven hồ đang được kỳ vọng trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách của Hà Nội.
 

Những di tích quan trọng bậc nhất

Có lần dạo chơi quanh hồ Tây, nhà thơ Cao Bá Quát đã thốt lên rằng: “Tây Hồ chân cả thị Tây Thi” (Tây Hồ đích thực là nàng Tây Thi). Ca dao xưa thì phủ lên cho cảnh sắc hồ Tây vẻ thơ mộng và lãng mạn: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”. Tháng 9-2010, con đường quanh hồ Tây được chính thức hoàn thành và đi vào sử dụng là cơ hội để phát triển du lịch cho những điểm đến thú vị nằm sát mép sóng hồ.

ho tay dau xua con day
Hoàng hôn ở Hồ Tây

Một trong những địa chỉ du khách không thể bỏ qua là đi lễ và vãn cảnh hồ ở chùa Trấn Quốc. Thời Vua Lý Nam Đế (544-548) lập nước Vạn Xuân, chùa có tên là Khai Quốc, ở bãi Yên Hoa, bên bờ sông Hồng. Đến niên hiệu Đại Bảo, đời vua Lê Thái Tông, chùa được đổi tên thành An Quốc. Đến đời Lê Trung Hưng năm 1615, do bãi sông bị lở gần vào đến chùa, nhân dân phường Yên Hoa (sau này là Yên Phụ) mới dời chùa vào đảo Cá Vàng ở Hồ Tây, là địa điểm hiện nay của chùa. Phía bên này, phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa hồ Tây.

Phủ thờ Bà chúa Liễu Hạnh - một trong những đại diện đạo Mẫu ở Việt Nam là một trong “Tứ bất tử” của người Việt (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh). Cũng theo truyền thuyết, phủ Tây Hồ là nơi hội ngộ lần thứ hai của công chúa Liễu Hạnh và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Như tiền duyên xui khiến, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền. Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm. Cái xuất xứ ly kỳ của phủ Tây Hồ là thế.

Cũng nằm hướng ra phía hồ, chùa Kim Liên được dựng trên nền cũ của cung Từ Hoa, thuộc trại Tằm Tang, có tên ban đầu là chùa Đống Long. Năm 1771, đời Lê Cảnh Hưng, chùa được tu sửa và đổi tên thành chùa Kim Liên. Năm 1792, đời vua Quang Trung, chùa lại được xây dựng lớn, về diện mạo cơ bản giống như hiện nay. Chùa có tên chữ là “Hoàng Ân tự”, vừa thờ Phật, vừa thờ công chúa Từ Hoa.

Ngôi chùa này được đánh giá là một trong những chùa đẹp nhất ở Hà Nội, là một “bông sen ven hồ Tây”. Không chỉ là nơi thực hành văn hóa tín ngưỡng của người dân quanh vùng, chùa còn níu chân bao du khách quốc tế bởi vẻ trầm mặc, cổ kính và bề dày truyền thống.

Phía bên này đường Lạc Long Quân có chùa Tảo Sách hay Tào Sách, Linh Sơn Tự. Ngôi chùa có khuôn viên rộng lớn, cảnh quan đẹp đẽ, nước hồ Tây vỗ sát ngay trước mặt tiền. Cùng nằm cùng trên một đường thẳng, chùa Thiên Niên cạnh đó có tên chữ là Thiên Niên cổ tự. Chùa là một công trình nghệ thuật bằng gỗ, với các hoa văn họa tiết vừa bản địa vừa tiếp nhận văn hóa phương Đông. Đây được coi là ngôi chùa thiêng liêng của đất Thăng Long - Hà Nội, có nhiều điều bí ẩn, thú vị được sử sách còn ghi.

Khi nhắc đến các di tích ven hồ Tây, không thể không nhắc đến đền Đồng Cổ - ngôi đền ở thôn Đông, làng Yên Thái (còn gọi là làng Bưởi), quận Tây Hồ. Đền thờ Đồng Cổ sơn thần - thần núi Đồng Cổ hay là thần Trống Đồng. Sự tích của đền chép là: năm 1020, Khai thiên vương Phật Mã (sau là Lý Thái Tông) đi bình giặc ở phía Nam, đóng quân tạm nghỉ ở đất Trường Châu. Đêm nhà vua mộng thấy thần núi Trống Đồng hiện ra dưới dạng một võ tướng, xin theo nhà vua giết giặc lập công. Đến khi thắng trận trở về, Thái tử Phật Mã sửa lễ tạ ở đền thần đất Thanh Hóa, rồi xin rước thần về thờ ở Thăng Long (Hà Nội) để hộ quốc an dân.

Sau khi Thái tử Phật Mã lên ngôi (tức Vua Lý Thái Tông) liền phong tước vương cho thần núi và cho làm “Thiên hạ minh chủ” chủ trì việc thề ước trong nước, sai dựng miếu ở bên hữu (phía Tây) thành Đại La tức là đền Đồng Cổ. Ngày 25 tháng ba năm đó nhà vua sai lập đàn, dựng cờ xí, rồi cùng các quan trong triều đến miếu thờ Đồng Cổ đọc lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt!”.

Sau đó, vua tôi cùng uống máu ăn thề để giữ yên xã tắc non sông. Về sau, triều đình chọn ngày mồng 4 tháng tư (âm lịch) làm lễ hội thề ở miếu Đồng Cổ và hội thề trong cả nước. Đến thời Trần, thời Lê sơ, vẫn theo lệ đó. Đền đã được Nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa vào năm 1992 và năm 2009.

Những ngôi làng cổ nghìn tuổi

ho tay dau xua con day
Chùa Trần Quốc ở Hồ Tây

Dạo quanh hồ Tây, nếu không ghé thăm những ngôi làng cổ, hẳn là một thiếu sót lớn. Mỗi ngôi làng lại có vẻ đẹp văn hóa riêng với nghề truyền thống từ xa xưa. Làng Nghi Tàm được hình thành từ năm 1138, đời vua Lý Thần Tông với tên khai sinh là trại Tầm Tang. Cái tên trại do chính nhà vua đặt. Trại Tầm Tang gắn với tích công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông dời cung về nơi này dạy dân trồng dâu, nuôi tằm tạo nên một vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long về nghề tơ tằm.

Nghi Tàm thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận và sau này qua nhiều biến chuyển thời gian, làng Nghi Tàm thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. Trong “Bát cảnh hồ Tây” thì Nghi Tàm đã hội tụ tới ba cảnh đẹp, gồm “Bến Trúc Nghi Tàm” là một cây cầu, nơi trước kia các nhà thơ thường ra đó vịnh thơ, vẫn còn lưu lại đến ngày nay; “Đồng bông Nghi Tàm” tức cánh đồng hoa nay bị mất đi do đô thị hóa và “Tiếng đàn Thành Cung” - nơi nhà vua phát ra tiếng đàn vẫy gọi chim muông, dấu tích vẫn còn ngay trong sân chùa Kim Liên.

Nghi Tàm cũng là quê hương của Bà Huyện Thanh Quan, tác giả của những bài thơ hoài cổ nổi tiếng qua các thế hệ. Ngày nay, ở Nghi Tàm còn một bia đá mà người ta cho là bia ghi danh Bà Huyện Thanh Quan, hiện đang được lưu giữ tại một gia đình thuộc dòng họ.

Cũng như nhiều làng khác nằm ven hồ Tây, làng Nghi Tàm có nhiều nghề truyền thống vang danh đất kinh kỳ. Nghề trồng cây cảnh được du nhập vào Nghi Tàm từ năm 1928. Những người sành chơi cây ở Hà Nội đều biết tới cây cảnh Nghi Tàm với những gốc cổ thụ hoặc các loài quý hiếm. Nghi Tàm cũng nổi tiếng là làng nuôi cá cảnh với những tay nuôi cá tài nghệ, biết lai tạo giống mới, vỗ cá đẹp, mau lớn khiến ai cũng nể trọng.

Ven hồ Tây còn vang danh làng Quảng Bá, Nhật Tân còn có “thương hiệu” đào và quất cảnh. Dù đất trồng đào - quất đã được di chuyển ra bên kia đê vì quá trình đô thị hóa nhưng với sự tài hoa của con người nơi đây, những cánh đồng mênh mông hoa vẫn tồn tại. Duy chỉ có điều, xưa ở bên mép nước hồ, thì nay ở trên dải phù sa sông Hồng.

Xưa, xung quanh hồ Tây còn được gọi là Kẻ Bưởi, gồm 6 làng cổ Yên Thái, An Thọ, Đông Xã, Hồ Khẩu, Võng Thị, Trích Sài hợp thành. Bây giờ, tìm về nơi đây, những làng nghề thủ công nổi tiếng một thời chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của những người già trong làng, nhưng dấu xưa làng cổ vẫn còn hiện hữu qua những chiếc cổng làng cổ như cổng làng Yên Thái, cổng Xanh làng An Thọ, cổng làng Hồ Khẩu, Đông Xã…

http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/ho-tay-dau-xua-con-day/740804.antd

/ Theo Trúc Anh/An ninh Thủ đô