Dù cùng có những nhận định khá tương đồng về rủi ro, thách thức, nhưng các tổ chức lại đưa ra dự báo rất khác nhau về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay và năm sau.
- Chính phủ ban hành chương trình hành động cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025
- Tạo đòn bẩy triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long
Điểm mặt thách thức
Theo các tổ chức, định chế tài chính nước ngoài như WB, ADB, HSBC, Standard Chartered… có nhiều rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm nay như: Dịch bệnh có khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế toàn cầu đối mặt với phục hồi chậm lại (ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu), tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam; giá dầu mỏ và các nguyên liệu đầu vào tăng mạnh ảnh hưởng tới sản xuất, tiêu dùng và khiến áp lực lạm phát gia tăng; rủi ro xuất hiện những cú sốc mới về cung và cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng…
Tuy nhiên, các dự báo lại rất khác nhau về tác động của những rủi ro, thách thức ấy đến triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Chẳng hạn trong báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương (ĐA-TBD) vừa công bố, WB gọi tập hợp những thách thức đã nêu trên là “bão tố” và việc đối phó với những bão tố ấy dù tốt, nhưng vẫn khiến triển vọng suy giảm. Theo đó cùng với điều chỉnh giảm dự báo với khu vực ĐA-TBD nói chung, WB cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay xuống mức 5,3% theo kịch bản cơ sở. Thậm chí tăng trưởng năm nay có thể chỉ 4% nếu xảy ra theo kịch bản tiêu cực. Trước đó, hồi tháng 10/2021, WB dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam ở mức 6,5%.
Theo ông Aaditya Mattoo - chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực ĐA-TBD của WB, lý do điều chỉnh là vì những khó khăn mà Việt Nam gặp phải khi đối phó với biến chủng Omicron. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chịu tác động lớn bởi việc nhập khẩu xăng dầu với giá trị lên tới 3% GDP; hay việc phải nhập khẩu các loại nguyên vật liệu đầu vào khác mà giá nhập khẩu tăng cao khiến chi phí sản xuất tăng… Là một nền kinh tế mở nên Việt Nam cũng dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.
Trong khi đó theo báo cáo của HSBC, với khởi đầu tốt đẹp cho năm 2022 như kết quả đã đạt được trong quý I/2022 (tăng trưởng ở mức trên 5% nhờ phục hồi trên diện rộng), dự báo tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt 6,2% và nhiều khả năng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng vượt bậc trong khu vực.
Vào tháng 2, Ngân hàng Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi mạnh ngay từ quý I/2022 (dự báo này đến nay đã đúng), qua đó đẩy tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7% trong năm 2022. “Chúng tôi tin tưởng sự phục hồi sẽ thể hiện rõ từ tháng 3. Bức tranh phục hồi sẽ còn rõ ràng hơn nữa từ quý II và đặc biệt trong nửa cuối năm 2022 nhờ sự mở cửa trở lại và phục hồi nhanh của ngành du lịch - ngành từng đóng góp trực tiếp tới gần 10% GDP của Việt Nam
thời điểm trước dịch COVID-19”, ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Standard Chartered thời điểm đó dự báo. Chuyên gia này cũng khẳng định triển vọng trung và dài hạn rất tích cực, khởi đầu với dự báo tăng trưởng đạt 7% trong năm 2023.
Hóa giải thách thức, hiện thực hóa triển vọng
Dự báo mới và cập nhật tình hình nhất đến lúc này đến từ báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2022 (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 6/4. Theo đó, kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay, lên mức 6,7% trong năm 2023. Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, những yếu tố gây cản trở sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm ngoái (đặc biệt là sự bùng phát đại dịch COVID-19 khiến thắt chặt thị trường lao động, gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất…) đã ở lại phía sau nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch, các nỗ lực giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh. Cùng với đó, các hoạt động thương mại được đẩy mạnh cũng như triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi… sẽ là những yếu tố giúp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng dự báo trên.
Ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho biết, một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến ADB lạc quan về tăng trưởng năm 2022 ở vấn đề kiểm soát dịch bệnh. Như ADB đã nhiều lần khẳng định trong năm 2021, tăng trưởng kinh tế sẽ tỷ lệ thuận với độ phủ của vắc-xin và khả năng kiểm soát dịch bệnh, chuyên gia này cho biết. “Mức độ giảm rất sâu của số ca nhiễm mới, số ca bệnh nặng trong những ngày gần đây cũng như độ phủ vắc-xin tiếp tục tăng nên sẽ tạo đà phục hồi toàn diện cho nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, xét cả về khu vực (công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp) cho đến lĩnh vực (thương mại, đầu tư) hay về cung và cầu”, ông Cường nhận định.
Bên cạnh đó, các giải pháp về tài khóa và tiền tệ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nếu được triển khai hiệu quả sẽ càng thúc đẩy quá trình phục hồi. Trong khi đó, việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch kỳ vọng sự trở lại mạnh mẽ của ngành dịch vụ.
Theo các chuyên gia, về cơ bản khi trạng thái bình thường trở lại thì các hoạt động kinh tế chắc chắn cũng dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, các rủi ro, thách thức vẫn luôn tồn tại. Ví dụ, nguy cơ các biến chủng COVID mới tiếp tục xuất hiện vẫn không thể loại trừ và có thể gây trở ngại cho việc quay lại trạng thái bình thường, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế.
Bên cạnh đó là bất ổn định về địa chính trị và giá cả hàng hóa bên ngoài tăng cao, trong khi nhu cầu giảm (nhiều dự báo cho thấy phục hồi kinh tế toàn cầu, nhất là tại các đối tác thương mại lớn của Việt Nam chậm lại). Nguy cơ chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn… cũng trở thành những áp lực thường trực, có thể ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu và lạm phát của Việt Nam nên cần được theo dõi sát để có những điều hành linh hoạt, phù hợp.
Một điểm đáng lưu ý nữa, theo ông Nguyễn Minh Cường: “Chương trình phục hồi có vai trò quan trọng để Việt Nam khôi phục các động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý việc triển khai hiệu quả và xử lý được một số thách thức về mặt chính sách trong quá trình triển khai”.
Chuyên gia này lấy ví dụ, cấu phần quan trọng nhất của Chương trình phục hồi tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng. Nhưng việc đảm bảo triển khai cấu phần này đúng như mục tiêu đặt ra là một thách thức do vấn đề mang tính hệ thống trong quá trình chuẩn bị, phê duyệt và giải ngân dự án ở Việt Nam. Đây là những vấn đề đã tồn tại lâu nay và gây ra bởi các thủ tục đầu tư công phức tạp và cứng nhắc, đặc biệt là trong công tác thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, để thực hiện kịp thời cần phải đơn giản hóa triệt để về mặt thủ tục và điều chỉnh các quy định về đầu tư công cũng như công tác phối hợp chính sách.