Công nghệ chưa kiểm chứng và tốn kém cùng nguy cơ chạy đua vũ trang trên không gian khiến lá chắn tên lửa mới của Mỹ bị nghi ngờ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17/1 công bố tài liệu Đánh giá Phòng thủ Tên lửa (MDR), kêu gọi mở rộng đáng kể lá chắn tên lửa Mỹ để đối phó với các mối đe dọa mới, tập trung vào phát triển cảm biến trên vũ trụ và vũ khí đánh chặn nhằm tạo ra một "bức tường thép" có thể bắn hạ mọi tên lửa đối địch. Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra hoài nghi về kế hoạch đầy tham vọng này của Mỹ, theo LA Times.
Bình luận viên David S. Cloud nhận định ý tưởng của Trump về lá chắn tên lửa không thể xuyên thủng khá giống với sáng kiến "Star Wars" (Chiến tranh giữa các vì sao) được cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan công bố cách đây 35 năm. Dù tiến bộ công nghệ hiện nay đã đạt rất nhiều thành tựu vượt bậc so với thời Reagan, nó vẫn vượt quá khả năng công nghệ của Mỹ hiện nay.
Ý tưởng gây tranh cãi nhất trong lá chắn mới của Mỹ là triển khai vũ khí đánh chặn lên vũ trụ để hạ tên lửa đạn đạo đối phương. Tuy nhiên, MDR không kêu gọi khoản đầu tư cho vũ khí trên không gian, mà chỉ yêu cầu tiến hành nghiên cứu trong 6 tháng để xem xét các công nghệ triển vọng nhất và đánh giá tính khả thi của giải pháp này.
MDR cũng không phản ánh các mục tiêu ngắn hạn của chính quyền Trump, vốn tập trung vào phát triển năng lực đối phó cuộc tấn công hạn chế bằng tên lửa của Iran và Triều Tiên, hay các vũ khí tầm ngắn và tầm trung đang được Nga và Trung Quốc phát triển.
Ngay cả các nghị sĩ Mỹ vốn ủng hộ kế hoạch phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa cũng tỏ ra hoài nghi về tham vọng sở hữu lá chắn quy mô khắp nước Mỹ của Trump.
"Một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả có thể ngăn chặn xung đột, bảo vệ các lực lượng tiền phương và lãnh thổ Mỹ, mở ra cơ hội giải quyết xung đột bằng biện pháp ngoại giao. Tuy nhiên, nó không phải lá chắn thần kỳ và chi phí thực hiện cũng rất tốn kém", thượng nghị sĩ Jack Reed, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nhận xét.
Joseph Cirincione, chuyên gia vũ khí hạt nhân tại Quỹ Ploughshares, cho rằng kế hoạch của Trump là "tổng hợp đề xuất của các tập đoàn vũ khí nhằm xây dựng lá chắn mà nước Mỹ không cần, không có tiền mua và không hiệu quả".
Lá chắn tên lửa Mỹ thử nghiệm năm 2015. Ảnh: MDA. |
MDR nhận xét tên lửa tầm trung của Nga và Trung Quốc sẽ nằm trong các mục tiêu đánh chặn. Đây là điểm khác biệt với những chính quyền trước, vốn chỉ tập trung vào các "quốc gia bất hảo" và ngăn chặn những vụ phóng tên lửa nhầm, khó lòng đối phó với những cường quốc sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và kho vũ khí hạt nhân.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết đây là lần đầu Mỹ cân nhắc biện pháp phòng thủ trước tên lửa tầm trung và vũ khí siêu vượt âm Nga và Trung Quốc. Ông thừa nhận việc Washington mở rộng hệ thống phòng thủ nhằm đối phó với những vũ khí tối tân được Moskva và Bắc Kinh nghiên cứu.
Các quan chức Mỹ từng thừa nhận nước này không thể chặn đứng một cuộc tấn công quy mô lớn của Nga và Trung Quốc, ngay cả khi mở rộng lá chắn tên lửa. Cả hai cường quốc này đều sở hữu số lượng lớn ICBM mang đầu đạn hạt nhân, có thể áp đảo hệ thống phòng thủ Mỹ khi chiến tranh tổng lực nổ ra.
Chiến lược phòng thủ của Mỹ từ trước tới nay dựa trên khả năng răn đe và đáp trả mọi cuộc tấn công hạt nhân từ bất cứ kẻ thù nào. Việc Mỹ mở rộng lá chắn phòng thủ trong bối cảnh chưa có hiệp định kiểm soát hành động triển khai vũ khí thông thường trên không gian có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới.
"Chiến lược phòng thủ mới của Mỹ chắc chắn sẽ khiến Nga và Trung Quốc lo ngại về khả năng răn đe hạt nhân, phá hoại sự ổn định chiến lược và gây khó khăn cho triển vọng cắt giảm vũ khí hạt nhân", Tổ chức Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Washington cảnh báo.
Duy Sơn
Nga cảnh báo Mỹ về nguy cơ tái diễn \'Chiến tranh giữa các vì sao\' Moskva cho rằng kế hoạch phát triển hệ thống đánh chặn trong vũ trụ của Washington sẽ gây ra chạy đua vũ trang nguy hiểm. |