Vụ kiện hy hữu tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” có thời gian kéo dài kỷ lục, lên tới 12 năm và đã được TAND quận 1 TP.HCM xét xử sơ thẩm, phần thắng thuộc về họa sĩ Lê Phong Linh.
Theo dự kiến, sáng nay (12/6), TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa họa sĩ Lê Phong Linh (hay còn gọi là Lê Linh, SN 1974) và bị đơn là bà Phan Thị Mỹ Hạnh (SN 1965, TP.HCM, đại diện cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật và phát triển tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị).
Phiên toà dự kiến diễn ra tại trụ sở TAND TP.HCM theo đơn kháng cáo của bị đơn, cho rằng TAND quận 1, TP.HCM không có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bị đơn yêu cầu đình chỉ vụ án chuyển hồ sơ cho toà án có thẩm quyền.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhận được, phiên toà Phúc thẩm vụ tranh chấp trên đã bị hoãn tới ngày 16/7 mới đưa ra xét xử.
Bộ tứ Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong bộ truyện tranh Thần Đồng đất Việt đã trở nên quen thuộc với các bạn nhỏ.
Có thể tóm tắt vụ kiện gây xôn xao dư luận, nhất là trong giới xuất bản và làm truyện tranh tại TP.HCM như sau: "Thần đồng Đất Việt" là bộ truyện tranh thiếu nhi nhiều tập được NXB Trẻ phát hành tập đầu ngày 16/2/2002. Đây là bộ truyện dài, thành công bậc nhất của làng truyện tranh Việt Nam. Tác phẩm được thực hiện bởi tác giả Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và Công ty Phan Thị.
Theo hồ sơ vụ kiện, ông Lê Linh cùng với bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Công ty Phan Thị) đứng tên đăng ký quyền tác giả. Tháng 5/2002, Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả, ghi nhận quyền tác giả thuộc về đồng tác giả là ông Lê Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, quyền tài sản (các quyền khai thác, sử dụng tác phẩm…) thuộc về Công ty Phan Thị.
Tuy nhiên họa sĩ Lê Linh quyết định ngưng cộng tác với Phan Thị khi "Thần đồng đất Việt" phát hành đến tập thứ 78. Các tập tiếp theo của bộ truyện vẫn tiếp tục ra đời nhưng không đề tên tác giả, họa sĩ là ai. Phía Phan Thị cho rằng mình là chủ sở hữu có các quyền tài sản đối với tác phẩm nên tổ chức xuất bản các tập tiếp theo mà không cần ý kiến của tác giả. Trong khi đó, ông Lê Linh cũng không còn làm việc tại Phan Thị. Vì vậy công ty có quyền thuê người khác làm những tập tiếp theo.
Ngược lại, họa sĩ Lê Linh cho rằng mình là tác giả nên có quyền bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm, không ai có quyền sáng tác các tập tiếp theo dựa trên các nhân vật trong truyện của mình. Vì vậy vào tháng 4/2007, họa sĩ Lê Linh đã chính thức khởi kiện Công ty Phan Thị lên Tòa án Kinh tế TP.HCM.
Họa sỹ Lê Phong Linh tại phiên xử sơ thẩm trước đó.
Từ ngày 22/12 tới ngày 18/2, HĐXX TAND quận 1 đưa ra xét xử sơ thẩm và đã tuyên bố công nhận quyền tác giả thuộc về hoạ sĩ Lê Phong Linh. Vì ông này là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm.
Theo HĐXX sơ thẩm, Công ty Phan Thị trình bày là đã “cầm tay chỉ cho ông Linh vẽ”, các ý tưởng hình tượng nhân vật là của bị đơn. Tuy nhiên, để được pháp luật bảo hộ quyền tác giả thì tác phẩm phải được sáng tạo, thể hiện dưới một hình thức nhất định. Trong khi ngoài ông Linh ra thì không có ai tham gia sáng tạo bốn hình tượng nhân vật này. Từ đó, HĐXX cho rằng có căn cứ công nhận ông Linh là tác giả của "Thần đồng đất Việt".
Không chấp nhận kết quả của bản án sơ thẩm, phía Công ty Phan Thị đã kháng cáo.
Vậy ai mới chính là tác giả của bộ truyện tranh sau 12 năm dài tranh chấp đang được người quan tâm chờ đợi trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Sắp xử phúc thẩm vụ tranh chấp tác quyền Thần đồng đất Việt Dự kiến ngày 12/6, TAND TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ truyện Thần đồng đất Việt theo ... |
Tại sao "Thần đồng đất Việt" có vị thế cao trong làng truyện tranh? Tính giải trí, tính giáo dục cùng tích hợp trong một bộ truyện thuần Việt khiến "Thần đồng đất Việt" qua bao năm vẫn có ... |
12 năm, "Thần đồng Đất Việt" có bao nhiêu biến thể từ Phan Thị? Tòa án vừa công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng trong "Thần đồng đất Việt", tuy vậy, các nhân ... |
Họa sĩ Lê Linh: "Chủ đầu tư có tự trọng sẽ không tự nhận là tác giả" Sau phán quyết tại TAND quận 1 về vụ "Thần đồng đất Việt", họa sĩ Lê Linh nói việc bà Hạnh nhận là tác giả ... |