Theo chuyên gia Đức, Việt Nam sẽ kiên định với đường lối chính trị được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa đất nước.

Ngày 5/4, sau lễ tuyên bố nhậm chức của tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và tân Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, giới chuyên gia và học giả Đức đã đưa ra các đánh giá tích cực về những thành tựu của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đồng thời đưa ra những kỳ vọng về chính phủ mới.

Giáo sư Thomas Engelbert – Đại học Tổng hợp Hamburg (Đức) nhận định, cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 của Việt Nam được cả thế giới khen ngợi, với số ca tử vong rất thấp – chỉ 35 trường hợp. So với Đài Loan và Singapore - những quốc gia cũng có số ca tử vong thấp bởi họ có thể đóng cửa biên giới rất dễ dàng, Việt Nam có đường biên giới rất dài với 3 nước nhưng cũng đã thành công trong cuộc chiến này.

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát từ Vũ Hán – Trung Quốc, Việt Nam đã nhanh chóng đóng cửa biên giới và thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh mẽ, do đó đã hạn chế tối đa sự xâm nhập của virus Sars-CoV-2. Khi một số khu vực xuất hiện loại virus này, ngay lập tức các biện pháp cách ly, phong tỏa và điều tra dịch tễ được áp dụng triệt để.

Vì thế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều. Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt. Đó chắc chắn là một thành tựu đáng trân trọng của chính phủ và nhà nước Việt Nam.

Học giả Đức đánh giá cao thành tựu của Việt Nam, kỳ vọng vào Chính phủ mới - 1
Giáo sư Thomas Engelbert thuộc Đại học Tổng hợp Hamburg (Đức).

Đồng quan điểm trên, ông Wolfgang Bork, chuyên gia về Luật hành chính và là thành viên hội đồng cầu nối Việt - Đức đánh giá cao thành tựu của Việt Nam. Đặc biệt là chính phủ Việt Nam đã có nhiều thành công trong đối phó với khủng hoảng đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế.

Trong khi cả thế giới đang phải đối phó với những hậu quả nặng nề của đại dịch và nhiều biến thể virus mới, Việt Nam ngay từ đầu đã thực hiện những biện pháp quyết liệt để kiểm soát đại dịch. Việt Nam nhận được những lời khen từ cộng đồng quốc tế vì áp dụng nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt, toàn diện và mang lại kết quả hết sức tích cực.

Bên cạnh thành quả trong đối phó đại dịch COVID-19, ông Wolfgang đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong các tổ thức quốc tế và khu vực như ASEAN hay Liên Hiệp Quốc (LHQ). Theo ông, điều đó nghĩa là Việt Nam đã hoàn toàn vươn ra trường quốc tế, được quốc tế công nhận và đánh giá cao.

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia đóng góp cho rất nhiều chương trình, hoạt động khác nhau của LHQ và luôn thể hiện tính tích cực, chủ động của một thành viên có trách nhiệm, nhất là trong việc giữ gìn hòa bình và giải quyết các xung đột quốc tế. Gần đây, chính phủ Việt Nam đã cử các nhân viên y tế sang Nam Sudan tham gia nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc.

Kỳ vọng về chính phủ mới

Trao đổi về người đứng đầu chính phủ mới - tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, Giáo sư Engelbert đánh giá cao kinh nghiệm nhiều năm của tân Thủ tướng trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, với vai trò Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần đưa Quảng Ninh ngày càng phát triển.

Ông Daniel Müller, chuyên gia kinh tế Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương (OAV), việc lựa chọn đội ngũ lãnh đạo chính trị mới ở Việt Nam trước hết cho thấy xu hướng xuất phát từ tình hình thực tế, cởi mở hơn và hiện đại hóa hơn về mặt kinh tế. Các chức vụ Thủ tướng, Chủ tịch nước hay Chủ tịch Quốc hội đều là những người có quan điểm rất thực tế, họ đều tích cực hành động hướng tới các mục tiêu và kết quả cụ thể.

Với chính phủ mới, ông Müller cho rằng, Việt Nam sẽ kiên định với đường lối chính trị được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trước hết, đội ngũ lãnh đạo cấp cao mới cần hướng tới mục tiêu quản trị ở cấp độ quốc gia cũng như địa phương một cách chuyên nghiệp hơn nữa.

Về mặt kinh tế, theo ông Müller, quá trình công nghiệp hóa sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, kết hợp với gia tăng năng suất lao động. Ngoài ra, gánh nặng chi phí hành chính sẽ tiếp tục được giảm bớt và quá trình chuyển đổi số sẽ gia tăng nhanh chóng. Đại dịch COVID-19 đã chỉ ra việc số hóa toàn diện có thể mang lại hiệu quả cao như thế nào và mức độ số hóa đến đâu thì có thể góp phần cải thiện khả năng phục hồi kinh tế. Do đó, dự kiến ​​chính phủ mới sẽ tập trung nguồn lực để phát triển lĩnh vực này và các lĩnh vực mới khác như trí tuệ nhân tạo.

Với tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyên gia của OAV cho rằng, tân Thủ tướng sẽ tiếp nối truyền thống của những vị thủ tướng mạnh mẽ trước đó của Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể vận dụng những kinh nghiệm của mình khi còn là Trưởng ban Tổ chức trung ương - một vị trí có vai trò hết sức quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như khi đảm nhiệm vai trò Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Học giả Đức đánh giá cao thành tựu của Việt Nam, kỳ vọng vào Chính phủ mới - 2
Ông Wolfgang Bork, chuyên gia về Luật hành chính và là thành viên hội đồng cầu nối Việt - Đức.

Bên cạnh đó, cũng sẽ có nhiều kỳ vọng đối với tân Thủ tướng về việc ông sẽ nỗ lực đạt được sự đồng thuận trong Bộ Chính trị về việc tinh giản bộ máy hành chính và đưa bộ máy này hoạt động hiệu lực hiệu quả hơn - điều mà ông đã cố gắng làm trong thời gian công tác tại tỉnh Quảng Ninh. Kinh nghiệm thu thập được trong quá trình học tập và làm việc ở nước ngoài có thể giúp ông hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế một cách mạnh mẽ.

Trong khuôn khổ các "chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" khác nhau, cả Đức và EU đều mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN và các quốc gia châu Á khác. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có cơ hội tốt để thể hiện mình là một đối tác hấp dẫn và là cây cầu kết nối khu vực ASEAN với thế giới.

Về phần mình, ông Wolfgang đánh giá, cả chính phủ cũ và chính phủ mới được bầu đều nhận trọng trách lớn trong phòng chống đại dịch. Và trong bối cảnh đại dịch được kiểm soát tốt, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện. Mục tiêu mà Việt Nam cần thực hiện là phải tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, giảm tải các quy định hành chính quan liêu và đảm bảo sự an toàn pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Wolfgang thông tin thêm, Việt Nam cũng được đánh giá cao trong việc áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng phương tiện số hóa mới. Cả Đại sứ quán Đức tại Hà Nội và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đều đã sử dụng nhiều hình thức liên lạc mới như hội thảo trực tuyến hay các sự kiện thông qua internet.

Quan hệ chiến lược giữa Đức và Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong đào tạo nghề tại Việt Nam, đưa tiêu chuẩn đào tạo của Việt Nam tiệm cận gần với châu Âu và Đức hơn. Qua đó, sự công nhận bằng cấp của hai bên được mở rộng. Đức và châu Âu có nhu cầu lớn về kĩ thuật và công nghệ cũng như nhân lực trong ngành điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

Vì thế, giữa hai nước đang có sự trao đổi kinh nghiệm và trao đổi lao động rất tích cực. Phía Việt Nam cung cấp cho Đức đội ngũ lao động được đào tạo, có tay nghề tốt, giúp Đức giải quyết vấn đề thiếu nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.

MẠNH TRANG

Mỹ bàn giao trung tâm huấn luyện cho Cảnh sát biển Việt Nam Mỹ bàn giao trung tâm huấn luyện cho Cảnh sát biển Việt Nam
Việt Nam có 2.445 bệnh nhân được điều trị khỏi COVID-19 Việt Nam có 2.445 bệnh nhân được điều trị khỏi COVID-19
Đường sắt Việt Nam nguy cơ phá sản: Bộ GTVT lý giải nguyên nhân 2.800 tỷ bị tắc Đường sắt Việt Nam nguy cơ phá sản: Bộ GTVT lý giải nguyên nhân 2.800 tỷ bị tắc

/ vtc.vn