Nghị định 81 vừa được Chính phủ ban hành quy định cụ thể lộ trình tăng học phí của các ngành đào tạo hệ đại học trong 5 năm tới.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nghị định có hiệu lực từ 15/10/2021.

Nghị định mới cũng quy định cụ thể mức học phí giáo dục đại học trong 5 năm tới (từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2025 - 2026). Nghị định này thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Trường công lập chưa tự chủ tài chính

Với năm học 2021 - 2022, mức trần học phí các ngành đào tạo của các trường đại học công lập được áp dụng bằng mức trần học phí của năm học 2020 – 2021.

Với các khối ngành đào tạo trình độ đại học tại các trường công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được chia thành 7 khối ngành tương ứng với từng mức học phí. Trong đó, mức học phí cao nhất mỗi tháng là 1,43 triệu đồng/sinh viên là các khối ngành sức khỏe khác và Y dược.

Học phí hệ đại học 5 năm tới thay đổi thế nào? - 1
Mức học phí của các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Mức trần học phí của các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026 tăng mỗi năm trên dưới 200 nghìn đồng.

Học phí hệ đại học 5 năm tới thay đổi thế nào? - 2
Mức trần học phí của các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên 5 năm tới.

Trường công lập tự chủ tài chính

Với các khối ngành đào tạo trình độ đại học tại các trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư cũng chia theo 7 khối ngành. Trong đó, học phí cao nhất cũng là các khối ngành sức khỏe khác và Y Dược với mức học phí mỗi tháng 5,05 triệu đồng/sinh viên.

Học phí hệ đại học 5 năm tới thay đổi thế nào? - 3
Mức học phí các trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Các trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên có mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí nêu trên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

Còn các trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư có mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí nêu trên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

Đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT tạo quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, trường đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó.

Mức học phí này phải dựa trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.

Học phí thạc sĩ, tiến sĩ

Với bậc thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đại học công lập được xác định bằng mức trần học phí của hệ đại học nhân hệ số 1,5 đối với đào tạo thạc sĩ, nhân hệ số 2,5 đối với đào tạo tiến sĩ tương ứng với từng khối ngành đào tạo của từng năm học theo các mức độ tự chủ.

Mức học phí đào tạo hình thức vừa làm vừa học; đào tạo từ xa được xác định trên cơ sở chi phí hợp lý thực tế với mức thu không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng.

Khi tổ chức học trực tuyến, trường đại học xác định mức thu học phí trên cơ sở chi phí phát sinh thực tế hợp lý, tối đa bằng mức học phí tương ứng từng khối ngành theo mức độ tự chủ.

Ngoài ra, Nghị định 81 cũng quy định mức học phí đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác được áp dụng thu theo sự thỏa thuận chi phí giữa cơ sở giáo dục và người học.

Học phí đào tạo đại học tính theo tín chỉ, mô-đun được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành, nghề đào tạo và tổng số tín chỉ, mô-đun toàn khóa theo công thức: Tổng học phí toàn khóa = mức thu học phí 1 sinh viên/1tháng x 10 tháng x số năm học, bảo đảm nguyên tắc tổng học phí theo tín chỉ của chương trình đào tạo tối đa bằng tổng học phí tính theo niên chế.

Trường hợp học quá thời hạn quy định của chương trình đào tạo, học phí tín chỉ áp dụng từ thời điểm quá hạn được xác định lại trên cơ sở thời gian học thực tế trên nguyên tắc bù đắp chi phí và thực hiện công khai, giải trình với người học.

Trường hợp đào tạo bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học, người đóng học phí của các tín chỉ thực học theo chương trình đào tạo.

Các trường đại học công lập được quy định mức học phí đối với các trường hợp học lại tối đa không vượt quá mức trần học phí nêu trên phù hợp với từng loại hình đơn vị. Trường hợp tổ chức học riêng theo nhu cầu người học thì mức thu theo thỏa thuận giữa người học và cơ sở giáo dục đại học công lập trên cơ sở bù đắp đủ chi phí.

Bộ trưởng GD&ĐT: Không tăng học phí năm học mới, tuyệt đối không được lạm thu Bộ trưởng GD&ĐT: Không tăng học phí năm học mới, tuyệt đối không được lạm thu

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ra chỉ thị yêu cầu các địa phương rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa nhằm giữ ổn ...

/ vtc.vn