Thời gian qua, tại một số trường học xuất hiện tình trạng "nhập nhèm" trong việc bán sách giáo khoa (SGK) "cõng" thêm nhiều tài liệu tham khảo, sách bổ trợ khiến chi phí mua sách tăng gấp ba đến bốn lần. Nhiều ý kiến đã bày tỏ nghi ngại về việc học sinh tiểu học liệu có cần sách tham khảo?

Trong những ngày đầu năm học, dư luận khá bức xúc trước những phản ánh của một số phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh khi phải bỏ ra hơn 800 ngàn đồng để mua sách giáo khoa và các tài liệu bổ trợ. Trong khi đó giá sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới được các nhà xuất bản công bố giá niêm yết là 190 ngàn đồng.

5331 1 4

Trước những phản ảnh của phụ huynh về sự việc trên, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã tìm hiểu và cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc trao đổi thông tin tư vấn giữa giáo viên và phụ huynh học sinh chưa rõ ràng về danh mục các loại sách nhà trường đưa ra để tham khảo dẫn tới việc phụ huynh nắm thông tin không đầy đủ và trang bị sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh chưa phù hợp. Sự việc này là bài học kinh nghiệm để nhà trường khi thông tin tới phụ huynh về việc mua sắm sách vở năm học mới cần rõ ràng, công khai, minh bạch, và cũng rất cần sự giám sát của các lực lượng truyền thông, xã hội.

Theo Bộ GD-ĐT, các nội dung về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã được quy định tại Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 41 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó quy định rõ, sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.

Đối với bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 gồm 8 môn học bắt buộc và 1 môn học tự chọn. Bộ cũng quy định các trường tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về sách giáo khoa sử dụng tại trường để học sinh và gia đình học sinh biết, thực hiện mua sắm.

Theo Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), lâu nay, việc mua sách vở, đồ dùng học tập được nhiều địa phương thực hiện theo hình thức nhà trường cung cấp danh mục sách - vở cần mua sắm cho năm học mới và phụ huynh học sinh đăng ký mua thông qua cơ sở giáo dục phổ thông. Song, có nhiều nguyên nhân khiến việc trang bị sách giáo khoa, tài liệu tham khảo vẫn xảy ra tình trạng “mập mờ” gây ảnh hưởng và mất lòng tin của phụ huynh học sinh. Hiện nay các quy định, văn bản của Bộ GD-ĐT liên quan đến sách giáo khoa, tài liệu tham khảo đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng internet.

Đối với sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bổ trợ, các ý kiến cho rằng, cần phân biệt rõ từng loại sách. Sách giáo khoa là bắt buộc, còn sách bổ trợ, sách tham khảo thì không được bắt học sinh mua.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm: “Học sinh có thể mua và có thể không mua và theo tôi Bộ phải tuyên bố rõ ràng quan điểm ấy ra và địa phương nào bắt buộc, địa phương ấy phải chịu trách nhiệm”.

“Học sinh Việt Nam đọc ít sách quá, nên phải có sách tham khảo, mặc dù nội dung sách giáo khoa đảm bảo chuyển tải đầy đủ yêu cầu của chương trình rồi, nhưng mà học sinh phải học thêm. Song tôi xin đề nghị, sách tham khảo với tiểu học là nên cấm. Tiểu học không nên có sách tham khảo, các cháu bé như thế cần tham khảo cái gì đâu”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói thêm.

PV (th)

Học sinh lớp 1 cần những sách bổ trợ nào? Học sinh lớp 1 cần những sách bổ trợ nào?
Ma trận sách tham khảo, vở bài tập in sẵn cho học sinh ai quản lý? Ma trận sách tham khảo, vở bài tập in sẵn cho học sinh ai quản lý?
Sách bổ trợ Bộ cứ cấm, trường cứ bán, cha mẹ học sinh chạy đâu cho thoát Sách bổ trợ Bộ cứ cấm, trường cứ bán, cha mẹ học sinh chạy đâu cho thoát

/ Nghề nghiệp và cuộc sống