Hai vụ xả súng liên tục trong cuối tuần qua tại Mỹ một lần nữa làm dấy lên những chỉ trích đối với hành động bạo lực dựa trên thù hận cũng như quan ngại về lỗ hổng trong chính sách kiểm soát súng đạn tại nước này.
- Xả súng tại "thị trấn người già" ở Mỹ, 6 người thương vong
- Xả súng ở New York, 10 người chết
- Nghi phạm xả súng ở New York bị bắt giữ, đối mặt án chung thân
Vụ việc mới nhất xảy ra ngày 15/5 (giờ địa phương) tại một nhà thờ ở Laguna Woods, một thị trấn nhỏ với 18.000 dân cách Los Angeles khoảng 80km, khiến ít nhất một người thiệt mạng và 5 người khác bị thương.
Nghi phạm là một người gốc Á bị cảnh sát khống chế ngay tại hiện trường. Thông tin liên quan đến vụ xả súng chưa được tiết lộ nhiều. Vụ xả súng này diễn ra chỉ một ngày sau khi một nam thanh niên 18 tuổi nã đạn vào nhiều người tại một cửa hàng ở Buffalo, bang New York, khiến 10 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương.
Tay súng 18 tuổi, Payton Gendron, nhắm đến một cửa hàng tọa lạc ở khu vực có đông người da màu sinh sống. Tên này đã lái xe vượt 320km từ nhà ở Conklin đến Buffalo để thực hiện hành động bạo lực của mình và giới chức không coi đây là “hành vi ngẫu nhiên”.
Các nhà điều tra vẫn đang xác thực một tài liệu dài 180 trang mang tính phân biệt chủng tộc được cho là do Gendron soạn thảo, theo đó, vụ xả súng này nhằm mục đích “khủng bố tất cả những ai không phải da trắng hay không theo đạo Thiên chúa và buộc họ phải rời khỏi nước Mỹ”, hãng thông tấn AP đưa tin.
Tay súng 18 tuổi vừa thực hiện hành vi của mình vừa phát trực tuyến trên nền tảng trò chơi điện tử Twitch. Đáng chú ý, một số đoạn video được cắt và lan truyền trên mạng cho thấy tên này bắn hạ nhiều người chỉ trong vòng chưa đầy một phút, nhưng khi đưa súng nhằm vào một người da trắng đang thu mình sau quầy thanh toán, tên này nói “xin lỗi”, không bắn và đưa súng sang hướng khác.
Hành động này tiếp tục khiến các nhà quản lý lên tiếng cảnh báo về trách nhiệm kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng có khả năng phát trực tuyến như mạng xã hội hay trò chơi điện tử. Trường hợp tương tự từng xảy ra tại New Zealand hồi năm 2019 khi một tay súng vừa tấn công một nhà thờ vừa phát trực tiếp hành động bạo lực, cướp đi sinh mạng của khoảng 50 người.
Điều đáng nói là Gendron từng có “hành động nguy cơ” trước đây. Một số nguồn tin cho biết, thanh niên này hồi năm ngoái đe dọa thực hiện một vụ xả súng tại trường trung học Susquehanna ở Conklin, vào đúng dịp lễ tốt nghiệp.
Cảnh sát có gặp Gendron để “làm việc” nhưng không bắt giữ và sau đó tên này nhập viện để “đánh giá tình trạng tâm thần” trong hơn một ngày. Ủy viên Cảnh sát Buffalo, Joseph Gramaglia, cho biết sau vụ việc không hề có “cuộc gọi nào than phiền” về hành động của Gendron, “mối đe dọa tương đối chung chung” và “không liên quan đến chủng tộc”. Nhiều người đặt câu hỏi liệu cơ quan chức năng có bỏ sót một nguy cơ tiềm tàng.
New York là một trong số ít bang tại Mỹ ban hành luật “cờ đỏ” trong những năm gần đây nhằm ngăn chặn các vụ xả súng hàng loạt được tiến hành bởi những người “có dấu hiệu trở thành mối đe dọa cho bản thân hoặc đến người khác”.
Theo luật này, các nhân viên thực thi pháp luật, thành viên trong gia đình hoặc trong một số trường hợp cả chuyên gia y tế và nhân viên trường học kiến nghị lên tòa án về việc tạm giữ súng của một người có vấn đề hoặc ngăn cản những người này mua súng. Luật liên bang tại Mỹ cấm một cá nhân mua súng nếu như người này bị tòa án phán quyết “có vấn đề về tâm thần” hoặc từng phải điều trị tại một cơ sở tâm thần, tuy vậy, một đánh giá về tâm thần riêng lẻ chưa đủ để áp dụng lệnh cấm một người “có dấu hiệu tâm thần” sở hữu súng, như trường hợp của Gendron.
Danh sách những vụ xả súng đẫm máu ở Mỹ trong những năm gần đây tiếp tục kéo dài, trong một số trường hợp, vụ việc diễn ra dù trước đó cơ quan chức năng có cơ hội để ngăn chặn từ đầu. Điển hình như vụ việc xảy ra ở Parkland, bang Florida, năm 2018 khiến 17 học sinh trung học thiệt mạng. Cảnh sát địa phương đã nhận được vô số lời cảnh báo và phàn nàn về việc tay súng có những tuyên bố đe dọa. Hay như vụ thảm sát tại một nhà thờ ở Texas hồi năm 2017, khiến hơn 20 người thiệt mạng, do một cựu quân nhân Không quân Mỹ tiến hành, người từng có tiền sử “hành động bạo lực”.
Thương vong trong cả hai vụ việc có thể không quá cao nếu so với những vụ xả súng đẫm máu xảy ra tại Mỹ một số năm gần đây, nhưng lại là hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực dựa trên thù hận và sắc tộc tại nước này. Thị trưởng Buffalo Byron Brown bày tỏ quan ngại rằng “cá nhân này biểu đạt rõ mục đích muốn cướp đi nhiều mạng sống người da màu nhất có thể”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 15/5 gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và người thân của các nạn nhân vụ xả súng đồng thời lên án mạnh mẽ chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức, cũng như các hành vi phân biệt chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng hoặc quốc tịch. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, tất cả các nước cần cùng nhau hướng tới xây dựng các xã hội hòa bình và hòa nhập hơn.
Cùng ngày, phát biểu tại một sự kiện của lực lượng cảnh sát ở Thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên án mạnh mẽ chủ nghĩa cực đoan phân biệt chủng tộc, nhấn mạnh các cơ quan chức năng cần phối hợp giải quyết tình trạng thù hận vẫn tồn tại trong lòng nước Mỹ, đồng thời kêu gọi người dân đoàn kết chống lại những tội ác thù hận. Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ cùng phu nhân sẽ tới Buffalo để chia buồn với người dân.
Thống kê của trang Thetrace.com cho thấy trong năm 2021, trên toàn nước Mỹ đã xảy ra hơn 20.700 vụ xả súng gây thương vong, không bao gồm các vụ tự tử, con số này năm 2020 là 19.350, tăng 35% so với năm 2019.
https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/hoi-chuong-canh-bao-ve-bao-luc-thu-han-tai-my-i653924/