Đây là khẳng định của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đề cập đến việc NATO có ý định phê chuẩn đơn gia nhập liên minh quân sự này của Ukraine.

Theo RT, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc hội đàm kéo dài hơn 6 tiếng tại Moskva ngày 7/2. Nội dung chính của hội đàm xoay quanh vấn đề Ukraine, an ninh châu Âu và các vấn đề song phương. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây bắt đầu chuyển sang đối đầu quân sự - mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Ngay sau cuộc hội đàm, cả hai nhà lãnh đạo tham gia cuộc họp báo chung công bố kết quả cuộc gặp. Sau đó Tổng thống Pháp Macron sẽ bay sang Ukraine để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Hội đàm Putin-Marcon: Chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra nếu Ukraine gia nhập NATO - 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm tại Moskva ngày 7/2. (Ảnh: AP)

Tổng thống Putin: NATO phớt lờ đề xuất an ninh của Nga

Có ba điểm chính trong đề xuất an ninh mà Moskva đưa ra hồi tháng 12/2021: Không tiếp tục mở rộng NATO, không triển khai các hệ thống tấn công dọc biên giới Nga, và rút các đội quân mà NATO triển khai mới đây tới các ranh giới 1997.

Phía Nga nhận được phản hồi của NATO và Mỹ trong tháng 1/2022. Tuy nhiên nội dung phản hồi được giữ kín. Hồi đáp của NATO và Mỹ không đề cập đến những điểm này.

Tuy nhiên có thể chắn chắn rằng phương Tây sẽ không đáp ứng các đề xuất an ninh của Nga.

Nói với phóng viên tại buổi họp báo, Tổng thống Putin cho biết, NATO và Mỹ gần như phớt lờ những đề xuất của Nga, họ không muốn trả lời về nó như thế chưa bao giờ được hỏi. Moskva chỉ nhận lại được các đề xuất chính trị sáo rỗng đối với những vấn đề không thực sự cần thiết.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Macron đã nêu "các cơ chế an ninh" mới cho bế tắc ở Ukraine, đồng thời khẳng định đối thoại với Nga "là cách duy nhất để đảm bảo an ninh và ổn định ở châu Âu".

Ông Marcon đề xuất, nếu các cơ chế và hiệp ước hiện tại không đủ để giải quyết tình hình an ninh, những hiệp ước mới nên được đề ra và thực thi.

Tổng thống Marcon cho rằng, Pháp và Nga "không có cùng cách hiểu" về ý nghĩa của các văn bản, chẳng hạn như Đạo luật cuối cùng Helsinki năm 1975 thiết lập tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đặc biệt là khi nhắc đến các vấn đề nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Quay lại vấn đề Ukraine, Tổng thống Nga cho biết có thể tiếp tục đối thoại về một số đề xuất của người đồng cấp Pháp vốn được kỳ vọng có thể làm giảm leo thang tình hình ở Ukraine. Tuy nhiên hai nhà lãnh đạo không tiết lộ thêm bất kỳ chi tiết nào. Và ông Putin thông báo sẽ thảo luận thêm với ông Macron sau khi nhà lãnh đạo Pháp gặp Tổng thống Ukraine trong hôm nay (8/2).

Hội đàm Putin-Marcon: Chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra nếu Ukraine gia nhập NATO - 2
Nhắc lại lập luận của NATO rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tự do tham gia liên minh, Tổng thống Putin cảnh báo nếu Ukraine làm như vậy sẽ nhanh dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân với Nga. (Ảnh: New York Post)

Tổng thống Nga cũng cho biết ông đã trao đổi ngắn gọn với ông Macron về việc Ukraine từ chối thực hiện các thỏa thuận Minsk, ngay cả sau khi Kiev đã cam kết làm như vậy trong những tuần gần đây tại các cuộc họp ở Paris và Berlin.

Người đứng đầu điện Kremlin cho rằng Ukraine thay vì thực hiện các bước để trao quyền tự trị cho các khu vực ly khai như Donetsk và Lugansk lại chọn cách đàn áp những người nói tiếng Nga bên trong biên giới của mình.

Nga cảnh báo chiến tranh hạt nhân nếu Ukraine gia nhập NATO

Nhắc lại lập luận của NATO rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tự do tham gia liên minh nếu họ muốn, Tổng thống Putin cảnh báo nếu Ukraine làm như vậy sẽ nhanh dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân với Nga.

Ông Putin nhấn mạnh rằng, Kiev đã xem nước Nga là kẻ thù và khẳng định Crimea thuộc về Ukraine – các nước NATO đang tiếp tay cho điều này.

Tổng thống Putin cũng nhắc lại việc người dân trên bán đảo Crimea muốn được sáp nhập vào Nga, điều này thể hiện rõ qua cuộc trưng cầu ý dân (2014).

Theo Tổng thống Nga, việc Ukraine trở thành thành viên NATO sẽ kích hoạt điều khoản phòng vệ chung của liên minh quân sự này vào thời điểm Kiev quyết định "tái hợp nhất" Crimea bằng vũ lực, về cơ bản sẽ dẫn đến chiến tranh với Nga, một cường quốc hạt nhân.

"Sẽ không có người chiến thắng trong cuộc chiến này, Tổng thống Pháp không mong muốn một kết quả như vậy. Tôi cũng không", ông Putin nói với các phóng viên.

/ vtc.vn