Ấn Độ khép lại nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2023 với thành công của Hội nghị thượng đỉnh G20 theo hình thức trực tuyến. Diễn ra trong thời điểm thế giới đang chứng kiến những mâu thuẫn nghiêm trọng, hội nghị không chỉ hiện thực hóa cam kết của các nhà lãnh đạo, mà còn thắt chặt hơn cái nắm tay đồng thuận của G20.

Năm Chủ tịch G20 của Ấn Độ với chủ đề "Một Trái đất, Một gia đình, Một tương lai" đã khép lại với hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hiếm hoi do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì, nơi "sự đoàn kết, hợp tác đã vượt qua mọi mâu thuẫn", theo ông Modi. Đây cũng là một sự kiện đặc biệt bởi chưa có nhiệm kỳ Chủ tịch G20 nào mà bao gồm cả thượng đỉnh trực tiếp lẫn trực tuyến diễn ra chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng.

Hội nghị G20: Tin tưởng là chìa khóa cho mọi kết nối -0
Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh G20 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: PM India.

Hội nghị được thực hiện ngày 22/11 (giờ địa phương), đã vượt xa mục tiêu ban đầu là đánh giá lại tiến độ thực hiện các cam kết và hành động đạt được tại hội nghị thượng đỉnh chính thức diễn ra hồi tháng 9 vừa qua tại New Delhi, Ấn Độ. Với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin; các Thủ tướng: Lý Cường của Trung Quốc, Fumio Kishida của Nhật Bản, Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, Justin Trudeau của Canada, Anthony Albanese của Australia và Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil… cùng nhiều nhà lãnh đạo quốc gia, quốc tế khác, hội nghị thượng đỉnh lần này như một minh chứng cho nỗ lực tăng cường kết nối toàn cầu dựa trên các giải pháp công nghệ và sự đồng thuận đưa ra tiếng nói chung trong các vấn đề nóng.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chia sẻ, những thách thức mới đang xuất hiện trong vài tháng qua, trong đó tình hình bất ổn ở Tây Á đang là vấn đề được tất cả chúng ta quan tâm. Ông khẳng định việc các nhà lãnh đạo có mặt tại hội nghị trực tuyến G20 lần này là minh chứng cho thấy chúng ta lưu tâm tới mọi vấn đề và sát cánh cùng nhau để giải quyết chúng. Và sự đồng thuận của G20 trong vấn đề xung đột Israel - Hamas sẽ là điển hình cho điều đó.

"Chúng tôi tin rằng chủ nghĩa khủng bố là không thể chấp nhận được. Những bên phải chịu trách nhiệm cho những cái chết của dân thường xảy ra ở bất cứ đâu cũng đáng bị lên án", nhà lãnh đạo Ấn Độ chia sẻ, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 khẩn trương đưa ra các hành động nhằm đảm bảo không để xung đột giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas lan rộng, biến thành một cuộc xung đột khu vực. "Đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo kịp thời và liên tục là điều bắt buộc. Điều quan trọng nữa là đảm bảo rằng xung đột giữa Israel và Hamas không diễn ra dưới bất kỳ hình thức khu vực nào", ông bày tỏ.

Sau những giờ thảo luận thực chất và sâu sắc, chia sẻ khi kết thúc hội nghị của Thủ tướng Ấn Độ đã trở thành câu trả lời kiên quyết nhất cho nỗ lực kêu gọi này. Trong tuyên bố kết thúc của mình, ông Modi cho biết sau khi nghe quan điểm của tất cả những người tham gia về tình hình nghiêm trọng ở Trung Đông, ông có thể nói rằng đã có sự đồng thuận trong nội bộ G20 về nhiều vấn đề. "Tất cả chúng tôi đều lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố và bạo lực; không có sự khoan dung nào đối với chủ nghĩa khủng bố", ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng việc giết hại những người vô tội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, là không thể chấp nhận được.

Đáng chú ý, G20 nhất trí rằng viện trợ nhân đạo phải được cung cấp nhanh chóng, hiệu quả và an toàn nhất có thể. Các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo và tin tức về việc thả con tin. Cần phải lưu ý rằng, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 lần này là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo thế giới kể từ khi bùng nổ xung đột giữa Israel và Hamas. Do đó, sự đồng thuận và tiếng nói chung là điều vô cùng cần thiết. Tại hội nghị, các bên đã nhất trí rằng vấn đề xung đột cần được giải quyết thông qua giải pháp hai nhà nước.

"Việc khôi phục hòa bình và ổn định trong khu vực là điều cần thiết", ông Modi nhấn mạnh, đồng thời khẳng định ngoại giao và đối thoại là cách duy nhất để giải quyết căng thẳng địa chính trị. "G20 sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực này bằng mọi cách có thể", nhà lãnh đạo Ấn Độ tuyên bố, thay cho quyết tâm của các nhà lãnh đạo trước thách thức chung. 

Ngay sau khi hội nghị kết thúc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vì sự thành công của hội nghị, trong đó bày tỏ sự đánh giá cao về tính toàn diện và hiệu quả của các cuộc thảo luận dưới sự chủ trì của Ấn Độ.

Bà Von der Leyen cũng hoan nghênh sự tham gia mang tính lịch sử của Liên minh châu Phi với tư cách là thành viên chính thức của G20 trong phiên họp của hội nghị, làm nên tính đa dạng cho các cuộc thảo luận. Thượng đỉnh G20 trực tuyến khép lại với niềm tin và thông điệp mà nước chủ nhà Ấn Độ gửi gắm rằng: "Giữa một thế giới đầy nghi ngờ và thách thức, chính sự tin tưởng lẫn nhau đã ràng buộc chúng ta, kết nối chúng ta với nhau".

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/hoi-nghi-g20-tin-tuong-la-chia-khoa-cho-moi-ket-noi-i714817/

An Nhiên / CAND