Trong căn nhà nhỏ thuộc khu tập thể, người họa sĩ già xúc động chia sẻ cho chúng tôi chuyện đón Tết đặc biệt của gia đình ông thời nhạc sĩ Văn Cao còn sống.

Thú chơi đào độc lạ

Nhớ lại những cái Tết đã qua, họa sĩ Văn Thao bồi hồi nhớ lại: “Đối với cha tôi, đón Tết là khoảng thời gian đặc biệt của gia đình nên ông luôn chu đáo chuẩn bị. Ông là người rất yêu và thích hoa đào. Năm nào cũng vậy, mỗi khi đi mua đào, ông đều nói ông nội con thích chơi đào lắm! Hồi còn ở Hải Phòng, Tết năm nào ông cũng gửi mua một cành đào từ Hà Nội về. Có lẽ, cái thú chơi đào của ông được truyền lại từ ông nội tôi. Và đó cũng là lời lý giải vì sao những hình ảnh hoa đào thường hiện diện trong những bài hát của ông trong những tác phẩm của ông sau này”. 

Còn nhớ, năm 1949, khi cuộc kháng chiến mới đi được nửa chặng đường, nhạc sĩ Văn Cao đã hình dung được ngày chiến thắng, ngày Thủ đô được giải phóng. Để rồi, sau đó ông cho ra đời bài hát Tiến về Hà Nội về. Hình ảnh hoa đào một lần nữa được ông nhắc đến trong ca từ của bài hát: "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào, chạy dòng sương sớm long lanh". 

 

 

 

Lâu dần, thú chơi đào của nhạc sĩ Văn Cao đã trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho ông sáng tác tự bao giờ. Với người nhạc sĩ già ấy, ngày Tết là phải có hoa đào, nếu thiếu thì coi như Tết đó chưa được trọn vẹn. “Cũng chính bởi quan niệm đó mà năm nào cũng vậy, trước Tết vài ngày cha tôi đều đi chợ hoa ở phố Hàng Lược và tự tay chọn một cành đào thật đẹp để chăm sóc. Với ông, cây đào phải khỏe khoắn, tươi tốt, nhiều nụ thì mới nhiều lộc, báo hiệu một năm mới thành công và may mắn. 

Ông đặc biệt thích đào phai, ông thường nói, đào phai như một cô gái đẹp dịu dàng, lộc lá xanh tốt, dáng cành tự nhiên không bị sự can thiệp của con người. Còn bích đào thì luôn bắt mắt từ cái nhìn đầu tiên. Nó như một cô gái được trang điểm rực rỡ nhưng thiếu đi sự tự nhiên vốn có, dáng vẻ lại bị uốn nắn bởi con người nhiều quá. Ông đặc biệt thích sự phóng khoáng, dân dã trong thế của đào phai nên mỗi khi đi chọn đào ông thường đứng ngắm nghía từ nhiều phía khác nhau để chọn cho mình một cành đào ưng ý nhất”, họa sĩ Văn Thao nhớ lại. 

Khi về đến nhà, tùy theo thế của cành đào mà nhạc sĩ Văn Cao chọn cho nó một cái bình riêng phù hợp. Vị trí đặt cành đào trong nhà cũng được ông đặc biệt chú trọng. Không phải đặt tùy tiện hay cố định một chỗ mà phải tùy theo thế của cành đào mà lựa chọn. Ông không thích những cành đào được tạo dáng như một chiếc nơm cũng không thích những cành đào nhỏ cắm trong lọ. 

“Theo cha tôi chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, đào đẹp ở cái thế cành, gốc to khỏe, sần sùi, gân guốc. Nụ nhiều, hoa to, cánh dày, lá lộc xanh để có thể chơi được qua ngày rằm và thường sau ngày 30 Tết hoặc mùng 1 thì hoa mới hé nở rất tươi đẹp. Với sự kết hợp của thế đào cùng chút hoa nở điểm xuyến trên các cành, lá non lộc biếc xanh khiến cho căn nhà ngập tràn sắc xuân. Cho đến bây giờ, gia đình tôi khi đi mua đào cũng lựa chọn theo yếu tố đó. Khi chọn được cành đào ưng ý thì cha tôi chăm sóc cành đào rất tỉ mỉ. Tùy theo thời tiết mà chăm sóc. Trước khi cắm ông thường đốt gốc để hãm nhựa cho cành đào tươi lâu. Ông cũng không bao giờ chọn những cành đào đã nở nhiều, vì hoa nhanh nở sẽ chóng tàn. Có những năm Tết lạnh, đào không nở được, ông phải đốt một chậu than để sưởi cho đào chóng nở”, họa sĩ Văn Thao chia sẻ. 

Năm nào cũng vậy, cứ vào buổi sớm ngày mồng 1 Tết, nhạc sĩ Văn Cao thường pha một ấm trà đặc vừa uống vừa ngắm đào. Ông đếm từng cái nụ và dự đoán số hoa nở vào ngày hôm sau. 

“Tôi vẫn nhớ, có năm, ông mua được một cây đào thế rất đẹp, hoa to dày, màu hoa đỏ thắm, ông ngắm cây đào một cách say sưa, ly rượu cầm trên tay bất động. Một lúc sau ông mới quay lại nhấp một ngụm rượu rồi bảo tôi: "Con có biết không? Chỉ cần nhìn vào cánh đào ngày mồng Một Tết, ta có thể biết được năm đó nhà chúng ta thế nào. Nếu hoa nở thắm đẹp, lộc lá tươi xanh thì năm đó gia đình sẽ có nhiều niềm vui, làm ăn phát đạt, hanh thông. Còn nếu những ngày Tết hoa nở ra bị héo, rũ cánh thì năm đó sẽ có chuyện buồn, ốm đau, bệnh tật, tai nạn, làm ăn thất bát. Sau này, khi đi mua đào con nên chú ý những điều đó”, họa sĩ Văn Thao xúc động nhớ lại.

 

Cái tình trong ngày Tết của người nhạc sĩ già

Nhớ lại những ngày Tết trong quá khứ, họa sĩ Văn Thao vẫn bồi hồi xúc động về cách mà cha mình đón Tết “không giống ai”. Khác với những gia đình khác, mái ấm nhà nhạc sĩ Văn Cao còn ấm cúng hơn bao giờ hết khi gia đình ông còn có những người bạn văn nghệ sĩ, những người miền Nam tập kết ra Bắc. Gia đình người nhạc sĩ già ấy cùng quây quần bên mâm cơm chiều 30 Tết bên những người bạn chí cốt như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thế, họa sĩ Diệp Minh Châu, nhạc sĩ Trương Quang Lục và họa sĩ Nguyễn Sáng, vợ chồng nhạc sĩ Hồ Bông,... những người không được đón Tết ở quê hương mà ở nơi xa xôi. 

“Ngày ấy, để mua được thực phẩm hay những thứ cần thiết để đón Tết khó khăn lắm. Nhưng năm nào cha tôi cũng cố gắng lo trọn vẹn để có mâm cơm nghĩa tình mời anh em bè bạn. Cái tình nghệ sĩ trong những ngày Tết thú vị lắm”, họa sĩ Văn Thao nhớ lại. 

Nhạc sĩ Văn Cao thường căn dặn con cháu cẩn thận chuẩn bị Tết thật chu đáo để ông thết đãi mọi người, như một niềm an ủi những người bạn xa xứ của mình khi miền Nam chưa được thống nhất. “Như thông lệ, vào ngày cuối năm, bố tôi cũng gọi mấy anh em vào căn dặn: “Bố mời một số bạn bè miền Nam đến dự Tết với gia đình ta, các cô chú ấy sống xa gia đình nên những cái Tết như thế này vô cùng nhớ nhà, nhớ quê hương mà đất nước thì chưa giành được thống nhất. Cho nên các con chuẩn bị chu đáo để mời cô chú đến chung vui với gia đình mình, để họ có một cái Tết đầm ấm, trọn vẹn”. 

Đó là những kỷ niệm khó phai của mỗi người thân trong gia đình và cả những người bạn luôn kề vai sát cánh của cố nhạc sĩ”, họa sĩ Văn Thao kể lại. 

Cũng theo lời kể của họa sĩ Văn Thao, bao giờ cũng vậy, những ngày cuối năm, nhạc sĩ Văn Cao đều cùng các con cháu dọn dẹp, sửa sang, bày biện, trang hoàng lại nhà cửa. Đối với mâm cỗ Tết, ông đều rất cẩn thận, chu đáo, có những món ông đích thân vào bếp chuẩn bị cùng các con. Theo quan niệm của nhạc sĩ, mâm cỗ ngày Tết cực kỳ quan trọng, vừa là để mời ông bà tổ tiên về đón Tết, vừa là để quây quần, đoàn tụ cùng gia đình và những người bạn chí cốt của ông. Cho đến tận bây giờ, khi ngồi nhớ lại, họa sĩ Văn Thao vẫn bồi hồi xúc động “đó là những kỷ niệm mà tôi luôn nhớ mãi. Và tôi tin rằng rất nhiều những người bạn của bố sau này khi trở về quê hương vẫn nhớ về những giây phút ấy. Giờ đây, đối với tôi, những kỷ niệm cứ ùa về như những thước phim quay chậm xuyên suốt bức tranh ngày Tết. Thời bao cấp tuy cái Tết không được đầy đủ phong phú như hiện nay nhưng nó thấm đượm tình người và nồng nàn. 

Đến nay, mỗi dịp Tết đến Xuân về, cả gia đình họa sĩ Văn Thao vẫn giữ nguyên phong vị truyền thống của ông cha, cùng nhau làm mâm cỗ chiều 30 và cùng ngồi lại quây quần bên nhau ôn lại những kỷ niệm và tổng kết lại một năm vừa qua. Trong tiềm thức của họ, hình ảnh cố nhạc sĩ hiện lên như một tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau noi theo để mỗi khi nhắc về, sự trân qúy đó vẫn luôn vẹn nguyên và sắt son.

Đỗ Chang

Nụ hôn nồng cháy dưới màn pháo hoa giao thừa kỳ lạ ở Hà Nội

Giữa muôn vàn những ánh sáng pháo hoa tuyệt đẹp mừng năm mới Canh tý 2020, các cặp đôi trao nhau những nụ hôn nồng ...

Kỳ diệu Hà Nội sáng mùng 1 Tết, đường phố bỗng thênh thang

Sáng mùng 1 Tết Canh Tý 2020, các con phố Hà Nội thưa thớt người đi lại, không còn cảnh hàng nghìn phương tiện chen ...

Hà Nội mưa tầm tã tối 30 Tết, kế hoạch bắn pháo hoa có bị vỡ trận?

Nhiều người dân lo ngại, thời tiết Hà Nội mưa lớn sẽ không được chứng kiến màn pháo hoa chào đón năm mới đêm nay. 

/ www.doisongphapluat.com