Thế giới ghi nhận hơn 114 triệu ca nhiễm, hơn 2,5 triệu ca tử vong, giới chức Mỹ chấp thuận sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson.
Thế giới ghi nhận 114.352.240 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.536.847 người đã chết, 89.904.404 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 29.143.549 ca nhiễm và 523.299ca tử vong, tăng lần lượt 58.954 và 1.428 trong 24 giờ qua.
Giới chức Mỹ ngày 27/2 phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 do Johnson & Johnson (J&J) phát triển với người từ 18 tuổi trở lên. Đây là loại vaccine Covid-19 thứ ba được phép sử dụng ở Mỹ, giúp người dân nước này có thêm lựa chọn trong cuộc chiến chống đại dịch.
Vaccine của J&J đạt hiệu quả 66% trong cuộc thử nghiệm trên toàn thế giới với khoảng 44.000 người tham gia. Trong cuộc thử nghiệm tại Mỹ, vaccine của J&J đạt hiệu quả 72% trong 28 ngày. Tại Nam Phi, hiệu quả vaccine của J&J giảm xuống 64%, do biến chủng B.1.351 dễ lây lan chiếm tới 95% ca nhiễm trong cuộc thử nghiệm trên 6.000 người.
Một lọ đựng vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: Reuters. |
Khác với vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna sử dụng công nghệ ARN thông tin để tạo ra phản ứng miễn dịch sau hai mũi tiêm, vaccine J&J với một mũi tiêm sử dụng một loại virus cúm thông thường để đưa protein của nCoV vào cơ thể và kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Vaccine của J&J có thể bảo quản được ở mức nhiệt độ bình thường của tủ lạnh trong ba tháng, trong khi sản phẩm của Moderna phải được bảo quản đông lạnh còn vaccine của Pfizer-BioNTech thậm chí phải cất giữ ở nhiệt độ cực lạnh. Việc không đòi hỏi bảo quản ở nhiệt độ quá thấp giúp vaccine Covid-19 có thể được tiêm cho nhiều người hơn, bao gồm những khu vực có hạ tầng giao thông và cơ sở bảo quản kém phát triển.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ, khuyến cáo dân chúng đeo khẩu trang tới năm 2022, dù tình hình Covid-19 tại nước này có thể đạt "mức độ bình thường đáng kể" vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Fauci cho biết thêm các biện pháp hạn chế nhằm ngăn đại dịch có thể ngày càng được nới lỏng khi có thêm nhiều loại vaccine hơn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ lưu ý đeo khẩu trang là biện pháp rất quan trọng để làm chậm sự lây lan của nCoV. CDC Mỹ cho biết khẩu trang có thể bảo vệ cả người đeo và những người xung quanh họ khỏi nguy cơ nhiễm virus.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 16.758 ca nhiễm và 108 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 11.095.852 và 157.078.
New Delhi ngày 24/2 thông báo mở rộng chương trình tiêm chủng Covid-19, song cảnh báo rằng việc vi phạm các quy định phòng chống dịch có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lây nhiễm ở nhiều bang.
Gần một tháng sau khi Bộ Y tế tuyên bố Covid-19 đã được kiểm soát, các bang Maharashtra và Kerala vẫn ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh do dân địa phương ngày càng không muốn đeo khẩu trang và tuân thủ quy tắc giãn cách.
"Mọi sự lơ là trong việc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn virus lây lan, đặc biệt đối với những chủng virus mới, đều có thể làm tình hình thêm phức tạp", Bộ Y tế Ấn Độ cho biết.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.233 ca tử vong, nâng tổng số lên 252.988. Số ca nhiễm nCoV tăng 59.438 trong 24 giờ qua, lên 10.457.794.
Chính quyền Brazil đang hứng chỉ trích vì triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 chậm chạp và hỗn loạn. Một tháng sau khi triển khai, Brazil mới tiêm cho khoảng 6,2 triệu người trong 212 triệu dân.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kiên quyết không tiêm vaccine và bị cáo buộc "dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng", bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 23.966 ca nhiễm và 185 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.712.020 và 86.147.
Bộ Y tế cho biết số người nhập viện vì Covid-19 cũng như số bệnh nhân điều trị tại các khoa hồi sức tích cực tăng ngày thứ hai liên tiếp, với 25.831 người đang nhập viện và 3.407 người đang được chăm sóc tích cực.
Hơn 3,3 triệu người Pháp đã tiêm vaccine Covid-19. Bộ Y tế Pháp yêu cầu cơ quan y tế khu vực và các bệnh viện "kích hoạt chế độ khủng hoảng" từ ngày 18/2 để chuẩn bị cho đợt gia tăng ca nhiễm do biến chủng virus dễ lây lan hơn. Chế độ này đòi hỏi tăng số giường bệnh hiện có, hoãn phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nhân sự y tế.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, hiện ghi nhận 2.437.760 ca nhiễm và 70.460 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 7.289 và 168 ca so với một ngày trước đó.
Các chuyên gia cảnh báo Đức có thể đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần ba do các biến chủng nCoV.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.329.074 ca nhiễm, tăng 6.208, trong đó 35.981 người chết, tăng 195.
Indonesia đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine kể từ tháng 1, tập trung vào nhân viên y tế. Tuy nhiên, nhiều địa phương từ chối thực hiện, khiến chương trình tiêm chủng của chính phủ gặp thêm nhiều thách thức. Một nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng với tốc độ tiêm vaccine hiện tại, Indonesia sẽ mất hơn 10 năm để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng.
Indonesia hôm 17/2 đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà thứ hai, tập trung vào những người tiếp xúc nhiều với công chúng như người buôn bán ở chợ, giáo viên, cảnh sát, công chức và người trên 60 tuổi.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 574.247 ca nhiễm và 12.289 ca tử vong, tăng lần lượt 2.921 và 42 ca.
Từ vị trí một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines phải hứng chịu đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2020, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt buộc các doanh nghiệp đóng cửa và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)
Hơn 113 triệu ca nCoV toàn cầu, Malaysia bắt đầu tiêm chủng Toàn cầu ghi nhận hơn 113 triệu ca nhiễm, hơn 2,5 triệu ca tử vong vì Covid-19, Malaysia ngày 24/2 khởi động chương trình tiêm ... |
Ca tử vong do nCoV toàn cầu giảm 20% WHO cho biết số người chết do nCoV đã giảm 20% tuần trước, trong khi số ca nhiễm mới trên toàn thế giới cũng giảm ... |