Nhà đầu tư lo ngại kinh tế Hong Kong rơi vào suy thoái sau khi chứng kiến nhiều hoạt động bị tê liệt vì các cuộc biểu tình kéo dài và leo thang.
Hôm qua, Sân bay quốc tế Hong Kong phải đóng cửa vì người biểu tình tràn vào. Hàng trăm chuyến bay trong ngày bị hủy bỏ. Đây là việc chưa từng có tiền lệ. Các chuyên gia kinh tế tại Societe Generale ước tính sân bay này đóng góp 5% GDP cho Hong Kong, cả trực tiếp và gián tiếp.
"Rất nhiều lãnh đạo đang cân nhắc kế hoạch đến và đi tại Hong Kong. Việc này chắc chắn có ảnh hưởng đến hoạt động của công ty họ", Benjamin Quinlan - CEO hãng tư vấn dịch vụ tài chính Quinlan & Associates (Hong Kong) cho biết trên Bloomberg. Dù sân bay sáng nay mở cửa trở lại, bất ổn tại Hong Kong khó có khả năng được giải quyết sớm.
Lo ngại trong ngắn hạn của nhà đầu tư là kinh tế Hong Kong rơi vào suy thoái. Bất ổn nội địa và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang khiến doanh thu bán lẻ lao dốc, gây sức ép lên giá bất động sản và nhấn chìm thị trường chứng khoán 4.900 tỷ USD tại đây.
GDP Hong Kong đã giảm 0,3% trong quý II so với quý trước. Chỉ số sản xuất tháng 7 cũng xuống thấp nhất kể từ năm 2009. Giao dịch bất động sản tháng trước giảm 35% và doanh số bán lẻ cũng giảm tháng thứ 5 liên tiếp. "Chúng tôi dự báo Hong Kong sẽ rơi vào suy thoái", Iris Pang - nhà kinh tế học tại ING cho biết.
Người biểu tình và hành khách rời Sân bay Quốc tế Hong Kong chiều 12/8. Ảnh: Bloomberg |
Mối lo ngại lớn hơn là hình ảnh của Hong Kong trong vai trò trung tâm tài chính - kinh doanh đáng tin cậy, an toàn có thể bị tổn hại nghiêm trọng. Việc này sẽ đe dọa nền kinh tế vốn hưởng lợi từ các chính sách thân thiện với doanh nghiệp và là cầu nối giữa Trung Quốc với thế giới.
Dù chưa đưa ra giải pháp với bất ổn tại Hong Kong, trưởng đặc khu Carrie Lam cho biết chính quyền đang cân nhắc nhiều biện pháp mạnh tay để thúc đẩy tăng trưởng. Những người lạc quan đánh cược rằng các cuộc biểu tình sẽ không gây ra nhiều tổn hại kinh tế, tương tự phong trào biểu tình cách đây 5 năm.
"Những người mua cổ phiếu Hong Kong trong cuộc biểu tình năm 2014 đã thắng lớn", Zhuang Jiapeng - Giám đốc quỹ đầu tư tại Shenzhen JM Capital cho biết. Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, Zhuang mua vào tài sản tại Hong Kong vài tuần gần đây. Nhà đầu tư tại Trung Quốc cũng mua vào cổ phiếu Hong Kong 17 ngày liên tiếp, theo số liệu của Bloomberg.
Dù vậy, chừng đó vẫn chưa đủ bù lại lượng tài sản rút ra bởi nhà đầu tư quốc tế. Vốn hóa trên thị trường chứng khoán Hong Kong đã mất gần 500 tỷ USD kể từ khi cuộc biểu tình trở nên trầm trọng hồi đầu tháng 6. Hôm qua, các chỉ số chính tại thị trường này đã xuống đáy 7 tháng. Phiên hôm nay, Hang Seng Index hiện giảm 1,86%.
Sự bất ổn "kéo dài và bạo lực hơn tôi nghĩ", Steven Leung - Giám đốc Uob Kay Hian (Hong Kong) nhận xét, "Nếu tuần nào cũng thế này, chẳng nhà đầu tư nào muốn mua tài sản ở Hong Kong đâu".
Lo ngại về phản ứng của Trung Quốc với các cuộc biểu tình càng khiến nhà đầu tư bất an. Cổ phiếu Cathay Pacific Airways - hãng bay hàng đầu Hong Kong, hôm qua xuống thấp nhất một thập kỷ vì giới chức Trung Quốc cấm các nhân viên từng tham gia biểu tình bay qua không phận. Một số công ty quốc doanh Trung Quốc cũng đã yêu cầu nhân viên không sử dụng hãng bay này.
Cuộc biểu tình "sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, doanh số bán lẻ và quan trọng nhất là quan hệ giữa Hong Kong với đại lục", Hao Hong - trưởng nhóm nghiên cứu tại Bocom International cho biết, "Nhìn Cathay Pacific mà xem. Ảnh hưởng là rất lớn, và hiện cũng rất khó đánh giá liệu tất cả tác động tiêu cực đã được phản ánh trên thị trường hay chưa".
Kể cả nếu Hong Kong tránh được kịch bản tồi tệ nhất, sức hấp dẫn của thành phố này cũng sẽ giảm sút trong mắt các công ty và nhà đầu tư quốc tế, Brock Silvers - Giám đốc Kaiyuan Capital nhận xét. Cuộc biểu tình "là một trong các thách thức nghiêm trọng nhất đe dọa kinh tế Hong Kong vài thập kỷ qua. Nếu còn tiếp diễn, nó sẽ khiến nhà đầu tư chuyển sang địa điểm khác, như Singapore".
Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tội phạm đã kéo dài hai tháng nay tại Hong Kong và chưa có dấu hiệu lắng xuống bất chấp trưởng đặc khu Carrie Lam nói rằng dự luật "đã chết". Căng thẳng leo thang ở Hong Kong khiến Bắc Kinh lo lắng và tuyên bố nếu cuộc khủng hoảng biểu tình vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền đặc khu, chính quyền trung ương sẽ không khoanh tay đứng nhìn.
Lãnh đạo Hong Kong suýt khóc, cảnh báo 'vực thẳm' do biểu tình |
Gần 150 người biểu tình Hong Kong bị bắt giữ |
Biểu tình Hong Kong làm hàng loạt công ty đa quốc gia ‘khốn đốn’ |