Nạn tranh giả, tranh nhái kéo dài bao lâu nay gây hỗn loạn thị trường tranh mỹ thuật trong nước. Quá bức xúc, nhiều họa sĩ tâm huyết đã quyết tìm giải pháp làm minh bạch thị trường mỹ thuật Việt Nam
Hiện trạng tranh giả, tranh nhái không chỉ làm "loạn" thị trường mỹ thuật mà còn ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh quốc gia trong mắt người mua tranh nước ngoài và tạo điều kiện cho thói gian dối lên ngôi. Nhiều họa sĩ tâm huyết cho biết sẽ hợp lực đấu tranh về pháp lý chống lại những kẻ gian, dù biết sẽ rất khó khăn.
Cái xấu ngang nhiên thách thức
Họa sĩ Lê Thiết Cương lên tiếng mạnh mẽ về nạn tranh chép hiện nay. Ông cho biết tranh của mình và của rất nhiều họa sĩ nổi tiếng bị sao chép bày bán đầy đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP HCM), Nguyễn Thái Học, Hàng Trống, Hàng Gai (Hà Nội). Họa sĩ Đào Hải Phong có nhiều bằng chứng về những bức tranh giả ký tên chính ông. "Nếu bảo tôi chép lại chính tranh của tôi, tôi còn không chép được chính xác như vậy" - ông Phong thổ lộ. Họa sĩ Lim Khim Katy cũng cho biết đã thấy tranh mình bị đạo, nhái rất nhiều nhưng đành "nhắm mắt làm ngơ" và chỉ tập trung vào sáng tác.
Bức "Dư âm phố cổ" của họa sĩ Phạm An Hải bị làm giả
Chẳng mấy khó khăn, họa sĩ Phạm An Hải tìm được nơi phát tán những bức tranh giả nhái bức tranh "Dư âm phố cổ" của mình. Ông còn tìm tới tận "hang ổ" của người làm tranh giả. Nhưng nỗi buồn của người sáng tác bị nhân lên gấp đôi khi người "chủ mưu" lẫn kẻ trực tiếp sao chép tranh, theo lời Phạm An Hải, là "chỗ quen thân lâu năm, anh em trong nghề cả".
Trong lứa họa sĩ nổi danh đương đại thì họa sĩ Đào Hải Phong thuộc tốp đầu bị "đạo", "nhái". Họa sĩ cho biết nạn tranh nhái, tranh giả ở Việt Nam vô cùng "sôi động" và đã kéo dài mấy chục năm nay. Có tranh chép cả chữ ký, có tranh chỉ chép nửa vời, khoảng 50%-70% rồi sau đó ký tên nhận mình tự vẽ. Có tranh nhái phong cách rồi ký tên họa sĩ bị nhái. "Tranh giả càng ngày càng nhiều, mức độ càng lúc càng trầm trọng, tranh giả ngang nhiên xuất hiện trên các sàn đấu giá" - nhà sưu tập Huỳnh Nga khẳng định.
Bức “Phố đêm” của họa sĩ Đào Hải Phong bị nhái
Họa sĩ Đặng Tiến chia sẻ những bức tranh trong triển lãm toàn quốc của ông vào năm 1994 vô tình lại thấy ở một cơ sở kinh doanh. Thoạt nhìn ông lại tưởng tất cả bức ở triển lãm năm 1994, được đưa về đây nhưng hóa ra không phải bởi đó là những tác phẩm nhái trắng trợn. Vụ việc gần đây khiến họa sĩ Đặng Tiến không thể không lên tiếng.
Trang web xuongtranh.vn ngang nhiên rao bán cả tranh giả ký tên nhiều họa sĩ tên tuổi. Mới đây, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn bị một tác giả trẻ khác nghiên cứu kỹ lưỡng rồi nhái toàn bộ phong cách, sao chép mọi ý tưởng rồi mang tranh sang tận Pháp để triển lãm và bán công khai mà không có bất cứ cơ quan nào lên tiếng, can thiệp.
Đánh mất hình ảnh quốc gia
Họa sĩ Bùi Thanh Phương có quá nhiều nỗi buồn khi phải đối mặt với thực trạng tranh của danh họa Bùi Xuân Phái bị làm giả nhiều nhất Việt Nam. Chẳng kể đến các danh họa tên tuổi như Liên - Nghiêm - Sáng - Phái, mà đến lứa họa sĩ thành danh thời kỳ đầu hội họa đương đại cũng bị "đạo", "nhái" khắp nơi, dẫn đến thiệt hại nặng nề không chỉ thuộc về cá nhân các họa sĩ mà còn là hình ảnh quốc gia.
Họa sĩ Thành Chương cay đắng trong vụ triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" treo tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM trong đó có bức tranh của ông bị làm giả ký tên Tạ Tỵ. Thành Chương tức tối đã đành mà gia đình họa sĩ Tạ Tỵ cũng rất bức xúc, đâm đơn kiện lên TAND TP HCM yêu cầu nhà sưu tập Vũ Xuân Chung bỏ tên họa sĩ Tạ Tỵ ra khỏi bức vẽ nhái tranh của họa sĩ Thành Chương.
Nhà sưu tập Huỳnh Nga buồn bã kể: "Hồi xưa, khi chúng tôi hướng dẫn khách mua nước ngoài, họ rất trân trọng tranh Việt, yêu nét đẹp Á Đông trong tranh Việt và mua nhanh, mua không cần toan tính. Nhưng sau này, khi nạn tranh nhái, tranh giả bùng nổ khách mua cũng mất lòng tin. Họ không biết làm thế nào để kiểm chứng được thật giả nên không mua nữa".
Nghệ sĩ sẽ không cô đơn
Mặc dù vụ kiện của gia đình họa sĩ Tạ Tỵ đang đi vào ngõ cụt, đến giờ này vẫn không có cơ quan chức năng nào vào cuộc và kết luận vụ việc nhưng không phải vì thế mà các nghệ sĩ nản lòng. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, câu chuyện xâm phạm bản quyền ở thế giới cũng có, không riêng gì Việt Nam nhưng tỉ lệ của họ nhỏ, chỉ 5%, trong khi Việt Nam thì quá trầm trọng, chiếm tới 50%. Thế nên, các họa sĩ trước khi trông đợi vào các chế tài của nhà nước thì hãy tự bảo vệ tác phẩm của mình trước.
Họa sĩ Phạm An Hải và họa sĩ Phạm Hà Hải cho biết chắc chắn trong tháng 4 và thời gian tới các họa sĩ sẽ có các hoạt động pháp lý để chống lại nạn tranh giả. Dự kiến sẽ sớm có "án điểm" để nâng cao nhận thức về việc này. Họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương, nguyên Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cũng cho hay bà đang chuẩn bị một hồ sơ khiếu nại theo đường hành chính lên Thanh tra bộ vì vi phạm bản quyền tranh.
Họa sĩ Lê Thiết Cương nhấn mạnh: "Biết là rất khó nhưng không phải vì khó mà không làm. Là người văn minh và có tự trọng không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những việc sai trái của xã hội".
Cần tạo môi trường mỹ thuật minh bạch "Đề nghị Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh có phương án mở trong việc đăng ký bản quyền, cho đăng ký online công khai tác phẩm để giảm thiểu chi phí và thủ tục cho nghệ sĩ. Đồng thời, sẽ có một ngân hàng dữ liệu về nền mỹ thuật, để giảng dạy cho sinh viên mỹ thuật, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập tham chiếu. Đây là lợi ích rất lớn cho tất cả các bên" - họa sĩ Phạm Hà Hải nói. Họa sĩ Phạm An Hải đề xuất Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh thành lập hội đồng chức năng giám định tất cả những trường hợp có tranh chấp để tạo môi trường mỹ thuật minh bạch. Họa sĩ Lê Thiết Cương đòi xử nặng hành động tiếp tay: "Tình trạng tranh giả, tranh nhái lâu nay đã thách thức toàn bộ lòng tự trọng của một xã hội. Người ta thuê nhà mặt tiền, bán đồ ăn cắp, với giá trị rất lớn, bằng thái độ rất ngang nhiên. Nếu có bị xử lý thì cũng chỉ là phạt hành chính rất nhẹ. Trong khi, lẽ ra tội buôn bán bất chính, tiêu thụ đồ giả, đồ gian phải là tội hình sự". |
Condotel: Thừa hay thiếu? Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng chưa có cơ sở để nói condotel thừa hay thiếu tuy nhiên có tình trạng tăng ... |
Tạo cơ sở pháp lý thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, chiều 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, ... |