Mực nước sông Hồng lên cao, nhiều hộ dân sinh sống tại vùng bãi ven sông của tỉnh Hưng Yên hối hả di dời hoa màu, cây trồng ra khỏi vùng ngập đến nơi an toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, vào khoảng 23h45 đêm ngày 10/9, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, tại các điểm vườn thuộc khu vực vùng bãi ven sông như Phụng Công, Xuân Quan, Tân Hưng rất đông hộ dân sinh sống tại đây đang khẩn trương di dời cây trồng, hoa màu ra khỏi vùng ngập, đến nơi an toàn.
Chị Đinh Thị Thanh Hà (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết, nước sông Hồng bắt đầu dâng cao từ 21h tối, người dân tại khu vực liền hô hào nhau di tản đến nơi an toàn, đề phòng nước tiếp tục dâng cao.
“Cũng tầm giờ này 30 năm trước, cả làng thức trắng đêm canh báo động số 4 vì sắp vỡ đê, không ai dám ngủ chỉ sợ tiếng gõ kẻng kêu lên là không kịp chạy. Khi ấy, may trời thương cho mọi việc suôn sẻ, giờ khung cảnh lúc đó lại trở về, cứ vừa lo lại vừa xót đám hoa màu trong vườn. Ở đây cây trồng với chúng tôi là cả nguồn sống, nên chạy lũ cũng nhất định phải ôm đi cùng”, chị Hà vừa chuyển chậu hoa hồng kép lên xe tải vừa rưng rưng chia sẻ với phóng viên.
Hình ảnh ghi nhận mực nước tại sông Hồng vào lúc 23h00 ngày 11/9 tại cầu Long Biên là 10,60m (trên mức báo động 2 là 0,10m) |
Chị Ngọc Ánh (chủ nhà vườn tại xã Phụng Công, Văn Giang) cho biết, gia đình bắt đầu ươm khoảng hơn 3ha hoa hồng giống để bán vào dịp Tết Ất Tỵ, vừa rồi bão Yagi quét qua, vườn hoa giống vừa đổ nát, dập hỏng lại ngập úng trong nước liên tục mấy ngày.
“Đợt bão Yagi quét qua vườn, tôi tính sơ sơ thiệt hại khoảng 40 - 50 triệu đồng. Đầu giờ chiều cũng có nghe thông tin báo động số I trên tỉnh xuống nhưng vẫn cố thủ hy vọng đến tối nước sẽ rút vì thấy trời không mưa. Thế mà đến khoảng 9h30 tối, mưa lớn xong nước dâng nhanh, thấy không ổn là tôi hô hoán nhân viên thuê xe chở toàn bộ cây sang vườn ươm bên Yên Mỹ cho chắc ăn”, chị Ánh chia sẻ thêm.
Rạng sáng ngày 11/9, người dân đang khẩn trương di dời vườn cây phát tài núi thuộc xã Văn Đức (Văn Giang, Hưng Yên) ra khỏi vùng nước ngập |
Nhiều hộ gia đình trồng hoa và cây cảnh ở khu vực Xuân Quan, Phụng Công cũng cùng chung cảnh ngộ như gia đình nhà chị Ánh, tính sơ bộ thiệt hại do bão số 3 gây ra lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài thiệt hại về hoa, cây giống, người dân ở đây còn bị thiệt hại cả nhà vườn do bị bão làm đổ sập. Đứng trước nguy cơ tình trạng nước sông Hồng dâng cao gây ngập úng kéo dài, người dân tại đây cũng đã khẩn trương có những phương án di dời cây trồng, hoa màu nhằm nhanh chóng khắc phục thiệt hại do mưa lũ.
Xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) là vùng đất trồng hoa và cây cảnh phục vụ cho nhu cầu chơi Tết của nhân dân khắp các tỉnh, thành trên cả nước cũng đang chịu cảnh ngập trong biển nước |
Cảnh mênh mông nước tại 74ha quất cảnh trên địa bàn huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên |
Theo thống kê sơ bộ của UBND tỉnh Hưng Yên, do ảnh hưởng trực tiếp của cơ bão số 3 đã gây thiệt hại nhiều diện tích nông nghiệp, ước tính là 40 tỷ đồng. Cụ thể, bão số 3 đã gây thiệt hại trên 14.000 ha hoa màu; trong đó, diện tích lúa là trên 12.000 ha; cây ăn quả trên 1.800 ha; cây rau màu gần 500 ha, còn lại là các cây trồng khác.
Trước đó, chiều ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Hưng Yên đã ban hành Công điện khẩn số 02/CĐ-PCTT về việc phát lệnh báo động số I trên tuyến đê tả sông Luộc kể từ 13h ngày 10/9/2024. Tại buổi sáng cùng ngày, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cũng đã có Công điện khẩn số 01/CĐ-PCTT phát lệnh báo động I trên tuyến đê tả sông Hồng.
Theo nội dung công điện, do mực nước trên sông Luộc lúc 12h trưa ngày 10/9 tại Trạm thủy văn La Tiến là 4,25m (trên báo động I là 5cm) và tiếp tục lên, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hưng Yên yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện: Tiên Lữ, Phù Cừ và TP. Hưng Yên; các sở, ngành chức năng có liên quan thực hiện việc canh gác đê theo cấp báo động. Tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu; kiểm tra, rà soát và chuẩn bị các loại vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương án hộ đê, phòng, chống thiên tai của địa phương và của ngành.
Trước tình hình nước sông Hồng lên nhanh, từ 7h đến 15h ngày 10/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành 1 công văn và 3 công điện yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp cấp bách nhằm bảo vệ an toàn đê điều, hoa màu và tài sản, tính mạng của người dân.