Hôm 24/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại nước này với lý do xung đột tại Ukraine.
- Nga: Không có hạn chót nào cho chiến dịch ở Ukraine!
- Hungary ban bố tình trạng khẩn cấp vì cuộc xung đột tại Ukraine
- Ukraine sắp nhận tên lửa diệt hạm Harpoon cực "khủng"
Thủ tướng Viktor Orban quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp chỉ vài giờ sau khi quốc hội Hungary thông qua gói biện pháp để Budapest phản ứng trước các tình huống khủng hoảng.
Ông Viktor Orban đã thông báo về việc ban bố tình trạng khẩn cấp trong đoạn video phát trên trang Facebook cá nhân. Tình trạng khẩn cấp tại Hungary sẽ có hiệu lực ngay nửa đêm 24/5 và các động thái đầu tiên sẽ được thông báo ngày 25/5.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Theo Thủ tướng Viktor Orban, các biện pháp này sẽ trao cho chính phủ của ông "không gian và khả năng phản ứng ngay lập tức" do hệ quả của cuộc xung đột tại Ukraine.
“Để bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của Hungary, để đảm bảo chúng ta không xảy ra chiến tranh và bảo vệ các gia đình Hungary, chính phủ cần có khả năng điều động và khả năng hành động ngay lập tức”, ông Viktor Orban cho biết.
Trước đó, Quốc hội Hungary cũng đã thông qua sửa đổi hiến pháp, cho phép thủ tướng có thẩm quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu có chiến tranh hoặc thảm họa nhân đạo ở một quốc gia láng giềng.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine vào tháng 2, Hungary là một trong số ít các nước châu Âu phản đối mạnh mẽ đề xuất cấm dầu khí Nga của Liên minh châu Âu (EU).
Sau khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp vào hôm 16/5, Thủ tướng Viktor Orban đưa ra tuyên bố gay gắt, dành những lời chỉ trích đối với EU.
Theo đó, ông cáo buộc Brussels lạm dụng quyền lực, đồng thời cho rằng ban lãnh đạo EU đang tìm cách giảm bớt chủ quyền của các quốc gia thành viên. Thủ tướng Viktor Orban cam kết sẽ đối phó với áp đặt của EU.
Ông cũng nhấn mạnh, Budapest nên duy trì một chính sách độc lập trong liên minh châu Âu, Thủ tướng Hungary lập luận rằng điều tương tự cũng áp dụng với tư cách thành viên NATO. Hungary hiện là thành viên của cả EU và NATO.
Sau thời gian dài thảo luận, EU hiện vẫn bế tắc, chưa thể thống nhất gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga. Nguyên nhân được cho là sự chia rẽ trong nội bộ khối, trong đó Hungary là quốc gia phản ứng mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt.
Thủ tướng Hungary so sánh đề xuất mới nhất của EC về việc loại bỏ xuất khẩu dầu của Nga trong toàn khối với việc “thả một quả bom hạt nhân vào nền kinh tế Hungary".
Theo ông Viktor Orban, sẽ tốn hàng nghìn tỷ USD và mất tới 5 năm để Hungary chuyển từ dầu của Nga sang các loại dầu thay thế. Ông cũng lưu ý Hungary hiện không thể bắt đầu quá trình này.
https://vtc.vn/hungary-ban-bo-tinh-trang-khan-cap-vi-cuoc-xung-dot-tai-ukraine-ar678749.html