Trong một thời gian ngắn, các án mạng thương tâm mà người thân gây ra cho nhau, đều xoay quanh vấn đề quyền lợi và tiền bạc. Còn những chuyện như kiện tụng, chà đạp, gây tổn thương cho nhau xung quanh chữ tiền, ở những người máu mủ trong xã hội đương đại ở xứ ta, không còn là chuyện hiếm.
Đồng tiền xâm hại tình thân
Chưa hết bàng hoàng với những chiếc quan tài trong gia đình người em, mà kẻ gây án không ai khác là anh trai ruột, ở Hà Nội, giờ lại đến cả gia đình em gái bị sát hại, bởi người anh trai, ở Thái Nguyên.
Phạm tội thì chịu tội, nhưng sao chúng ta không thể bớt rùng mình, khi hình dung ra những nhát dao oan nghiệt kia vung vào mạng sống của nhau, lại là từ những người có cùng cha mẹ đẻ ra.
Những kẻ ấy cũng không phải là trẻ nữa. Đa phần đã gần như đi hết một đời người, đã lên ông lên bà, đã mang trong mình sứ mệnh yên vị gia phong, vững vàng gia thế, kết nối anh em con cháu cho những nếp nhà. Họ sống qua nhiều giai đoạn của xã hội, yên lặng trong những giai đoạn khốn khó, và tính ác thú nổi lên những đồng tiền bắt đầu mọc lên nhiều hơn trong cuộc sống của họ.
Trong đời làm báo của mình với 2 năm làm mảng toà án cho một tờ báo khu vực phía Nam, gần như ngày nào các toà xử, cũng có một vụ tranh chấp từ những người thân với nhau. Lúc thì tranh chấp nhà đất do cha mẹ để lại. Lúc thì kiện luôn cả mẹ mình về vấn đề thừa kế. Lúc thì mẹ kiện con vì con đẩy mẹ ra đường chiếm đoạt tài sản. Lúc thì những anh chị em phải đối diện án tù vì hành hung nhau trong những tranh chấp vật chất.
Đấy là chưa kể đến những vụ chưa ra toà. Từ đơn thư bạn đọc, người anh kêu cứu vì bị người em lừa bán nhà; người con ruột kêu cứu vì mẹ bắt cháu nội đi bán lấy tiền; rồi những người con thành đạt hành hung mẹ già chỉ vì "chia không đều" nhà cửa...Ôi những cái vòng quẩn quanh nghiệt ngã của vật chất và tiền bạc, nó nhuốm con người ta vào những vũng đen nhân tính, pha loãng máu mủ đến mức tàn nhẫn.
Người ít học, người học nhiều cũng đều có những vấn đề như vậy. Đó, một nhà văn lẫy lừng đất Bắc, con cái ông cũng toàn những trí thức, nghệ sĩ lớn đấy, đã ầm ĩ các mặt báo những năm qua bằng những luận điệu từ mặt rồi hận thù nhau không ngớt...
Chuyện này nhiều đến mức mà tôi từng không muốn viết nhiều vì mỗi lần viết như một lần tô một dấu chấm đen vào xã hội, nhận thêm một nỗi đau về gia phong, về tình nghĩa vào lòng mình.
Nhiều năm trôi qua, khi tôi không còn làm phóng viên toà án nữa, tôi vẫn thường xuyên thấy trên các báo những dòng tít về đề tài này. Đau đớn lắm, khi đọc hai vụ án gần nhau nhất, của những ngày qua. Và tôi phải đặt câu hỏi tại sao. Và tôi buộc phải nghĩ, mình sẽ làm gì nếu người thân của mình rơi vào những cảnh tượng như vậy...
Gia phong, nếp nhà đảo lộn
Chuyện tranh chấp quyền lợi gia đình, thậm chí đến mức thảm án, xảy ra ở mọi xã hội, ở mọi quốc gia, dù là nước lạc hậu, nước đang phát triển hay là nước văn minh. Kiện tụng nhau vì quyền lợi bị xâm phạm, điều đó hết sức bình thường và pháp luật cho phép.
Sẽ là bình thường trong xã hội tân thời, khi con người ngày càng được ý thức về sự công bằng của bản thân và dạy về sự chịu trách nhiệm với cuộc sống. Nếu bạn cảm thấy không được công bằng trong quyền lợi bạn có thể nhờ pháp luật trả lại công bằng cho mình. Nếu pháp luật bảo đảm được cho bạn, đó là điều hay...
Nhưng, rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngẫm đắng nuốt cay thế nào...Ừ, thì cuối cùng cũng kéo nhau ra ký vào những tấm giấy thoả thuận với sự làm chứng của pháp luật, nếu gia đạo êm ấm, chữ ký chỉ là vấn đề thủ tục. Nhưng đi đến kiện tụng, rõ ràng trong đó có sự xâm phạm, có sự toan tính, có cả sự cạn tàu ráo máng của cái tình cái nghĩa.
Quê tôi có một gia đình nọ, có cô em gái đã lấy chồng, khi cha mẹ chết được thừa kế một phần đất đai. Từ trước đến khi nhận thừa kế, cô và các anh cô sống hoà thuận lắm. Sau khi cô nhận phần đất của mình, cô thuyết phục vài anh chị em bán đất cho mình với giá tình giá nghĩa. Sau khi làm xong thủ tục, cô bán ngay với giá cao gấp 5 gấp 6 lần "giá tình giá nghĩa"mà cô dùng sự thân tình để mua được. Ừ thì thuận mua vừa bán, nhưng trong cái thương vụ ấy có cái lọc lõi, có cái tham lam, có cái tệ bạc trong đối nhân xử thế mà lẽ ra, khi người ta còn tình thân nghĩa mến, họ không nên làm vậy.
Thực sự thì chẳng cha mẹ nào, dù cha mẹ giàu có hay cha mẹ nghèo khó là không dạy con mình yêu thương đùm bọc, chị ngã em nâng. Gia đình khe khắt thì bắt con cháu tôn trọng gia phong, gìn giữ nếp nhà. Bằng chứng là những người trước trong những gian từ đường, họ để lại những hoành phi câu đối để dặn con cháu giữ lễ giữ nghĩa, hoà thuận hiếu trung...
Nhưng rồi, đồng tiền đã khiến họ chà đạp lên tất cả. Kể cả gia phong, nề nếp mà đã nhiều thế hệ ông bà đã gìn giữ kể cả khi họ chết đi.
Tôi thích nhìn lớp con cháu phát triển theo xu hướng hiện đại, thích công bằng, sòng phẳng, tôn trọng lao động. Nhưng tôi vô cùng ngưỡng mộ ông bà giữ nếp gia phong, giữ yên gia đạo. Cái đó là cái gốc rễ để con cháu thấy mình có truyền thống, mình có sợi chỉ đỏ xuyên suốt để sống tốt giữa bao phong ba thời cuộc và vần xoay của cơm áo gạo tiền.
Cha ông luôn tôn trọng nề nếp gia đình, tôn trọng tình thân, muốn con cháu vì nhau mà phát triển. Đó là những cái căn bản của cuộc sống, những quy chuẩn của lẽ đời mà dù chúng ta có đi Tây đi đông cũng lấy làm kim chỉ nam mà gìn giữ. Vì một số quyền lợi vật chất đến mức phải đưa nhau ra toà, đến mức làm tổn thương nhau, đến mức phải làm hại nhau, thì chỉ có thể là đánh mất căn bản cuộc sống, mất quy chuẩn lẽ đời.
Khi bạn có thể tệ bạc với người thân của mình, chắc chắn bạn sẽ không trở thành người tốt đẹp khi ra ngoài xã hội. Gia đình và người thân là điều kiện cần và đủ cho bạn giữ chữ tín, bạn trọng chữ tình. Đừng trách người đời sao miệng lưỡi, lẽ đời sao lắm chuyện, nếu như mình không sống đàng hoàng tốt đẹp ngay cả với người thân.
Lũ trẻ không còn chốn về
Sau những mất mát của người thân gây ra cho nhau, điều tổn hại lớn nhất là những đứa trẻ. Con ông này hay cháu bà kia, sau khi ông này "cạch mặt" bà kia, đã đổ thêm cả hận thù vào con vào cháu. Máu mủ nhạt phai, anh em xa dần, và nguy hiểm hơn là, những đứa trẻ trong veo ấy không thể nhìn nhau và hành xử với nhau bình thường được trong một thời gian dài mà người lớn còn lùng nhùng quyền lợi.
Một người ngã xuống vì một nhát dao của người thân, dù muốn dù không, những đứa trẻ tiếp theo phải mang một mối thù mất cha mất mẹ, mang nỗi đau của những đứa trẻ mất mát điểm tựa. Nếu chúng vượt qua được số phận cay đắng, thì cũng khó mà vượt qua được những nghiệt ngã trong tâm tính do vết thương quá lớn để lại trong lòng chúng.
Suy cho cùng, hậu quả không chỉ nhìn thấy ở sự mất nhau và chịu tội trước pháp luật, mà kinh hãi hơn, nó huỷ hoại cuộc sống, tâm hồn và sự bình thường của những đứa trẻ dù là con của nạn nhân hay con của thủ phạm.
Chúng chứng kiến toàn bộ những tham lam giành giật, những phũ phàng lường gạt, những giết chóc oan khiên ấy; để rồi khi nghĩ về người thân, trong lòng chúng sẽ chỉ thấy một màu đen. Chúng mất điểm tựa. Chúng mất cái ấu thơ trong trẻo. Chúng mất cả cái nếp nhà đẹp đẽ mà ngày giỗ, ngày Tết chúng cần được quần tụ với nhau, vui đùa thân mật như bao đứa trẻ Việt Nam suốt hàng ngàn năm qua...
Người lớn ạ, chúng ta bớt tham lam một chút đi, chúng ta bớt sân si một chút đi, chúng ta bớt ích kỷ một chút đi khi nhìn vào một đứa trẻ. Các vị có hạnh phúc không khi những ngày đoàn tụ trong năm, có cô có cháu có anh có em có ông có bà nói cười ríu rít rồi tìm cách giúp đỡ nhau khi một trong số các bạn gặp khó khăn? Các vị thấy ấm áp không khi nhìn thấy những đứa trẻ cùng chơi đùa và dạy dỗ nó cách bảo bọc nhau trong tình nghĩa ruột rà?
Cha ông để lại cái gia phong đáng quý lắm. Cha ông giữ cái nếp nhà đáng giá lắm. Không có cái giá nào cao hơn cái giá đó đâu, đừng vì cái vật chất tầm thường mà huỷ hoại đi tất cả!
Hoàng Nguyên Vũ
Theo SKMT