Ngày 8.2, TAND TPHCM đã mở phiên sơ thẩm, xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Huỳnh Thị Huyền Như (sinh 1978, nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, thuộc Vietinbank - chi nhánh TPHCM) và Võ Anh Tuấn (sinh 1972, nguyên Phó GĐ Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè).
Giả hồ sơ, giả chữ ký, ngã giá phí môi giới qua điện thoại...
Vào tháng 5.2011, biết được một số Cty ở Hà Nội có nguồn tiền lớn muốn gửi ngân hàng, Huyền Như đã bàn với Võ Anh Tuấn - Phó GĐ Vietinbank Nhà Bè - ra Hà Nội gặp các Cty trên. Như mạo nhận tên Quyên, là nhân viên Vietinbank Nhà Bè, đang có nhu cầu huy động vốn... Như mở các tài khoản tại Vietinbank, lấy mẫu dấu của các Cty, ra đường Phạm Hồng Thái (quận 1) thuê khắc con dấu giả, để sử dụng lập chứng từ giả...
Để chiếm đoạt tiền của Cty Hưng Yên, Như tham khảo ý kiến của Võ Anh Tuấn, sửa hợp đồng, giả chữ ký của Hà Tuấn Anh và Võ Anh Tuấn (lúc đó là GĐ và phó GĐ Vietinbank Nhà Bè) v.v... Như làm giả 8 hợp đồng tiền gửi, giả các chữ ký, giả con dấu để huy động của Cty Hưng Yên 537 tỉ đồng.
Khi tiền đã vào tài khoản, Như làm giả 14 lệnh chi, ký giả chữ ký giám đốc Cty Hưng Yên trên các lệnh chi nhằm chuyển 537 tỉ đồng từ tài khoản Cty Hưng Yên đến tài khoản các Cty, cá nhân do Như lập ra hoặc mượn của người khác, để tiếp tục chuyển tiền thanh toán cho nhiều tổ chức và cá nhân, nhằm trả nợ lãi suất cao, mà Như đã vay trước đó. Như đã chiếm đoạt 200,1 tỉ đồng của Cty Hưng Yên.
Trong năm 2011, Như biết Cty SBBS có nguồn tiền nhàn rỗi đang gửi tại các ngân hàng khác, Như lên kế hoạch huy động SBBS dưới dạng hợp đồng uỷ thác đầu tư vốn về Vietinbank Nhà Bè, với lãi suất 14%/năm trên hợp đồng và lãi chênh lệch ngoài hợp đồng là 2%/năm - 7%/năm. Như đã làm giả 14 hợp đồng uỷ thác đầu tư vốn giữa SBBS và Vietinbank Nhà Bè, ký giả chữ ký bà Yei Pheck Joo (người Malaysia, Tổng Giám đốc SBBS) và đóng dấu giả Vietinbank Nhà Bè, để chiếm đoạt tiền của SBBS.
Sau khi tiền SBBS đã chuyển về tài khoản, Như lập các lệnh chi, ký giả chữ ký lãnh đạo SBBS, rồi chuyển tiền từ tài khoản SBBS để trả cho các tổ chức, cá nhân mà Như đã vay tiền. Như đã chiếm đoạt của SBBS 209,9 tỉ đồng. Với TCty Bảo hiểm Toàn Cầu (BH Toàn Cầu), Như lập giả 5 hợp đồng uỷ thác đầu tư giữa BH Toàn Cầu và Vietinbank Nhà Bè; ký giả 4 chữ ký của Hà Tuấn Anh và giả 1 chữ ký của Võ Anh Tuấn và đóng dấu giả Vietinbank Nhà Bè.
Từ đó, Như chiếm đoạt của BH Toàn Cầu 124,9 tỉ đồng. Tại Cty Phương Đông và Cty An Lộc, liên quan đến Lê Thị Thanh Phương - Giám đốc khối nguồn vốn Ngân hàng TMCP Tiên Phong. Phương thoả thuận với Như, NH Tiên Phong thông qua 2 Cty Phương Đông và An Lộc, gửi vào Vietinbank TPHCM, lãi suất hợp đồng 14%/năm, trả chênh lệch ngoài hợp đồng từ 5-5,5%/năm.
Từ tháng 8 - tháng 9.2011, Như lập 4 lệnh chi, giả chữ ký ông Nguyễn Hữu Chương - Chủ tịch HĐQT Cty An Lộc và đóng dấu giả Cty An Lộc để chuyển 170,3 tỉ đồng từ tài khoản Cty An Lộc đến Cty Thịnh Phát 50 tỉ đồng, Công ty Phúc Vinh 120,3 tỉ đồng để Như trả nợ trước đó.
Để chiếm đoạt tiền của Cty Phương Đông, từ ngày 11.8.2011 đến 12.9.2011, Như đã tự thao tác trên hệ thống Vietinbank (không có lệnh chi của chủ tài khoản) tự trích chuyển 380 tỉ đồng từ tài khoản Cty Phương Đông chuyển cho Cty Đức Minh Quang 100 tỉ đồng, Cty Thịnh Phát 150 tỉ đồng, Cty Phúc Vinh 130 tỉ đồng để trả nợ cá nhân. Tổng cộng, Như đã chiếm đoạt 550,3 tỉ đồng của Cty Phương Đông và Cty An Lộc.
Bị cáo Như khai nhận các hợp đồng tiền gửi với 5 Cty trên đều thực hiện qua điện thoại, ở quán càphê, trả treo mức phí môi giới hàng tỉ đồng qua điện thoại, mà khách hàng không cần trụ sở v.v... Như chuyển 10 tỉ đồng qua Cty XNK Hoàng Khải để Tuấn xây dựng nhà máy chà gạo ở An Giang. Như chi tiền môi giới cho Lê Thị Huyền Trân (Cty chứng khoán Beta) 5 tỉ đồng, chi cho Lê Thị Trúc Giang - kế toán BH Toàn Cầu 1,7 tỉ đồng...
Tương tự, Như khai chi tiền môi giới cho Lê Thị Thanh Phương - GĐ khối nguồn vốn NH Tiên Phong, 40 tỉ đồng tiền chênh lệch ngoài hợp đồng. Phương yêu cầu Như chuyển tiền vào tài khoản mang tên Lê Tuấn Anh (em trai Phương), Ngô Quang Trung (chồng Phương) 5,4 tỉ đồng...
Tại toà, Như khẳng định, thời điểm đó, Vietinbank không có nhu cầu huy động vốn với lãi suất cao, không chỉ đạo trả lãi chênh lệch ngoài hợp đồng... Nhưng do áp lực phải trả nợ cá nhân vay ngoài, nên Như đã nảy ra ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi từ khách hàng...
Tranh luận căng thẳng xung quanh “tài khoản hợp lệ”
Đại diện 5 Cty bị hại đồng loạt đề nghị Vietinbank phải chịu trách nhiệm trong việc phải hoàn trả số tiền 1.085 tỉ đồng, kèm lãi suất và lãi phát sinh quá hạn lên đến hàng trăm tỉ đồng v.v... Các luật sư bảo vệ cho 5 Cty cho rằng, tài khoản mà các Cty mở tại Vietinbank TPHCM và Vietinbank Nhà Bè là “hợp lệ, hợp pháp, theo đúng quy định”. Ngoài ra, nguồn tiền vào các tài khoản cũng là tiền thật, vì vậy phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này...
Tuy nhiên, đại diện Vietinbank phản bác và cho rằng, bản chất vụ án này là “lừa đảo, chiếm đoạt” của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như. Bởi, nó thể hiện rất rõ qua các hành vi làm giả hồ sơ, giả chữ ký, đóng dấu giả v.v... của bị cáo Như. Việc làm đó, có sự tiếp tay của nhân viên từ 5 Cty, nhằm động cơ tư lợi... Thậm chí, có dấu hiệu một số Cty là “sân sau” của một số ngân hàng khác, nhằm lập ra để gửi tiền hưởng hoa hồng môi giới và lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng.
Tài khoản các Cty mở tại Vietinbank tưởng như “hợp lệ”, nhưng mục đích tạo ra tài khoản đó nhằm phục vụ cho hành vi lừa đảo, nên trái quy định của luật pháp. Hành vi lừa đảo của bị cáo Như qua mặt cả Vietinbank và lừa đảo khách hàng. Vì vậy, bị cáo Như phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của mình...
Cựu lãnh đạo VietinBank không đến phiên xử Huyền Như do \'đang ở Mỹ\' Hai trong ba cựu lãnh đạo VietinBank Chi nhánh TP HCM không đến tòa theo lệnh triệu tập do "đang ở Mỹ" và "đã nhập ... |
Xử Huỳnh Thị Huyền Như ngay sau khi kết thúc đại án Phạm Công Danh Theo dự kiến, ngay sau khi kết thúc phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và 45 đồng phạm, TAND TP.HCM sẽ đưa đại án ... |