Khi tranh chấp đang diễn ra ngày càng gia tăng trên biển Aegean - một vùng biển ở phía Đông Bắc Địa Trung Hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo Hy Lạp phải lùi lại và ngừng quân sự hóa các đảo ở vùng biển này; nếu không, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng mọi biện pháp có sẵn để bảo vệ quyền của mình. Đây được xem là sự leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.
- Hy Lạp: Chính phủ lao đao vì bê bối nghe lén
- Nghi phạm tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ đã “nằm vùng” 4 tháng trước
Khí tài quân sự của Hy Lạp trên một hòn đảo ở biển Aegean, ngày 18-9.
Phát biểu trong một cuộc họp báo chung ở thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) với Ngoại trưởng Romania Bogdan Aurescu mới đây, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói: “Hy Lạp cần phải từ bỏ điều này. Hoặc là họ lùi lại một bước và tuân thủ các thỏa thuận hoặc chúng tôi làm bất cứ điều gì cần thiết”. Bình luận mới nhất của ông M.Cavusoglu được đưa ra sau thông tin về các cuộc tập trận quân sự của Hy Lạp liên quan đến xe tăng, pháo binh và máy bay trực thăng tấn công được tổ chức ở các đảo Rhodes và Lesbos thuộc quần đảo Aegean.
Mặc dù đều là đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã bất hòa trong nhiều thập kỷ qua một loạt tranh chấp song phương. Nhìn lại lịch sử tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tại Địa Trung Hải, tranh chấp trên biển Aegean đã kéo dài từ năm 1973 đến nay. Hai nước đã đi đến bờ vực chiến tranh vào năm 1996 vì một hòn đảo nhỏ không có người sinh sống ở biển Aegean, được gọi là đảo nhỏ Imia ở Hy Lạp và Kardak ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một tàu chở hàng của Thổ Nhĩ Kỳ đã mắc cạn ở Imia vào tháng 12-1995 và cả hai nước đã gấp rút trục vớt nó. Thổ Nhĩ Kỳ từ chối sự giúp đỡ của Hy Lạp và chủ quyền của nước này đối với Imia. Ngay sau đó, cả hai nước đều di chuyển lực lượng hải quân của mình về phía Imia, dẫn đến bế tắc kéo dài đến tháng 1-1996. Vấn đề này đã thu hút sự quan tâm của quốc tế khi cả hai nước đều sẵn sàng cho một tình huống tranh chấp quân sự, tuy nhiên, sự can thiệp của cộng đồng quốc tế đã ngăn chặn sự leo thang hơn nữa. Từ đó đến nay, xung đột vẫn thường xuyên diễn ra giữa hai nước.
Hiện tại, Hy Lạp kiểm soát đảo phía Đông, còn đảo phía Tây do Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ. Căng thẳng hai bên vẫn tiếp tục leo thang mặc dù lãnh đạo hai nước này luôn thể hiện quan điểm sẽ giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.
Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ trong khu vực Địa Trung Hải những năm gần đây đã làm dấy lên một cuộc tranh giành nguồn tài nguyên giữa Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, cũng như Cộng hòa Síp và Israel. Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường hoạt động khoan thăm dò ngoài khơi đảo Síp, gây ra sự phẫn nộ của nhiều nước trong khu vực và Liên minh châu Âu (EU).
Năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã leo thang các khiếu nại về việc Hy Lạp quân sự hóa các hòn đảo gần bờ biển của mình. Ông M.Cavusoglu nhắc lại tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ rằng, Hy Lạp bị cấm thiết lập sự hiện diện quân sự trên các đảo theo Hiệp ước Lausanne năm 1923, hiệp ước chính thức hóa hòa bình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh trong Thế chiến I, trong đó có Hy Lạp, cùng Thỏa thuận Paris năm 1947 chứng kiến Italia nhượng lại quần đảo trên cho Hy Lạp. “Hy Lạp không thể vũ khí hóa những hòn đảo này vì các thỏa thuận trên là hiệp ước hòa bình”, Ngoại trưởng Hy Lạp lưu ý.
Đáp lại, Hy Lạp cho rằng quyền sở hữu của họ cho phép việc quân sự hóa để có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình, nhấn mạnh đến hiện diện quân sự khá lớn của Thổ Nhĩ Kỳ trên bờ biển Aegean.
Tranh chấp leo thang giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ về các nguồn năng lượng ở phía Đông Địa Trung Hải đang nhanh chóng bị quân sự hóa, làm tăng nguy cơ đụng độ giữa các đồng minh NATO. Khi cả hai nước đều gần đến thời điểm tổ chức bầu cử vào năm 2023, các nhà phân tích cho rằng căng thẳng giữa hai quốc gia này ngày càng được sử dụng cho các mục đích chính trị.
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1050121/hy-lap---tho-nhi-ky-leo-thang-cang-thang