Tại Hội nghị Mùa xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang diễn ra ở Washington (Mỹ), IMF đưa ra cảnh báo thâm hụt tài khóa của Mỹ sẽ làm tăng lạm phát và có thể tạo rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.

IMF dự đoán, tỷ lệ thâm hụt tài khóa của Mỹ có thể lên đến mức kỷ lục 7,1% trong năm tới, gấp 3 lần so với mức trung bình 2% của những nền kinh tế phát triển khác.

Gánh nặng nợ của Chính phủ Mỹ tạo ra nguy cơ ngắn hạn cho quá trình giảm lạm phát cũng như sự ổn định về tài chính dài hạn cho nền kinh tế toàn cầu. Gánh nặng nợ của Chính phủ Mỹ tăng cao do những khoản chi lớn trong các giai đoạn đầu của đại dịch và do chi phí đi vay tăng cao khi Ngân hàng trung ương tìm cách kiềm chế lạm phát. IMF cho rằng, thâm hụt tài khóa của Mỹ đóng góp 0,5% vào lạm phát lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm).

Như thế, tỷ lệ lãi suất của Mỹ sẽ cần duy trì ở mức cao để có thể đưa tỷ lệ lạm phát xuống con số 2% theo mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang (FED). Khoản thanh toán cho lãi suất ròng sẽ lên đến 1.000 tỷ USD sau năm 2026. Việc chi phí đi vay tăng lên ở Mỹ sẽ dẫn đến việc tăng lợi tức trái phiếu chính phủ ở các nước và những biến động về tỷ giá ở những nước đang phát triển và thị trường mới nổi. Hiệu ứng lãi suất cao trên toàn cầu sẽ dẫn đến điều kiện tài chính ngặt nghèo hơn.

IMF cũng nêu quan ngại về nợ chính phủ của Trung Quốc với mức thâm hụt có thể ở mức 7,6% trong năm 2025, gấp hơn 2 lần so với mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi là 3,7%, khi nước này đang phải đối mặt với cầu thấp và khủng hoảng thị trường nhà ở. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nợ Chính phủ của Trung Quốc khó có khả năng gây ảnh hưởng lên các thị trường khác, song việc tăng trưởng chậm hơn dự kiến của Trung Quốc có thể có tác động tiêu cực đối với phần còn lại của thế giới thông qua việc giảm thương mại, đầu tư và tài trợ bên ngoài.

https://hanoimoi.vn/imf-canh-bao-tham-hut-tai-khoa-cua-my-co-the-gay-rui-ro-cho-kinh-te-toan-cau-664039.html

Nam Anh / HNM