IMF dự báo Việt Nam có thể tăng trưởng dương với GDP cuối năm hơn 340 tỷ USD, vượt Singapore, theo các chuyên gia, con số này đáng ghi nhận nhưng cần khách quan.
Việt Nam là một trong số ít nước vừa được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo có thể tăng trưởng dương với GDP cuối năm đạt hơn 340 tỷ USD, vượt Singapore.
Con số này tăng so với năm ngoái, có thể giúp quy mô nền kinh tế Việt Nam vượt Singapore (337 tỷ USD) và Malaysia (336 tỷ USD). IMF cũng dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng từ 3.416 USD năm ngoái lên gần 3.500 USD năm nay.
Số liệu mới nhất của IMF chênh lệch khá lớn với quy mô GDP Việt Nam theo công bố định kỳ của Tổng cục Thống kê, nhưng tương đồng với kết quả sau đánh giá lại. Theo số liệu đến cuối quý III, quy mô kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành ước tính gần 4,17 triệu tỷ đồng, khoảng 181 tỷ USD. Cuối năm 2019, quy mô GDP mới đạt trên 6 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 260 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo kết quả đánh giá lại nền kinh tế giai đoạn 2010-2017, quy mô GDP Việt Nam đến cuối năm 2019 đã vượt ngưỡng 300 tỷ USD.
Việt Nam được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo có thể tăng trưởng dương với GDP cuối năm đạt hơn 340 tỷ USD. (Ảnh minh họa) |
Bàn luận về những nhận định vừa được công bố của IMF, trả lời VTC News, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, trước hết phải ghi nhận những đánh giá tích cực của IMF về kinh tế Việt Nam.
Theo ông Long, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong 5 năm gần đây là khá rõ ràng, chúng ta đã có những bước tiến đáng ghi nhận.
“COVID-19 được kiểm soát tốt giúp nền kinh tế của chúng ta tránh được các thiệt hại, trong khi tổn thất của các nước trên thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng rất nặng nề. Chúng ta thành công ở khâu kiểm soát COVID-19, cầu của chúng ta có giảm nhưng giảm nhẹ, giảm ít so với thế giới”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả khẳng định.
Tuy nhiên ông Long nhấn mạnh, những số liệu này vẫn mang tính thời điểm và đây chỉ là tốc độ về tăng trưởng chứ không phải là quy mô.
“Kế hoạch 5 năm vừa qua đặt ra chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng bình quân và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Hai chỉ số này đạt được nhưng về tốc độ GDP thì lại thấp. Chúng ta không nên lạc quan quá, càng không nên ru ngủ hay thổi phồng con số”, ông Long nói và cho biết những đánh giá này chỉ đúng trong ngắn hạn.
Vẫn theo chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam phải đặt các mục tiêu về chất lượng thay vì số lượng, “ổn định nền kinh tế vĩ mô, tránh các biến động mới là điều chúng ta cần làm”.
“Gốc rễ cốt lõi hiện nay của chúng ta chính là chất lượng và năng suất. Cần đánh giá xem nền kinh tế vĩ mô có ổn định không. Nếu tăng trưởng hơn nhưng năng suất thua thì vẫn là thua”, ông Long nêu quan điểm.
Theo ông Ngô Trí Long, cần nhìn nhận những con số đánh giá trên góc độ khách quan, phải toàn diện, đúng bản chất vấn đề. “Tăng trưởng GDP nhưng chất lượng có đảm bảo hay không, hạ tầng cơ sở giao thông được đẩy thì vốn tăng lên ngay nhưng chất lượng như thế nào, giải ngân có đảm bảo hiệu quả? Cho nên không chỉ nhìn một phía.
Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới, GDP lớn là do khai thác dầu mỏ để bán, nhưng nếu so giá dầu đó với giá dầu thế giới thì thua lỗ. Vì thế, tăng trưởng GDP nhưng chất lượng nền kinh tế không được đánh giá cao. Đánh giá một nền kinh tế còn phải xem các tiêu chí về phân hóa giàu nghèo, tác động môi trường, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động...”, chuyên gia tài chính phân tích.
Đồng quan điểm này, ông Dương Đức Hiển, chuyên gia kinh tế, nêu ý kiến rằng những thông tin như GDP Việt Nam năm 2020 vượt Singapore hay Malaysia cần được đón nhận một cách khách quan, bình tĩnh.
Theo đó, cần phải đặt những thông tin này bên cạnh một loạt các chỉ số khác như vào cuối năm 2020, GDP bình quân của Singapore được dự báo sẽ đạt mức 58.483 USD/người hay Malaysia đạt mức 10.192 USD/người.
Thực tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ bằng khoảng 1/17 của Singapore và 1/3 của Malaysia. Về năng lực cạnh tranh, các quốc gia này hiện vẫn vượt xa so với Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, đây vẫn là con số đáng lạc quan, chứng tỏ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong nhiều thập kỷ đã có hiệu quả, được quốc tế ghi nhận, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực, tiến tới thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.
Nợ Mỹ năm nay sẽ vượt GDP Khi Mỹ đang vật lộn với suy thoái kinh tế do đại dịch, khối nợ phình to dường như không còn là mối quan tâm ... |
Tăng trưởng GDP quý 3 đạt 2,62% Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 ... |
GDP nửa đầu năm 2020: Đừng thấy tăng trưởng dương mà mừng Chuyên gia kinh tế cho rằng không nên thấy tăng trưởng GDP nửa đầu 2020 là dương mà mừng vì nền kinh tế đang gánh ... |