Các chuyên gia cảnh báo quy mô của đợt bùng phát COVID-19 ở Indonesia hiện tại sẽ tạo ra môi trường hoàn hảo sản sinh siêu biến thể nguy hiểm hơn cả Delta.
Liên tục nhiều ngày qua, Indonesia ghi nhận hơn 50.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày. Con số này đưa quốc gia Đông Nam Á trở thành nước có số ca bệnh trong ngày cao nhất thế giới, vượt cả Ấn Độ và Brazil.
Theo Dicky Budiman - nhà dịch tễ học người Indonesia nghiên cứu về các biến thể COVID-19 tại Đại học Griffith (Australia), các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hoặc quốc gia không kiểm soát được dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy ước nếu khu vực nào có hơn 5% ca xét nghiệm cho kết quả dương tính, khu vực đó không kiểm soát được dịch bệnh. Ở Indonesia, con số này cao hơn 10% trong 16 tháng đầu bùng phát dịch và hiện tại là 30%.
Các chuyên gia lo ngại một siêu biến chủng có thể xuất hiện ở Indonesia. (Ảnh: Reuters) |
"Bạn có thể hình dung khả năng một biến thể mới hoặc một siêu biến thể xuất hiện ở Indonesia cao như thế nào", ông Budiman cho hay.
Amin Soebandrio, giám đốc Viện Eijkman - tổ chức chính phủ nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới và mới nổi cho rằng với số ca bệnh tăng vọt thời gian qua ở Indonesia, không thể phủ nhận nguy cơ xuất hiện biến thể mới là rất có khả năng.
Shahid Jameel, nhà virus học hàng đầu của Ấn Độ nhận định tình hình hiện nay ở Indonesia hiện tại rất giống với Ấn Độ ở thời điểm nước này đối mặt với làn sóng thứ 2. Cả 2 nước đều có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Ấn Độ là nơi đầu tiên phát hiện biến thể Delta hiện lây lan tới hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Càng nhiều ca nhiễm trong một cộng đồng, càng có nhiều cơ hội cho một biến thể mới phát triển", Ali Mokdad, giáo sư về Khoa học Đo lường Sức khỏe tại Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe ở Seattle cho biết.
Ông này quan ngại việc người Indonesia tiếp tục tập trung cầu nguyện trong lễ Eid al-Adha truyền thống tuần này có thể khiến mọi chuyện phức tạp hơn.
Lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của Indonesia đã ban hành chỉ thị đặc biệt, cấm người dân đi lại trên toàn quốc trong kỳ nghỉ Eid al-Adh để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Tuy nhiên, cảnh sát và quân đội tại cảng Gilimanuk ở phía tây Bali cho biết hàng nghìn công nhân nhập cư đã lên những chuyến phà chật ních người để về nhà của họ ở Java - vùng dịch lớn nhất của Indonesia hiện tại.
Tiến sĩ Robert Bollinger, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Johns Hopkins cảnh báo nguy cơ xuất hiện các biến thể mới là cao nhất ở các cộng đồng và quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất, trong đó có Indonesia. Nhưng dự đoán về thời điểm và thời gian một biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện nằm ngoài khả năng của các nhà khoa học.
"Tất cả những gì tôi có thể nói với bạn là khi bạn tạo cơ hội cho một loại virus RNA như nCoV chạy lung tung, cơ hội xuất hiện một biến thể mới sẽ tăng lên. Indonesia nên nhìn lại bài học ở Ấn Độ", ông này cho hay.