Iran phóng thành công tên lửa đẩy vũ trụ Simorgh mang theo khối tải trọng lớn chưa từng có vào quỹ đạo Trái đất, trong đó bao gồm một tên tinh quân sự Fakhr-1.

Iran phóng vệ tinh bí mật vào quỹ đạo Trái đất -0
Tên lửa đẩy vũ trụ Simorgh được phóng ngày 6/12. Ảnh: MEHR

Hãng thông tấn IRNA của Iran cho biết, tên lửa đẩy vũ trụ Simorgh do nước này tự phát triển đã được phóng thành công vào ngày 6/12 (giờ địa phương), đưa khối tải trọng nặng tổng cộng 300kg lên quỹ đạo thấp Trái đất. Đây cũng là khối tải trọng lớn nhất mà một tên lửa vũ trụ nội địa của Iran đưa thành công lên quỹ đạo.

Theo IRNA, có 3 vệ tinh trong khối tải trọng nêu trên, bao gồm vệ tinh quân sự Fakhr-1, thiết bị chuyển quỹ đạo Saman-1 và một "thiết bị nghiên cứu" chưa được công bố. Cả 3 thiết bị đều tách thành công khỏi Simorgh và vệ tinh Fakhr-1 đã gửi tín hiệu trở lại Trái đất.

Được đặt tên theo nhà vật lí học Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát năm 2020 ở Tehran, vệ tinh Fakhr-1 do quân đội Iran chủ trì sản xuất, có khối lượng chỉ khoảng 10kg, được thiết kế để thử nghiệm công nghệ cung cấp dịch vụ từ quỹ đạo Trái đất, nhưng chưa rõ chi tiết.

Trong khi đó, thiết bị chuyển quỹ đạo Saman-1 được mô tả là có khả năng "kéo" các vệ tinh khác từ quỹ đạo thấp lên quỹ đạo cao hơn, giúp Iran tăng cường khả năng triển khai vệ tinh ở nhiều độ cao khác nhau trong tương lai.

Dù chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, Iran vẫn chứng minh họ có khả năng chinh phục các mục tiêu không gian bằng các thiết bị nội địa. Hồi tháng 1/2024, Iran từng phóng thành công tên lửa đẩy Simorgh đưa 3 vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất.

Mỹ những năm qua nhiều lần chỉ trích việc Iran phóng tên lửa vũ trụ, cho rằng các công nghệ tên lửa có thể được Iran sử dụng để phát triển tên lửa đạn đạo, bao gồm các mẫu có thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, Iran khẳng định họ không theo đuổi vũ khí hạt nhân và các vụ phóng được thực hiện vì mục đích dân sự và quốc phòng.

Thái Hà / CAND